Xin chữ đầu xuân- nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt

08/02/2019 21:05

(TN&MT) - Đến ông đồ xin chữ đầu năm, đó không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc đầu xuân năm mới, mà còn là với ước vọng cầu tài, lộc, sức khỏe, bình an của người Việt. Chẳng biết từ bao giờ tục xin chữ ông đồ đã ăn sâu vào tiềm thức và trở thành nét đẹp thuần Việt mỗi khi xuân về tết đến.

Tặng chữ từ tâm

Cha truyền con nối, cứ mỗi độ tết đến xuân về, ngoài vui vầy bên gia đình người thân vui xuân đón tết; người người, nhà nhà vẫn giành một khoảng thời gian nhất định đến gặp ông đồ để xin chữ đầu xuân cho mình hoặc tặng bố mẹ, bạn bè, người thân, tri ân, nhân ngãi. Tùy theo lứa tuổi, bản tính, đối tượng mình tặng mà xin chữ ông đồ cho phù hợp.

Đối với cha mẹ, thì quà tặng chữ của con cái không gì đẹp hơn chữ “Thọ”. Bởi chữ “Thọ” vừa thể hiện tôn kính, vừa là ước nguyện của con cháu trong gia đình cầu mong ông bà, bố mẹ trường thọ sống lâu trăm tuổi. Đối với người tri thức còn gì ý nghĩa hơn tặng họ một chữ “Tâm”. Bởi những người tri thức học cao hiểu rộng, chức tước đương quyền, họ luôn coi chữ “Tâm” làm điểm xuất phát hành trình của cuộc đời họ. Mặt khác, tặng chữ “Tâm” cho họ cũng như một “động thái” nhắc nhở: “Làm gì cũng phải có tâm”, lấy “Tâm” làm gốc.

anh 4,
Phố chợ ông đồ ngày xuân bao giờ cũng đông khách đến xin chữ

Đối với những người ân sâu nghĩa nặng, quà chữ nào quí bằng hai chữ “Tri ân”. Bởi món quà không có giá trị vật chất ấy, nó lại có giá trị đỉnh cao về lòng biết ơn chân thành người đã cứu giúp mình qua cơn hoạn nạn, hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống lúc cùng đường bế tắc. Còn đối với những người đang trên đường phấn đấu lập nghiệp, món quà “Thành công không bao giờ đến với kẻ lười biếng” là hay nhất. Bởi đó không chỉ là sự “kích cầu”, mà còn là điều “nhắc nhở” con người muốn có sự thành công, chỉ duy nhất một con đường là lao động; dẫu lao động ấy là chân tay, trí thức hay lao động nghệ thuật…

Có muôn hình vạn trạng ý nghĩa khác nhau từ những câu đối, dòng chữ, hoành phi, tùy vào cảm xúc, mối quan hệ và cung bậc tình cảm của người tặng đối với người được tặng. Song, có một điều, những “món quà tặng” bằng chữ ấy, nhất thiết phải thể hiện được tình cảm, tâm tư, hào khí của chủ nhân. Người đi tặng vẫn hài lòng, người được tặng cảm thấy trân trọng, xúc động. Đó là cách tặng chữ từ tâm, từ lòng hiếu thảo tôn kính với những người cao tuổi, là cách chơi quân tử đối với bạn bèm là thể hiện biết ơn đối với thế hệ tiền nhân. 
Những ông đồ gieo phúc ngày xuân
Xưa kia, muốn xin chữ phải đến tận nhà ông đồ, hoặc khó khăn lắm mới xin được chữ bởi đường đi xa lắc. Ngày nay, chẳng cần đi xa, khi tết đến xuân về cứ đến công viên, hoặc phố ông đồ là xin được chữ. Gọi là xin chữ, chứ thực ra “người xin” cũng gửi lại ông đồ “chút thù lao”, gọi là “tiền công giấy mực”.

anh 5,
Lính hải quân xin chữ ông đồ trong hội “mùa xuân biển đảo”

Xưa kia, ông đồ thường là những người biết chữ nho, hoặc ít nhất cũng “văn chương đạo pháp nghĩa nghì” và thường bậc những người cao niên, lớn tuổi. Còn nay, có cả ông đồ trung tuổi, và những ông đồ trẻ tuổi đôi mươi. Và chính những ông đồ trẻ này là tâm điểm “hút khách”những người trẻ, nhất là nam thanh, nữ tú, cậu ấm, cô chiêu.
Xưa kia, những ông đồ nổi tiếng chuyên viết thư pháp, đạo pháp, chữ hán, chữ nôm phải kể đến ở Văn miếu Quốc Tử giám Hà Nội - Đây vẫn thực sự là điểm hẹn cho các nhà nho cũng như những người yêu mến nghệ thuật thư pháp có thể hội tụ để giao lưu, học hỏi, nâng cao những giá trị thẩm mỹ. Còn nay, ở tỉnh, thành nào cũng có ông đồ cho chữ trong hội hoa xuân, hoặc “phố chợ ông đồ”. Đây chính là điểm nhấn của du lịch của địa phương ấy đối với du khách gần xa trong những dịp xuân về tết đến

Cụ đồ Nguyễn Hữu Lạc đường Cô Giang TP. Hồ Chí Minh, xuân nào cũng lỉnh kỉnh đồ nghề ra Hội hoa xuân Vũng Tàu viết chữ. Gian chữ của cụ lúc nào cũng nườm nượp khách đến mua. Mặc cho ngàn bước chân san sát, kệ cho hàng chục cánh tay đưa điện thoại chụp hình, cụ vẫn miệt mài viết chữ. Cụ Lạc chia sẻ: “Cho chữ ngày xuân là thú vui. Mỗi bức chữ thư pháp chẳng đáng bao tiền, nhưng nó là niềm tin, đạo nghĩa. Chúng tôi là những người đi gieo phúc, mang hạnh phúc đến cho mọi nhà khi xuân về tết đến”.

Bên cạnh những cụ đồ cao tuổi, những ông đồ trẻ tuổi cũng xuất hiện nhiều ở phố viết chữ thư pháp, hoặc hội hoa xuân. Khác với những “cụ đồ” cao tuổi, những “ông đồ trẻ” có lối viết thư pháp riêng mang phong cách người trẻ, nhưng vẫn không mất đi tính triết lý, tình cảm, âm ngữ của tiếng Việt. Thanh Lâm- chàng trai đến từ TP. Hồ Chí Minh theo “môn ông đồ” viết chữ thư pháp nhiều năm qua xuất hiện ở nhiều chợ ông đồ mỗi khi tết về xuân đến cho biết, chọn nghề viết thư pháp là thú vui của anh. Chính viết thư pháp đã khiến anh sống chậm, nhìn cuộc sống “lành hơn”, sống có nghĩa có tình hơn. “Để viết một bức thư pháp không khó, nhưng để đưa hồn vào thư pháp không dễ. Viết chữ tâm, ông đồ cũng có cái tâm trong sáng. Bán một bức thư pháp cho khách hàng, cũng chính là đem gieo phúc, tạo đức cho họ”. 

anh 2
“Đồ trẻ” Thanh Lâm “truyền” chữ “Nhẫn” trên giấy bả  

Không chỉ nét đẹp văn hoá truyền thống của người việt
Không chỉ người Việt Nam đang sinh sống trên khắp mọi miền Tổ quốc, định cư ở nước ngoài, mà ngay cả người ngoại quốc đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Nhật đều yêu quí bộ môn chữ thư pháp tiếng Việt. Mỗi khi xuân về tết đến, họ vẫn ra công viên hoặc đến phố ông đồ “xin chữ” với ước nguyện sống vui, khỏe và hạnh phúc.

Người Việt từ xưa đã có truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ và xin chữ. Những tấm hoành phi, câu đối trong đình chùa, miếu mạo hay trong mỗi gia đình được đặt ở những nơi trang trọng và linh thiêng nhất. Và việc xin chữ ngày tết, không phải là đơn giản là “vui vẻ, cầu tài, cầu phúc lộc, vạn sự an bình”, mà đó là điều thiêng liêng, một việc quan trọng của gia đình. Chữ xin cũng tùy theo nguyện vọng của từng người, trong năm mới người ta cầu mong điều gì nhất thì người ta xin, người cầu tài lộc thì xin chữ tài chữ lộc, người cầu con cái xin chữ phúc, người cầu sức khỏe sống lâu xin chữ thọ..

Có người trước khi rời Việt Nam, họ không quên mua cho riêng mình bức thư pháp có chữ “Tâm”. Cũng có người đem theo bức thư pháp mang dòng chữ “Tôi yêu Việt Nam” sang tận trời tây. Còn những ngoại kiều người Việt, sau khi về quê hương đón tết vui xuân, trở lại miền đất xa xôi bên kia bán cầu, không quên bỏ trong va ly bức tranh thư pháp “Quê hương- khúc ruột Việt Nam”. Tất cả hình ảnh ấy đều có một mẫu số chung rằng: Người Việt Nam giàu lòng mến khách, văn hóa  Việt Nam phong phú và đa dạng, “xin chữ đầu xuân” là nét đẹp tao nhã truyền thống mang của cốt cách văn hóa người Việt mỗi khi tết đến xuân về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xin chữ đầu xuân- nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO