Xóa lò vôi thủ công gây ô nhiễm tại Thái Bình: Không khó khi thuận lòng dân

21/03/2017 00:00

(TN&MT) - Suốt một thời gian dài, hàng chục lò vôi thủ công nằm sát chân cầu Nghìn thuộc địa phận thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình là một trong những “điểm đen” gây ô nhiễm môi trường. Nhưng với quyết tâm, nỗ lực cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh cùng vào cuộc, đến nay, việc tháo dỡ các lò vôi thủ công gây ô nhiễm đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Phá dỡ lò vôi ở Cầu Nghìn, Thái Bình
Phá dỡ lò vôi ở Cầu Nghìn, Thái Bình

Dựa vào dân tạo đồng thuận

Khu vực cầu Nghìn có 64 lò vôi với 115 ống lò của 30 hộ kinh doanh vôi đã tồn tại hàng chục năm qua. Đã có rất nhiều văn bản của các cấp, ngành và người dân kiến nghị về việc di dời các lò vôi thủ công ra khỏi khu dân cư. Tuy vậy, để thực hiện trong “một sớm, một chiều” không phải đơn giản. Xác định được điều này, UBND tỉnh Thái Bình đã chủ động nghiên cứu, tổng hợp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Ngày 26/12/2016, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Đề án xóa bỏ lò vôi tại khu vực Cầu Nghìn, thị trấn An Bài (huyện Quỳnh Phụ). Mục tiêu đề ra đến hết tháng 3/2017 xóa bỏ toàn bộ 64 lò vôi với 115 ruột lò, đồng thời chuyển đổi nghề nghiệp cho các chủ lò vôi và lao động tại đây. Ông Nguyễn Đình Triệu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Phụ cho biết: Được sự phân công của UBND huyện, chúng tôi cùng các thành viên trong bộ phận giúp việc UBND huyện tháo dỡ lò sản xuất vôi tại khu vực cầu Nghìn đã tích cực phối hợp cùng các đoàn thể tại cơ sở, tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận nhân dân, kiên trì vận động, thuyết phục, tạo chuyển biến trong nhận thức để các chủ lò vôi hợp tác, tự nguyện thực hiện theo đúng quyết định của tỉnh.

Tự nguyện tháo dỡ 

Quyết định số 3942 của UBND tỉnh trước mắt sẽ hỗ trợ tối đa 440 triệu đồng/một ruột lò nếu các chủ lò đến hết tháng 3/2017 chủ động phá dỡ lò. Nếu hoàn thành phá dỡ trong tháng 4 được hỗ trợ 90%, tương đương 396 triệu đồng/một ruột lò; trong tháng 5 được hỗ trợ 80%, tương đương 352 triệu đồng/một ruột lò; trong tháng 6 hỗ trợ 70%, tương đương 308 triệu đồng/một ruột lò và tháng 7, 8 chỉ được hỗ trợ 60%, tương đương 264 triệu đồng/một ruột lò. Ngoài ra, hỗ trợ người lao động đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tư vấn giới thiệu việc làm. Đối với lao động thường xuyên, còn được tỉnh hỗ trợ sáu tháng lương thực với mức 20kg gạo/lao động/tháng; lao động không thường xuyên hỗ trợ bốn tháng với mức tương đương. Tổng kinh phí thực hiện Đề án khoảng 59 tỷ đồng được lấy từ nguồn ngân sách địa phương.

Tính đến giữa tháng 3/2017, đã có 7 chủ lò vôi thực hiện tháo dỡ 11 lò sản xuất vôi với tổng số 21 ruột lò, thêm 11 chủ lò đăng ký với UBND thị trấn An Bài tự nguyện tháo dỡ 15 lò với 24 ruột lò; toàn bộ quá trình tháo dỡ sẽ hoàn thành trước ngày 31/3.

Để chủ trương của tỉnh đạt kết quả cao nhất ông Nguyễn Hồng Diên Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các lực lượng chức năng của huyện Quỳnh Phụ tiếp tục tuyên truyền, vận động các chủ lò vôi thực hiện việc phá dỡ theo lộ trình; tập trung phương tiện, máy móc đẩy nhanh tiến độ phá dỡ; trong quá trình thi công cần đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản cũng như an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên quốc lộ 10 đoạn qua khu vực cầu Nghìn; yêu cầu các cấp chính quyền cơ sở và các lực lượng chức năng của huyện Quỳnh Phụ thực hiện nghiêm nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh về việc dừng vận chuyển, nhập nguyên vật liệu phục vụ sản xuất vôi.

Thụy Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa lò vôi thủ công gây ô nhiễm tại Thái Bình: Không khó khi thuận lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO