Xây dựng giáo trình phục vụ giảng dạy Đại học và sau Đại học lĩnh vực môi trường

Thuỵ Khanh | 06/04/2023 12:36

(TN&MT) - Chiều 5/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về tiến độ xây dựng bộ tài liệu, giáo trình phục vụ giảng dạy Đại học và sau Đại học lĩnh vực môi trường. Tham dự có đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ; Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Viện Chiến lược chính sách TN&MT; trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM.

Báo cáo tại cuộc họp, PGS.TS Hoàng Anh Huy – Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (ĐH TNMT) cho biết, hiện nay, 8 cuốn giáo trình về lĩnh vực môi trường đang trong tiến độ mục tiêu cần hoàn thiện. Trong đó, trường ĐH TNMT TP.HCM chủ trì 3 cuốn giáo trình và trường ĐH TNMT Hà Nội chủ trì 5 cuốn, trong thời gian xây dựng đề cương của các giáo trình phục vụ cho dự thảo, hai trường đã phối hợp cùng sự tham gia trực tiếp của các cán bộ giảng viên trường trên tinh thần nghiêm túc, thống nhất kế hoạch triển khai, đồng thời tập trung nguồn lực và xin các ý kiến phản biện của chuyên gia ngành để hoàn thành và xây dựng dự thảo của 8 cuốn giáo trình đảm bảo chất lượng trong tháng 6 năm nay, trình lên Bộ TN&MT xét duyệt.

img_0368.jpg
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về tiến độ xây dựng bộ tài liệu, giáo trình phục vụ giảng dạy Đại học và sau Đại học lĩnh vực môi trường.

PGS.TS Lê Thị Trinh- Phó Hiệu trưởng ĐH TNMT Hà Nội cũng đã nêu lên danh mục biên soạn giai đoạn 2022 – 2025, trong đó, lựa chọn ưu tiên 8 giáo trình biên soạn trong lộ trình đầu tiên năm 2023, dựa vào những vấn đề mới hay các lĩnh vực “nóng” hiện nay như quan trắc môi trường, lượng giá tài nguyên thiên nhiên, kiểm toán môi trường, bảo tồn đa dạng hệ sinh thái, kinh tế tuần hoàn áp dụng cho quản lý chất thải và đặc biệt là nhóm nghiên cứu về những phương pháp, hệ thống hiện đại trong đánh giá và bảo vệ chiến lược môi trường. Đối với những lĩnh vực về công nghệ môi trường, độc học, sức khỏe môi trường,... hiện tại các trường Đại học cũng đang triển khai nghiên cứu nên những dự án này sẽ được đưa vào lộ trình năm 2024- 2025. Các dự thảo tại giáo trình được các Viện bổ sung nghiên cứu sẽ sớm được hoàn thành trong 2 tuần tới.

Qua đó, ThS. Nguyễn Thạc Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ cũng góp ý cho kế hoạch thực hiện 8 giáo trình của 2 trường Đại học, sau khi hoàn thiện chỉnh sửa lại giáo trình ở mức cơ bản, 2 trường nên nghiên cứu thêm các chương trình giáo dục, giảng dạy, các giáo trình của trường Đại học quốc tế, tổ chức Hội thảo đề xuất các chuyên gia nhằm đóng góp ý kiến về công nghệ kỹ thuật, các lĩnh vực nghiên cứu và tiếp thu ý kiến đóng góp, thẩm định giáo dục của 2 trường. Bên cạnh đó, ThS. Thạc Cường cũng yêu cầu 2 trường tự thành lập hội đồng thẩm định về công tác in ấn, xuất bản và vấn đề kinh phí để hoàn thiện sớm giáo trình từ giờ đến cuối năm.

Ngoài ra cần xác định tiến độ, nội dung giáo trình, cần chú trọng vào tên tiêu đề và những nội dung cốt lõi phục vụ chương trình đào tạo cho sinh viên nói chung và áp dụng được vào thực tế nói riêng.

Sau khi nghe các ý kiến của đơn vị dự họp đóng góp và giải trình từ 2 trường Đại học, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã hoan nghênh tinh thần tập trung cao độ cho việc nghiên cứu và xây dựng, công khai về giáo trình, dự thảo môi trường và bổ sung góp ý.

Theo Thứ trưởng, đánh giá tác động môi trường là điều cơ bản của quản lý môi trường, nội dung, phương pháp luận, phương pháp tiếp cận, phương pháp tư duy, tầm nhìn cần phải sâu sắc để có thể mở rộng quyền tự chủ cho doanh nghiệp. Hơn nữa, giấy phép môi trường là điều thứ 2 cần quan tâm, tập trung vào phạm vi góc nhìn, tiêu đề phục vụ tốt cho công tác quản lý, pháp luật về công tác quản lý môi trường nói chung và người dân nói riêng cho đạt hiệu quả.

img_0369.jpg
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đưa ra những đề xuất bổ sung, góp ý vào hoàn thiện giáo trình phục vụ giảng dạy Đại học và sau Đại học lĩnh vực môi trường

Với các quy định về thủ tục hành chính của người dân và tổ chức cá nhân liên quan đến đăng ký vấn đề môi trường cần hướng dẫn thủ tục đăng ký cụ thể;  phương pháp hay kỹ thuật đánh giá cũng như cách thức thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến khảo sát đánh giá điều tra tham vấn việc thực thi vấn đề môi trường ở Việt Nam,… cũng cần phải nêu bật trong giáo trình, để sinh viên ra trường tiếp nhận được kiến thức từ trường học áp dụng vào thực tế. Đồng thời, phải đưa được giáo trình vào chương trình đào tạo để sinh viên không chỉ có kiến thức độc lập nghiên cứu mà còn áp dụng được trong cách tư vấn để hành nghề, giúp sức cho nhà đầu tư hay doanh nghiệp sử dụng các công trình nghiên cứu đó.

Phụ lục giáo trình cũng cần phải đi vào thực hành, như 2 công trình nghiên cứu DMC và DTM của trường ĐH TNMT TP.HCM cần thiết phải đưa vào giáo trình, phục vụ cho công tác điều tra xã hội học, đánh giá khu công nghiệp, dự án đầu tư có tác động về tự nhiên và xã hội đến tác động dư dân, tái định cư,…

Thứ trưởng cho rằng, cần phải đặt rất nhiều nỗ lực, tâm huyết và công sức để xây dựng nội dung, đầu tư, biên soạn giáo trình, áp dụng được đối với Luật Bảo vệ Môi trường và phù hợp với Luật Giáo dục để tạo tác động lâu dài, đưa cái mới vào giảng dạy.

Với sự tâm huyết của các giảng viên, nhà nghiên cứu, Thứ trưởng mong muốn các nhà quản lý môi trường trực tiếp thực hiện xây dựng dự thảo, đảm bảo tính khoa học, kỹ thuật của giáo trình. Kỹ năng chuyên ngành cần phải được nâng cao và quan trọng nhất là giáo trình phải giúp sinh viên trang bị kiến thức hành nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng giáo trình phục vụ giảng dạy Đại học và sau Đại học lĩnh vực môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO