Vượt qua cung đường ngoằn ngoèo như sợi chỉ vắt qua những sườn núi cheo leo, chúng tôi lên cao nguyên đá Đồng Văn. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về đời sống của đồng bào Cờ Lao bản địa, anh Dinh Mỹ Thào, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Đồng Văn tình nguyện đưa chúng tôi vào xã Sính Lủng.
“Trước năm 2007, đường này chỉ là lối mòn nhỏ. Sau được Nhà nước đầu tư, nhân dân góp sức mới mở được ra như thế này đấy. Cũng gian nan lắm. Ở đây toàn núi đá, mà là đá cứng. Mở được một km đường núi ở đây vất vả bằng mở hàng chục km ở dưới xuôi”, tiếng anh Thào cho biết.
Hơn 4 giờ chiều, chúng tôi mới vào đến xã Sính Lủng. Trụ sở 2 tầng kiên cố của UBND xã nằm lọt thỏm giữa điệp trùng đá. Tiếng gõ bàn phím lách cách từ các phòng làm việc vọng ra, xua tan sự ảm đảm, tĩnh lặng của miền núi đá. Bà Lục Thị Thu Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Sính Lủng, cho biết: “Sính Lủng là xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Đồng Văn. Đây là nơi đồng bào Cờ Lao sinh sống nhiều nhất của huyện, với 137 hộ, 583 nhân khẩu. Trước đây, đồng bào Cờ Lao ở Sính Lủng nằm trong “tốp” nghèo nhất, không có hộ thuộc diện cận nghèo. Mừng là năm 2014, đã có 29 hộ vươn lên cận nghèo, 16 hộ đã thoát nghèo”.
16 hộ thoát nghèo, chỉ mới chiếm hơn 11 % tổng số hộ Cờ Lao ở Sính Lủng, nhưng cũng là điều đáng để mừng, bởi đời sống của đồng bào Cờ Lao ở đây chủ yếu dựa vào 1 vụ ngô trồng xen kẽ đá tai mèo. Để ngô cho hạt, đồng bào đã phải cần mẫn bón từng nắm đất, chắt chiu từng giọt nước.
Vậy nên xóa đói, giảm nghèo ở Sính Lủng như là cuộc “vượt cạn” của cả chính quyền và người dân nơi đây. Một năm có được 16 hộ thoát nghèo là kết quả của một chặng đường rất dài ở Sính Lủng.
Một trong những phương án giảm nghèo, đặc biệt là đồng bào Cờ Lao ở Sính Lủng trong khi đất đai hạn chế nữa là phát triển làng nghề đan lát cũng giúp giải quyết việc làm cho 35 hộ dân ở thôn Má Chề. Ông Vần Phỏng Sài, chia sẻ: “Tôi thường chặt tre, nứa sau nhà ngồi đan lúc rảnh rỗi. Một tuần làm được 10 sản phẩm các loại như: Nong, nia, mẹt... gom vào đi bán tại chợ Đồng Văn, Lũng Phìn, với giá bán từ 40 - 120.000 đồng/chiếc”.
Có thêm nghề này đồng bào có thêm thu nhập lúc nông nhàn và việc làm cho người già, không còn sức lực để lên nương. Đây cũng là cách để giữ gìn làng nghề không bị mai một. Bên cạnh đó, nhờ có đường giao thông thuận tiện mà các sản phẩm đan lát còn được bán sang Mèo Vạc, Yên Minh do các lái buôn vận chuyển đi. Nghề phụ này đã đem lại thu nhập trung bình từ 8-10 triệu đồng/năm cho 40 hộ dân Má Chề.