Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc: Bí quyết từ những điểm sáng

Bài và ảnh: Phạm Thiệu| 05/01/2023 10:23

(TN&MT) - Bên cạnh tác phong gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, khả năng vận dụng linh hoạt chính sách khi áp dụng vào thực tiễn cũng là một bí quyết giúp nhiều địa phương ở Vĩnh Phúc thành công.

Linh hoạt, không máy móc

Trong các tiêu chí xây dựng NTM hiện nay, tiêu chí về môi trường được các chuyên gia đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện và tỷ lệ đạt thấp nhất. Chính vì thế, tiêu chí môi trường nâng cao trong xây dựng NTM kiểu mẫu được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành tại Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND ngày 09/6/2021 đã trở thành một thách thức lớn cho nhiều huyện, xã trong tỉnh. Tuy nhiên, trong phần lớn các địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc đang vật lộn với tiêu chí này, những điểm sáng vẫn xuất hiện với những kinh nghiệm bổ ích có thể trở thành bài học cho nhiều địa phương khác noi theo.

5-2-.jpg

Người dân tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm tại xã Cao Phong, huyện Sông Lô

Những con số đáng khích lệ

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, toàn tỉnh hiện có 4/9 huyện, thành phố (Yên Lạc, Bình Xuyên, Vĩnh Yên, Phúc Yên) được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 13 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2022, Vĩnh Phúc có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 51 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Trên con đường rợp bóng cờ dẫn vào xã Cao Phong (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), hình ảnh những con đường lớn được rải nhựa asphalt bóng loáng, hai bên là những hàng hoa thẳng tắp, sạch sẽ đã gây ấn tượng rất mạnh với phóng viên. Ông Kiều Văn Khiển - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cao Phong cho biết: “Mặc dù là một xã trung du với rất nhiều khó khăn nhưng xã Cao Phong đã mạnh dạn, chủ động đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu với UBND huyện Sông Lô. Đến nay, chúng tôi đã về đích và được tỉnh Vĩnh Phúc công nhận. Một trong những bí quyết của xã Cao Phong là vận dụng linh hoạt các chính sách để vừa áp dụng được vào thực tế, vừa đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu mà tỉnh Vĩnh Phúc đề ra”.

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, ông Kiều Văn Khiển tâm sự: “Một trong những yêu cầu của tiêu chí môi trường là người dân được sử dụng nước sạch tập trung. Tuy nhiên, xã Cao Phong là xã có địa bàn rộng, dân cư phân bổ thưa thớt. Để đáp ứng được yêu cầu nước sạch tập trung thì ngân sách đầu tư nhà máy, hệ thống ống dẫn tới từng gia đình vô cùng lớn và không biết bao giờ chúng tôi mới thực hiện được. Bởi thế, chúng tôi đã vận động mỗi hộ gia đình tự trang bị cho mình hệ thống xử lý nước đạt tiêu chuẩn theo quy định (cụ thể, mỗi gia đình sử dụng hệ thống lọc nước theo công nghệ RO). Kết quả, người dân vừa được sử dụng nước sạch, tiêu chí về môi trường vừa được đảm bảo mà không phải đầu tư quá nhiều”.

“Việc làm trên của chúng tôi tuy nhỏ nhưng nó cho thấy sự linh hoạt, không máy móc trong vận dụng chính sách vào thực tế. Mỗi tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu đều được chúng tôi vận dụng theo tinh thần đó nên xã Cao Phong đã thành công” - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cao Phong phấn khởi chia sẻ.

Đột phá trong tư duy lãnh đạo

Một trong những điểm sáng khác trong xây dựng NTM kiểu mẫu phải kể đến là xã Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc). Dẫn phóng viên đi trên những con đường rộng thênh thang, hai bên đường là những hàng tiểu cảnh xanh ngắt tại thôn Đinh Xá 3 (xã Nguyệt Đức), ông Đỗ Hải Triều - Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Thời điểm xã Nguyệt Đức triển khai xây dựng rãnh thoát nước, xây dựng cảnh quan đường làng ngõ xóm thì người dân phần nhiều chưa đồng thuận. Nguồn vốn xã hội hóa vì thế không huy động được trong khi ngân sách thì chưa thể giải ngân do công việc chưa triển khai”.

5-1-.jpg

Những con ngõ khang trang tại xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc

Để giải quyết bài toán trên, chính sách “chim mồi” đã được chính quyền nơi đây áp dụng. Trên cơ sở những mô hình đẹp được làm mẫu và quảng bá để người dân nhìn thấy tận mắt, sờ được tận tay, qua đó nhiệt tâm ủng hộ xây dựng các mục tiêu của chính quyền, lãnh đạo xã Nguyệt Đức quyết định tạm ứng kinh phí để xây dựng điểm một số khu vực. Sau khi xây dựng xong, người dân các thôn khác chứng kiến đường sá rộng rãi, cảnh quan khang trang nên thi nhau xin đăng ký thực hiện. Chính vì thế, xã Nguyệt Đức nhanh chóng hoàn thành tiêu chí về môi trường nói riêng và hoàn thành các tiêu chí để đạt chuẩn xã NTM nâng cao của tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Đỗ Hải Triều cho biết thêm: “Trong thực tế xây dựng NTM nâng cao hiện nay, nhiều địa phương đã phát động phong trào hiến đất mở đường, xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp rất thành công. Tôi nghĩ, muốn được như vậy, chính quyền phải tiên phong, thậm chí dám đột phá thì các mục tiêu mới sớm hoàn thành, về đích”.

Bà Đỗ Thị Vui - người dân thôn Đinh Xá 3 phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, con ngõ chạy qua nhà chúng tôi vừa nhỏ hẹp, vừa mất vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, từ ngày Nhà nước đầu tư hạ tầng, mọi chuyện thay đổi hẳn. Đường được đổ bê tông rồi trải nhựa nên rộng ra rất nhiều; cống rãnh được khơi thông, cây xanh trồng hai bên kết hợp với những bức bích họa trông vừa đẹp mắt vừa sạch sẽ. Các anh nhìn đường sá giờ có khác gì ở thành phố đâu? Hiện, mỗi gia đình chúng tôi đều chủ động duy trì dọn vệ sinh môi trường, chủ động quét dọn phần diện tích trước nhà mình để đảm bảo không gian lúc nào cũng sáng - xanh - sạch - đẹp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc: Bí quyết từ những điểm sáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO