Nhu cầu chia sẻ, tiếp cận thông tin
Trong hơn hai thập niên vừa qua, đặc biệt là những năm gần đây, hợp tác khu vực ở lưu vực sông Mê Công nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng ngày càng trở nên sôi động với sự đan xen của rất nhiều nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch, dự án khác nhau. Chẳng hạn, chỉ riêng tỉnh Sóc Trăng đã có khoảng 35 nhiệm vụ/dự án, chủ yếu tập trung nghiên cứu, nâng cao năng lực ứng phó BĐKH trên địa bàn. Tuy vậy, các dự án được triển khai theo nhiều cơ chế khác nhau (Trung ương, địa phương, vốn tài trợ của Chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ) nên sau khi kết thúc, sản phẩm của các dự án này được đóng gói, không có cập nhật bổ sung hiện thời và không phát huy được hiệu quả.
Qua khảo sát của Bộ TN&MT, để đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước, các tỉnh vùng ĐBSCL có nhu cầu thông tin, dữ liệu nhiều và thường xuyên nhưng hiện nay đều trao đổi ở dạng văn, tổng hợp theo kinh nghiệm, chưa có hỗ trợ về công nghệ thông tin cho quản lý, báo cáo... Thực tiễn tại các Bộ, ngành, địa phương cho thấy, lượng thông tin, dữ liệu về ĐBSCL vô cùng phong phú và đa dạng, nhưng đang được quản lý rời rạc theo các cấp (Trung ương, địa phương, các tổ chức, cá nhân), thiếu đầy đủ, đồng bộ nên gây khó khăn cho công tác khai thác, sử dụng.
Mặt khác, các đơn vị cũng sẵn sàng cung cấp, chia sẻ thông tin trong phạm vi quản lý nhưng việc thiếu hụt, dữ liệu không được cập nhật và các quy định, cơ chế kèm theo chưa có dẫn đến việc quản lý cục bộ. Ứng dụng hạ tầng công nghệ thông tin tại 13 tỉnh thuộc vùng ĐBSCL tuy đã được quan tâm triển khai và đạt được nhiều kết quả, nhưng còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác xây dựng Chính quyền điện tử ở các địa phương, kết nối liên thông vùng và với các Bộ, ngành. Điều này đặt ra yêu cầu phải có một hệ thống nhằm phục vụ tập hợp, quản lý thống nhất các thông tin, dữ liệu về ĐBSCL, đảm bảo thông tin được khai thác hiệu quả và phát huy tối đa giá trị của dữ liệu.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL, kết nối với cơ sở dữ liệu của Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Hệ thống có tính chất pháp lý, kết nối và tích hợp dữ liệu đa ngành, đa lĩnh vực như: tài nguyên đất, tài nguyên nước, môi trường, hạ tầng kỹ thuật, thông tin kinh tế - xã hội…, trở thành cơ sở quan trọng cho việc xây dựng, hoạch định chính sách; triển khai chiến lược và các giải pháp bảo đảm đạt mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH. Bộ TN&MT sẽ lồng ghép các nội dung thiết lập hệ thống thông tin vùng trong quá trình xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành.
Đáp ứng hạ tầng triển khai nền kinh tế số
Bộ TN&MT cho biết, Đề án nhằm mục tiêu xác định chiến lược toàn diện về thông tin, dữ liệu với tầm nhìn dài hạn phục vụ quản lý, hoạch định chính sách, hỗ trợ ra quyết định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL. Đồng thời, xác lập hạ tầng thông tin, dữ liệu và hạ tầng tri thức bảo đảm triển khai Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ điện tử số, nền kinh tế số vùng ĐBSCL.
Theo Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường (Bộ TN&MT) - đơn vị xây dựng Đề án, trước mắt, vào năm 2020, khung cơ sở dữ liệu liên ngành vùng ĐBSCL sẽ được xây dựng có tính hệ thống, tính liên ngành đa lĩnh vực, có tính liên kết giữa cơ sở dữ liệu được xây dựng quản lý, cập nhật bởi các cơ quan Trung ương, địa phương, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các tổ chức có liên quan khác.
Đến năm 2022, Trung tâm Tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL sẽ được đưa vào vận hành. Hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL trên cơ sở triển khai các giải pháp tích hợp, đồng bộ, kết nối, liên thông với các hệ thống, bao gồm: Cơ sở dữ liệu thành phần; cơ sở dữ liệu các Bộ, ngành, địa phương; cơ sở dữ liệu của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Ủy hội sông Mê Công quốc tế và của các các cơ quan, tổ chức có liên quan; tích hợp kết quả của các nhiệm vụ, dự án có liên quan.
Thời điểm này, các sản phẩm tri thức của đề án sẽ cung cấp tới cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân thông qua các kênh thông tin hiện đại, trực tuyến nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, dịch vụ công cho xã hội, hỗ trợ hoạch định các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện BĐKH.
Bên cạnh đó, chính các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng cũng sẽ chia sẻ và đóng góp ngược lại thông tin dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành vùng ĐBSCL. Từ đó, tạo lập cơ chế hoạt động và duy trì vận hành lâu dài của Hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành vùng ĐBSCL.
Quá trình triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu cũng là cơ hội để Việt Nam học hỏi giải pháp công nghệ, kỹ thuật, xây dựng, quản lý, vận hành, an toàn bảo mật thông tin cho hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành của các đối tác quốc tế. Đồng thời, xây dựng các chương trình hợp tác với các quốc gia trong khu vực, các tổ chức quốc tế tham gia xây dựng, kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu với cơ sở dữ liệu liên ngành vùng ĐBSCL.