Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm con người thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần. Với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050. Bởi phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển làm bùng nổ nhu cầu về hàng tiêu dùng, trong khi cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý rác thải còn chưa theo kịp. Do đó, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần trong vòng 50 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới.
Tại Quảng Ninh, cùng với tỷ lệ đô thị hóa nhanh và phát triển của các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành dịch vụ công cộng, du lịch, thương mại đã tạo nên một lượng rác thải ngày càng lớn. Thống kê của Sở TN&MT Quảng Ninh cho thấy, hiện nay, tổng lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh là 1.136 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm tỷ lệ không nhỏ, chủ yếu phát sinh nhiều ở đô thị... Với lượng rác thải lớn như vậy nếu không được thu gom, xử lý kịp thời sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như gây tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng, dân cư đang sinh sống và hệ sinh thái.
Trên cơ sở đó, Dự án Mạng lưới hành động giảm thiểu rác thải nhựa được triển khai từ tháng 10/2018 đến tháng 5/2021 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan được hỗ trợ bởi nền tảng khoa học, các lợi ích xã hội, cơ hội kinh doanh bền vững cho địa phương; trong thực hành Tiết giảm - Tái sử dụng – Tái chế (3R) rác thải nhựa tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và thị trấn Cát Bà, thành phố Hải Phòng, hướng tới nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh và toàn quốc.
Dự án hướng tới việc xây dựng Mạng lưới hành động giảm thiểu rác thải nhựa hiệu quả và bền vững, kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa các các bên liên quan tại địa phương và quốc gia, liên minh, và mạng lưới rác thải nhựa khác thông qua một tầm nhìn chung và kế hoạch chiến lược phát triển dựa trên nền tảng khoa học. Thí điểm an toan và hiệu quả phân loại, tái sử dụng và tái chế đồ nhựa với sự tham gia của người dân, đặc biệt là sư tham gia của những phụ nữ yếu thế.
Đồng thời, đưa vào thực tiễn những giải pháp công nghệ và kinh doanh sáng tạo trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế nhựa cho các cộng đồng địa phương và doanh nghiệp. Tăng cường nhận thức và thúc đẩy vận động để tạo thay đổi trong hành vi sử dụng nhựa 3R, và xây dựng hướng dẫn và chính sách liên quan, cùng với liên minh Cát Bà- Hạ Long do Tổ chức IUCN Việt Nam điều phối.
Theo Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh - Chủ dự án Mạng lưới hành động giảm thiểu rác thải nhựa, để thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong Mạng lưới và áp dụng 3R rác thải nhựa, tiến hành rà soát các bên liên quan tham gia vào việc quản lý và tái chế chất thải nhựa tại thành phố Hạ Long cũng như một số tỉnh lân cận; xây dựng nhóm làm việc/tổ công tác có sự tham gia của các bên liên quan và xây dựng một kế hoạch hành động giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa; tổ chức các cuộc họp tổ công tác/nhóm kỹ thuật và các buổi làm việc, đào tạo ngành công nghiệp nhựa, tái chế nhựa, khuyến khích học tập và chia sẻ các giải pháp thường xuyên về phương pháp tiết giảm, tái sử dụng và tái chế (3R) nhựa giữa các thành viên trong mạng lưới; huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân, chính phủ và các nhà đầu tư quốc tế để hỗ trợ 3R tại TP Hạ Long.
Đối với hợp phần tái chế, thúc đẩy kinh tế, khởi nghiệp tại cộng đồng, với sự tham gia tích cực của phụ nữ, hình thành/thúc đẩy hoạt động của các tổ thu gom tại một số khu vực được chọn của thành phố Hạ Long, “Tổ hợp tác phụ nữ” (Hội phụ nữ + các cá nhân thu gom phế liệu); tổ chức đào tạo và hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của tổ thu gom trong chuỗi cung ứng tái sử dụng/tái chế nhựa; tiếp thị cho các sản phẩm nhựa tái chế; tổ chức các cuộc đối thoại của cộng đồng/doanh nghiệp địa phương/cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ tổ thu gom/tổ tái chế và tăng cường chuỗi cung ứng tái sử dụng/tái chế nhựa.
Để xây dựng các giải pháp công nghệ phù hợp với cộng đồng địa phương, thực hiện nghiên cứu hiện trạng các nguồn chất thải nhựa tác động đến TP Hạ Long, liên kết với nghiên cứu Việt Nam và toàn cầu về tác động, phân phối và bán phá giá nhựa (phối hợp với các nhà khoa học của chính phủ Việt Nam từ CSIRO); nghiên cứu chuỗi cung ứng các sản phẩm nhựa tái chế; rà soát và huy động các công nghệ có sẵn cho các sáng kiến tái chế cộng đồng; thí điểm và trình diễn phương pháp tái chế nhựa sử dụng công nghệ đổi mới đảm bảo môi trường, phối hợp với REII và Đại học Bách Khoa tại Hà Nội.
Đặc biệt, tiến hành các sản phẩm nghệ thuật có sử dụng nguyên liệu tái chế, để tăng nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long với cộng đồng địa phương và khách du lịch; tổ chức Sự kiện làm sạch biển/vịnh hàng năm và tái chế chất thải/nhựa. Hỗ trợ mô hình xưởng tái chế như một mô hình học tập để thúc đẩy 3R cho các nhóm thanh thiếu niên, trường học, trường đại học và người dân địa phương (liên kết với EKOCENTER ở Hạ Long).