Xây dựng Khu công nghiệp phát triển theo hướng carbon thấp

01/04/2014 00:00

(TN&MT) - TP. Đà Nẵng đang triển khai Dự án xây dựng kế hoạch hành động hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển theo định hướng giảm phát thải carbon và khí nhà...

(TN&MT) - TP. Đà Nẵng đang triển khai Dự án xây dựng kế hoạch hành động hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển theo định hướng giảm phát thải carbon và khí nhà kính tại 2 Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và Liên Chiểu. Dự án sau khi hoàn thành sẽ trở thành mô hình tiêu biểu và có thể nhân rộng trong cả nước góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh do Chính phủ đề ra.
   
  Vì một thành phố môi trường
   
  Nhằm hỗ trợ Đà Nẵng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, Bộ Ngoại Giao Vương Quốc Anh tài trợ cho Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình Khu Công nghiệp (KCN) carbon thấp. Bà Lê Thị Bích Ngọc - Đại diện Đại sứ Quán Anh tại Việt Nam cho biết: Vấn đề bảo vệ môi trường, xây dựng một thành phố phát triển với hàm lượng carbon thấp rất quan trọng cho chúng ta và cho cả tương lai. Vương quốc Anh quan tâm hỗ trợ cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam bởi đây là những nước dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu và môi trường.
   
Các doanh nghiệp cần thay đổi công nghệ để giảm phát thải carbon
    
   
  Theo đó, đến hết năm 2014, các bên tham gia dự án sẽ xây dựng, vận hành ổn định hệ thống quản lý dữ liệu doanh nghiệp online; khai thác hiệu quả để quản lý năng lượng, nước thải, chất thải rắn và kiểm kê khí nhà kính. Hết năm 2017, cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sử dụng nhiên liệu đốt so với mức năm 2013; cắt giảm 3-5% điện năng tiêu thụ so với mức năm 2013, tương đương giảm 3-5% lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sử dụng điện. Đồng thời, toàn bộ doanh nghiệp sẽ xây dựng được hệ thống quản lý năng lượng và có cán bộ chuyên trách quản lý năng lượng.
   
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững các KCN ở Việt Nam
   
  Khó khăn lớn nhất của Đà Nẵng hiện nay là việc kiểm soát khí thải ở KCN rất thủ công. Theo báo cáo của Sở Công Thương Đà Nẵng, hiện nay tại Đà Nẵng có 31 đơn vị nằm trong danh sách 1.190 đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm do Thủ tướng ban hành vào năm 2011. Trong đó, có 25 đơn vị sản xuất công nghiệp và 6 đơn vị thương mại, tòa nhà. Tuy nhiên, hiện nay mới có 7/25 đơn vị sản xuất công nghiệp và 06/2 đơn vị thương mại, tòa nhà đệ trình báo cáo kiểm toán năng lượng. TS. Dương Đình Giám - Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, cho rằng: Để thực hiện được kế hoạch hành động này, cần phải xây dựng quy chế xử phạt các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm không thi hành đúng Luật; sớm thành lập một ban tư vấn chính sách giảm phát thải khí nhà kính trực thuộc UBND thành phố và do lãnh đạo UBND thành phố đứng đầu. Ban này có nhiệm vụ tìm hiểu khó khăn của doanh nghiệp, trên cơ sở đó tham mưu cho UBND thành phố những cơ chế tháo gỡ phù hợp. Đồng thời, khi thực hiện, ưu tiên vốn ngân sách, vốn ODA cho các hoạt động nghiên cứu mô hình thí điểm trước khi triển khai trên diện rộng.
   
  Mô hình KCN carbon thấp không phải là mới mẻ, nhiều nước đã áp dụng mô hình này, và đã chứng minh được hiệu quả giảm phát thải bằng cách thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng có hiệu quả, tái chế chất thải, triển khai cơ chế quản lý đồng bộ và minh bạch thông tin giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
   
  Hiện cả nước có gần 300 KCN, nhưng vấn đề giảm phát thải khí nhà kính còn nhiều hạn chế. Do đó, dự án thí điểm tại Đà Nẵng được hy vọng sau khi hoàn thành sẽ cung cấp công cụ hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp trong việc quản lý phát thải khí nhà kính, đảm bảo các mục tiêu môi trường, kinh tế và xã hội. Kết quả của thí điểm Dự án có thể trở thành mô hình tiêu biểu và nhân rộng trong cả nước.
   
  Bài và ảnh: Lan Anh
   
        Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, trong đó đưa ra mục tiêu đến năm 2020 giảm cường độ phát thải khí nhà kính (với CO2 và CH4 là thành phần chủ yếu) từ 8 - 10% so với năm 2010, và giảm tiêu hao năng lượng trên tổng sản phẩm nội địa (GDP) từ 1 - 1,5% mỗi năm. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có nhiều hoạt động được triển khai kể cả trong đầu tư công hay hợp tác cùng với tư nhân. Trong tổng phát thải khí nhà kính quốc gia, ngành công nghiệp là một trong những ngành phát thải nhiều nhất.
    
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Khu công nghiệp phát triển theo hướng carbon thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO