Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TN&MT, Cục Viễn thám quốc gia được Bộ giao chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám. Để hoàn thành việc soạn thảo Thông tư theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và thủ tục theo đúng quy định, Cục Viễn thám quốc gia tổ chức cuộc họp Tổ soạn thảo để lấy ý kiến góp ý của các thành viên Tổ soạn thảo.
Ông Vũ Hữu Liêm, Giám đốc Trung tâm Giám sát Tài nguyên Môi trường và Biến đổi khí hậu, Cục Viễn thám quốc gia – Đơn vị được giao chủ trì soạn thảo cho biết, dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám gồm 3 chương, 15 điều quy định về kỹ thuật, công nghệ, nội dung, trình tự các bước giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám và được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám.
Theo dự thảo Thông tư, quy định kỹ thuật giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám gồm các bước như: Công tác chuẩn bị, tiền xử lý ảnh viễn thám, biên tập dữ liệu nền, chiết xuất thông tin ngập lụt, biên tập lớp thông tin ngập lụt, thành lập bản đồ giám sát ngập lụt, kiểm tra bản đồ giám sát ngập lụt, xây dựng báo cáo giám sát ngập lụt, kiểm tra và giao nộp sản phẩm.
Đối với công tác chuẩn bị, dự thảo Thông tư quy định quy trình tiến hành theo dõi các thông tin dự báo thời tiết hàng ngày từ cơ quan Dự báo thời tiết về lượng mưa, thời gian mưa và khu vực mưa; dự báo bão gồm cấp độ bão, hướng di chuyển, thời gian và phạm vi khu vực ảnh hưởng; thông tin về mưa, lũ từ các cơ quan thông tin đại chúng; thông tin của các vệ tinh giám sát thiên tai đi qua lãnh thổ Việt Nam; thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám ra-đa trước, trong và sau thiên tai theo thứ tự ưu tiên; thu thập bản đồ và các thông tin có liên quan đến khu vực giám sát.
Tiếp đó, trên cơ sở các thông tin đầu vào sẽ tiến hành nhập dữ liệu ảnh đầu vào, tiền xử lý ảnh viễn thám, lọc, loại bỏ các nhiễu tần số; biên tập dữ liệu nền thông qua trích xuất thông tin nền địa lý từ cơ sở dữ liệu nền địa lý, biên tập bản đồ nền giám sát ngập lụt; chiết xuất thông tin ngập lụt từ ảnh viễn thám ra-đa, hiệu chỉnh kết quả thông tin ngập lụt. Trên cơ sở kết quả thông tin ngập lụt sẽ tiến hành thành lập bản đồ giám sát ngập lụt; Kiểm tra nội dung và logic thể hiện bản đồ giám sát ngập lụt, xuất bản đồ, gửi bản đồ giám sát ngập lụt. Đồng thời xây dựng báo cáo giám sát ngập lụt dựa trên kết quả giám sát.
Cuối cùng là kiểm tra nội dung, hình thức báo cáo giám sát ngập lụt, hoàn thiện sản phẩm và giao nộp cho cơ quan chủ quản, các cơ quan sử dụng dữ liệu.
Tại cuộc họp, đại diện Vụ Pháp chế Bộ TN&MT, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Cục Quản lý tài nguyên nước là thành viên Tổ soạn thảo đã tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo. Trong đó tập trung phân tích, làm rõ nghĩa của các từ được giải thích, góp ý nội dung về tiền xử lý ảnh viễn thám, biên tập dữ liệu nền, chiết xuất thông tin ngập lụt.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các thành viên Tổ soạn thảo Thông tư, kết luận cuộc họp, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Nguyễn Quốc Khánh đề nghị Trung tâm Giám sát Tài nguyên Môi trường và Biến đổi khí hậu – đơn vị chủ trì dự thảo phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung các nội dung cần thiết, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Thông tư để có thể gửi xin ý kiến của các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT.