Theo Báo cáo của Tổng cục Môi trường, về xử lý các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước, Bộ TN&MT đã gửi báo cáo số 47/BC-BTNMT ngày 24/6/2021 về việc báo cáo thực hiện Kế hoạch và đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định 1946 thực hiện trong giai đoạn 2021 -2025.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Tổng cục nhận thấy, việc xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu (các điểm ô nhiễm chưa xử lý theo phụ lục 01 của Quyết định 1946 và một số điểm ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng mới được địa phương phát hiện, đề xuất bổ sung) sẽ là một phần trong kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 15 của Luật Bảo vệ môi trường. Kế hoạch này sẽ do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Bộ TN&MT đã có Văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi kế hoạch và ngày 27/12/2021, tại Công văn số 9482/VPCP-NN, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có ý kiến đề nghị Bộ TN&MT cân nhắc sự cần thiết, cơ sở pháp lý của đề xuất chưa sửa đổi bổ sung và đề xuất tiếp tục thực hiện Quyết định, lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương liên quan về việc này; sau khi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành, căn cứ quy định tại Nghị định, Bộ TN&MT khẩn trương xây dựng Kế hoạch trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Cũng theo Tổng cục Môi trường, về xây dựng kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ngày 10/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm các quy định về: khu vực điều tra, đánh giá, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường thuộc trách nhiệm của Nhà nước; Điều tra, đánh giá sơ bộ, điều tra, đánh giá chi tiết khu vực ô nhiễm môi trường đất; quy trình xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất; trách nhiệm của các cơ quan quản lý chất lượng môi trường (quy định từ Điều 12 đến Điều 18 Nghị định 08).
Ngày 10/1/2022, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư 02 quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường tại Điều 6, 7 của Thông tư đã quy định về chi tiết về nguyên tắc và tiêu chí xác định, phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất; điều tra, đánh giá sơ bộ, điều tra, đánh giá chi tiết khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, căn cứ kết quả điều tra, phân loại của các tỉnh, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp các Bộ ngành liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc xây dựng kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng để nối tiếp thực hiện Quyết định 1946 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cần tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý một số điểm ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng mới được địa phương phát hiện theo hướng giao địa phương đánh giá, lên kế hoạch xử lý; kinh phí cho việc xử lý…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường phối hợp với Vụ Kế hoạch – Tài chính khẩn trương rà soát các quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định 08 và Thông tư 02 đã ban hành, khẩn trương xây dựng Kế hoạch trên cơ sở bám sát Quyết định 1946, bổ sung các quy định theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Thứ trưởng cũng giao Tổng cục Môi trường, Vụ Kế hoạch – Tài chính hướng dẫn các địa phương thực hiện đánh giá sơ bộ, điều tra, đánh giá chi tiết khu vực ô nhiễm môi trường đất. Trước khi trình Bộ dự thảo Kế hoạch, Vụ Kế hoạch – Tài chính cần tham mưu Bộ thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành (các Bộ ngành, các địa phương liên quan) đánh giá trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành