Vi phạm tràn lan
Theo phản ánh của người dân xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, nhiều năm nay tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp trên địa bàn đã diễn ra rất sôi động. Ban đầu chỉ có một số hộ, sau đó các hộ khác đua nhau vi phạm. Nổi bật nhất là một loạt ki ốt xây dựng trái phép tại khu 4, trong khi các công trình vi phạm xây dựng để sử dụng vào mục đích kinh doanh từ lâu, gây thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước từ đất đai nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Lần theo nguồn tin phản ánh, PV Báo TN&MT được một người dân dẫn đường và chỉ điểm từng hộ vi phạm. Qua thực địa cho thấy, phản ánh về tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp là có cơ sở, vi phạm chủ yếu xảy ra tại khu 2, khu 6 và khu 4, xã Đồng Tĩnh. Từ vi phạm san lấp, thay đổi hiện trạng đất nông nghiệp đến xây dựng nhiều công trình nhà ở kiên cố, khang trang có diện tích lên đến hàng trăm m2.
Tình trạng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp diễn ra tràn lan, phức tạp tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương |
Di chuyển qua trục đường 36 thuộc khu 4, đoạn đường này vốn là nơi có nhiều phương tiện giao thông qua lại, vị trí đắc địa. Trước đây là đất nông nghiệp, nhưng nay đã bị chiếm dụng để xây dựng lên một loạt ki ốt kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát.
Ông Nguyễn Đức Thuận, người dân khu 11, xã Đồng Tĩnh bức xúc phản ánh: “Tôi là người dân sinh sống đã lâu ở đây, chứng kiến trong những năm qua trên địa bàn xã có nhiều trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Tôi có thể chỉ rõ từng trường hợp vi phạm, đơn cử như nhà ông Chung ở khu 2, nhà ông Sơn ở khu 6... và nhiều hộ khác đều xây dựng nhà kiên cố. Tình trạng này đã diễn ra từ lâu, nhưng không hề thấy chính quyền xử lý triệt để”.
Một người dân sống ở khu 4, xã Đồng Tĩnh cho biết: “Cạnh đường 36 vốn là đất trồng lúa, nhưng giờ mấy ai sản xuất. Nhà nào có điều kiện thì xây dựng ki ốt bán hàng, còn không là cho người khác thuê lại để kinh doanh. Một loạt ki ốt ở đường này đã tồn tại từ nhiều năm, họ vẫn hoạt động bình thường, nào có bị xử lý, yêu cầu tháo dỡ”.
Cần xử lý “mạnh tay”
Theo hồ sơ mà UBND xã Đồng Tĩnh cung cấp, trong năm 2018, 2019, địa phương này mới chỉ lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với một số trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất nông nghiệp. Cụ thể, hộ ông Hà Văn Chung với tổng diện tích các thửa gần 600 m2; hộ ông Đào Văn Thắng với tổng diện tích các thửa gần 500 m2; hộ ông Nguyễn Hồng Sơn với tổng diện tích hơn 750 m2...
Đây chỉ là một trong những vi phạm điển hình, trên thực tế còn rất nhiều trường hợp vi phạm tương tự. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm, san lấp và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp diễn biến hết sức phức tạp và tràn lan trên địa bàn xã Đồng Tĩnh. Vì vậy, thực trạng này đã và đang gây bức xúc trong dư luận trong khi phía chính quyền địa phương lại chưa có biện pháp xử lý “mạnh tay”.
Những vi phạm trên đất nông nghiệp cần được rà soát và xử lý nghiêm. |
Ông Nguyễn Kim Thỏa, Chủ tịch UBND xã Đồng Tĩnh xác nhận: Tình trạng nhiều hộ dân trên địa bàn xã san lấp, xây dựng trên đất nông nghiệp đã xảy ra từ lâu nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm. Đối với các vi phạm gần trục đường 36, sau khi triển khai làm đường có một phần đất nông nghiệp dư thừa, sau đó các hộ dân san lấp và xây dựng hàng quán để kinh doanh. UBND xã đã có tờ trình gửi UBND huyện Tam Dương để xin chuyển đổi sang đất xen ghép, nhưng huyện chưa đồng ý. Thời gian tới, xã sẽ rà soát lại các hộ vi phạm trên đất nông nghiệp để có hướng xử lý.
Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng TN&MT huyện Tam Dương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện đã có Kế hoạch xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Đồng Tĩnh. Theo đó, Kế hoạch được thực hiện từ năm 2021 - 2025, trung bình mỗi năm sẽ xử lý 20% trường hợp vi phạm.
Khoản 1, Điều 12, Quyết định số 13/2020/QĐ-UBND ngày 23/3/2020 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng nêu rõ:
“Người có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng mà dung túng, bao che không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng hành vi vi phạm, không đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.