Xem xét tiếp tục gia hạn ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ô tô

Lưu Nguyên Sơn| 14/07/2021 20:12

(TN&MT) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành về Dự thảo Tờ trình Chính phủ liên quan đến đề xuất tiếp tục thực hiện Chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (được thực hiện từ 16/11/2017 và sẽ kết thúc vào 31/12/2022).

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành về việc xem xét tiếp tục gia hạn ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ôtô. Ảnh minh họa

Ngày 16/11/2017, Chính phủ đã có Nghị định 125/2017/NĐ/-CP (sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ) trong đó, đã bổ sung Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất lắp ráp xe ô tô (gọi tắt là Chương trình) thực hiện từ 16/11/2017 đến 31/12/2022.

Theo đó, các doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện đề ra trong Chương trình được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.

Ngày 25/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP) trong đó, đã sửa đổi bổ sung nhiều nội dung của Chương trình ưu đãi thuế cho phù hợp với yêu cầu và bối cảnh mới.

Mới đây, Tỉnh ủy Hải Dương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp ô tô, trong đó có đề cập đến một số ưu đãi về thuế. Theo Tỉnh ủy Hải Dương, công nghiệp ôtô luôn là ngành mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP của các nước lớn trên thế giới. Tại Việt Nam, ngành ôtô cũng chiếm tới 3% GDP cả nước.

Hiện nay, chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện cho sản xuất lắp ráp là một trong những ưu đãi đặc biệt và quan trọng nhất cho các nhà sản xuất ôtô. Trong bối cảnh Việt Nam đang dần mở cửa cho xe nhập khẩu nguyên chiếc theo các hiệp định thương mại tự do, việc tiếp tục gia hạn ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện là cần thiết để hỗ trợ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Trước đề xuất của tỉnh Hải Dương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ôtô. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, trong đó bao gồm cả việc xem xét khả năng tiếp tục gia hạn chương trình ưu đãi thuế cho giai đoạn tiếp theo (sau năm 2022) và báo cáo Thủ tướng.

Còn hơn một năm nữa mới kết thúc chương trình thực hiện (31/12/2022) tuy nhiên với đặc thù của ngành sản xuất ô tô là cần khoảng thời gian 2 - 3 năm để lập kế hoạch và chuẩn bị cho các mẫu xe sản xuất mới, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA) và các doanh nghiệp cũng như địa phương đã đề xuất Chính phủ sớm có quyết định có tiếp tục gia hạn Chương trình ưu đãi này trong giai đoạn tiếp theo hay không.

Liên quan đến vấn đề này, trong văn bản gửi lấy ý kiến các bộ, ngành chức năng, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương và VAMA có ý kiến đóng góp với nội dung dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 57/2020/NĐ-CP. Đặc biệt các cơ quan này cần có đánh giá chi tiết về kết quả thực hiện Chương trình. Việc đóng góp ý kiến này cần được gửi sớm trước ngày 20/7/2021.

Về việc xem xét quyết định thực hiện tiếp Chương trình, trong dự thảo lấy ý kiến đóng góp, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện là cần thiết. Tuy nhiên cơ quan này cũng đưa ra một số điểm cần sửa đổi liên quan đến: điều kiện khí thải, kỳ xem xét ưu đãi thuế, sản lượng chung và sản lượng tối thiểu…

Một số nội dung quy định cụ thể để hưởng ưu đãi theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP:

- Mức thuế nhập khẩu ưu đãi: 0%

- Doanh nghiệp có giấy Chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp xe ô tô do Bộ Công Thương cấp.

- Điều kiện:

+ Linh kiện có tên trong nhóm 98.49; thuộc loại kinh kiện trong nước chưa sản xuất được; sử dụng để sản xuất, lắp ráp ô tô trong kỳ xem xét ưu đãi; các linh kiện đáp ứng mức độ rời rạc tối thiểu theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; linh kiện phải do doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trực tiếp NK hoặc ủy thác, ủy quyền NK.

+ Đáp ứng điều kiện về tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô chạy bằng xăng, dầu (mức 4.5 từ 2018 - 2021, mức 5 trở lên từ 2022).

+ Đáp ứng điều kiện về mẫu.

+ Đáp ứng điều kiện về sản lượng chung tối thiểu và sản lượng riêng tối thiểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xem xét tiếp tục gia hạn ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ô tô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO