Xóa lò gạch thủ công ở Quảng Ngãi: Thiếu quyết liệt

26/08/2016 00:00

(TN&MT) - Tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thế nhưng việc triển khai thực hiện quyết định này dường như vẫn giậm chân tại chỗ. Nguyên nhân là do sự thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Nhiều lò gạch vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp quyết định chấm đứt hoạt động của UBND tỉnh Quảng Ngãi
Nhiều lò gạch vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp quyết định chấm đứt hoạt động của UBND tỉnh Quảng Ngãi

Quyết định vẫn ở trên giấy?

Theo quyết định 222 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc triển khai chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trước năm 2013, phải chấm dứt hoạt động sản xuất của lò gạch thủ công trong khu vực thành phố, thị trấn, thị tứ, khu vực gần khu dân cư… tại các huyện đồng bằng. Trước năm 2014, phải chấm dứt hoạt động sản xuất của lò gạch thủ công tại các xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng. Lộ trình đã có, thế nhưng việc triển khai thực hiện tại địa phương lại dường như đang giậm chân tại chỗ. Số lượng lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống. Những lò gạch cạnh khu dân cư vẫn ngày đêm hoạt động, những lò gạch mới vẫn tiếp tục được xây dựng.

Thời tiết đang nóng nực lại thêm những luồng khí than bốc lên từ lò gạch thủ công khiến không khí ở xã Nghĩa Hà (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) càng trở nên ngột ngạt. Nhiều người dân mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng, gạch thủ công không chỉ ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ông Nguyễn Tình, người dân xã Nghĩa Hà cho biết: “Ở cái xứ nắng bụi, mưa bùn này, việc người dân sống chung với ô nghiễm do các lò gạch gây ra là điều khó tránh khỏi. Nhiều người đã bị bệnh viêm đường hô hấp và dị ứng da. Nhưng ở đây, nhà nhà làm gạch, người người làm gạch, biết phải làm sao?”

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà theo ông Thái thì hầu hết cây cối, hoa màu nằm cạnh lò gạch hoặc bị khói lò gạch “quét” qua đều bị khô lá, rụng trái; đồng thời còn ảnh hưởng đến việc chăn nuôi gia súc.    

Ông Lê Trung Thành- Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết: Trên địa bàn huyện có 68 lò gạch nung tạo việc làm cho gần 600 lao động, chủ yếu tập trung ở thị trấn Sông Vệ, thị trấn La Hà và các xã: Nghĩa Thương, Nghĩa Phương, Nghĩa Mỹ. Từ tháng 11/2013, UBND huyện đã bắt đầu triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có lò gạch thủ công nào trên địa bàn huyện được tháo dỡ.

Thiếu quyết liệt, đồng bộ

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 200 lò gạch thủ công. Các lò gạch này tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động và tập trung chủ yếu ở các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Sơn Tịnh, TP.Quảng Ngãi… Đến nay, việc triển khai chủ trương xóa lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu thực hiện bằng hình thức vận động chủ các lò gạch mà không có hướng chỉ đạo giải quyết, cũng như chính sách hỗ trợ cụ thể đối với người dân thực hiện chuyển đổi từ lò gạch thủ công sang gạch không nung.

Nếu không có cơ chế hỗ trợ đặc thù, việc xóa lò gạch thủ công sẽ vẫn mãi là lộ trình phấn đấu
Nếu không có cơ chế hỗ trợ đặc thù, việc xóa lò gạch thủ công sẽ vẫn mãi là lộ trình phấn đấu

Ông Nghiêm Văn Phong chủ một lò gạch thủ công ở xã Nghĩa Hà, Tư Nghĩa cho rằng: “Chủ trương của nhà nước là xóa bỏ lò gạch thủ công trong khu dân cư. Gia đình chấp hành nhưng chính quyền phải có cơ chế hỗ trợ đặc thù để gia đình có nghề sinh sống”. Từ năm 2013, tiếp nhận chủ trương xóa lò gạch thủ công của UBND tỉnh, ông Phong đã đề xuất chính quyền địa phương và ngành chức năng xem xét, bố trí quỹ đất để di chuyển lò gạch thủ công ra xa khu dân cư; đồng thời nghiên cứu hỗ trợ họ trong việc ứng dụng kỹ thuật sản xuất mới, thân thiện với môi trường. Song, kiến nghị này đến nay, vẫn chưa được giải quyết.

Do đó, dù UBND huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa tích cực hướng dẫn, vận động các chủ lò gạch thủ công vào sản xuất tại các cụm công nghiệp (CCN) nhưng bất thành. Lý do các chủ lò gạch thủ công đưa ra là, vào CCN đồng nghĩa với việc mở rộng quy mô và chuyển đổi công nghệ sản xuất, nhưng với nguồn lực eo hẹp nên họ đều từ chối.

Ngoài ra, việc tuyên truyền sử dụng gạch không nung trên  địa bàn tỉnh cũng chưa được chú trọng. Các địa phương khác như Đà Nẵng, Quảng Nam… đã cơ bản xóa được tình trạng hoạt động của các lò gạch thủ công do việc triển khai sản xuất và sử dụng gạch không nung được thực hiện quyết liệt. Đến nay, 100% các công trình xây dựng cơ bản tại Đà Nẵng sử dụng vốn ngân sách đều bắt buộc phải sử dụng gạch không nung. Do đó, UBND tỉnh cần kiểm soát chặt chẽ quy định 100% công trình sử dụng ngân sách phải sử dụng gạch không nung, tạo điều kiện cho DN sản xuất sản phẩm này hoạt động ổn định. Có như vậy, mới thay đổi dần thói quen sử dụng vật liệu xây dựng của người dân, dần dần xóa bỏ các lò gạch thủ công.

Ông Lê Trung Thành cho rằng, nghề làm gạch là nghề truyền thống của nhiều hộ gia đình, do vậy việc chuyển đổi nghề nghiệp là không dễ dàng. Đề nghị UBND tỉnh cần sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế hỗ trợ như vốn vay, tiền thuê đất, trang thiết bị máy móc để người dân địa phương mạnh dạn chuyển đổi từ lò gạch thủ công sang không nung. “Nếu cứ để họ mãi tự bơi như hiện nay thì không biết đến bao giờ, các lò gạch thủ công mới được xóa xong”- ông Thành nhận định.

Bài & ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa lò gạch thủ công ở Quảng Ngãi: Thiếu quyết liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO