Xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - người dân - doanh nghiệp
(TN&MT) - Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang diễn ra tại Khánh Hòa vào ngày 13/10, Sở TN&MT Khánh Hòa đã có nhiều kiến nghị đề xuất liên quan đến Dự thảo nhằm đảm bảo việc xây dựng luật, áp dụng luật phù hợp hơn với thực tiễn và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hài hòa lợi ích giữa nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đây cũng là nội dung được Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, Phó Trưởng ban thường trực Ban soạn thảo dự án Luật Địa chất và Khoáng sản nhấn mạnh tại hội thảo.
Xem xét giảm, đơn giản thủ tục hành chính khai thác các mỏ VLXDTT
Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo Sở TN&MT Khánh Hòa, khoáng sản làm VLXDTT chủ yếu là đất, đá, cát sỏi, trong đó 2 nguồn vật liệu là đất san lấp và cát, sỏi lòng sông được xác định là nguồn vật liệu không thể thiếu và luôn gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên trình tự thủ tục và phương pháp quản lý, cấp phép còn dài, nhiều khâu, nhiều bước, dẫn đến khó quản lý và cấp phép nhằm đảm bảo nguồn cung tức thời, gây ra tình trạng khai thác trái phép.
Ông Cao Thanh Vũ - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa cho biết, đặc thù của các đoạn sông suối tại các tỉnh miền Trung chủ yếu là sông suối nhỏ, hẹp và ngắn, vì vậy việc cấp phép khai thác cát, sỏi cũng chỉ xác định theo thời gian ngắn; đáp ứng khơi thông dòng chảy; thời hạn các giấy phép chỉ trong khoảng thời gian 6 tháng hoặc hơn 1 năm.
Do vậy, ông kiến nghị xem xét xây dựng quy trình cấp phép đơn giản, ngắn gọn và giảm thủ tục hành chính; tăng cường các biện pháp giám sát; thống kê trữ lượng cấp phép và khai thác nhằm đáp ứng được thời gian, tiến độ của các dự án đầu tư công khi triển khai thực hiện.
Đối với quy định cụ thể về việc cho phép sử dụng khoáng sản đi kèm, đại diện lãnh đạo Sở TN&MT Khánh Hòa cho rằng cần phân cấp hoặc giao cho địa phương cấp phép khoáng sản đi kèm đối với khoáng sản là VLXDTT; đơn giản thủ tục hành chính (không phải điều chỉnh giấy phép, không phải điều chỉnh chứng nhận đầu tư).
Về việc phân cấp quản lý nhà nước, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cần phân cấp mạnh mẽ hơn trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương, nhất là UBND cấp huyện, thị xã, thành phố. Từ đó, tạo được cơ chế, quy định để địa phương có thẩm quyền xem xét cấp phép, quản lý các trường hợp sử dụng nguồn khoáng sản (đất, cát) của các hộ gia đình cá nhân; đảm bảo được tính pháp lý khi xử lý các trường hợp như cải tạo đất, sử dụng đất có phát sinh nguồn vật liệu dôi dư.
Liên quan đến phân cấp trong công tác bảo vệ tài nguyên, Sở TN&MT Khánh Hòa đề xuất quy định rõ việc bảo vệ tài nguyên ở các khu vực, vị trí đã được phê duyệt vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản bằng hình thức gì; phương thức quản lý thế nào; chế tài xử lý; định hướng sử dụng đất ở các khu vực đã được khoanh vùng vào quy hoạch để vừa đảm bảo lợi ích của tổ chức, cá nhân đang sở hữu, sử dụng đất, vừa đảm bảo được công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở khu vực đó.
Quy định rõ sử dụng khoáng sản từ hoạt động cải tạo đất
Về trình tự thủ tục liên quan đến cấp Chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, ông Cao Thanh Vũ kiến nghị bỏ Chứng nhận đầu tư cho dự án khai thác khoáng sản đơn giản (như mỏ đất, mỏ cát, mỏ đá làm VLXDTT) không có xây dựng nhà máy chế biến.
Đối với trường hợp cấp Chứng nhận đầu tư, cần quy định cụ thể là cấp tại thời điểm nào, để tránh trường hợp khi tổ chức, cá nhân hoàn thiện xong một thủ tục về khoáng sản là phải điều chỉnh tiến độ đầu tư (do chậm tiện độ vì nhiều lý do khách quan trong thủ tục hành chính).
Theo ông Cao Thanh Vũ, về quản lý cấp phép khai thác khoáng sản trong dự án đầu tư xây dựng công trình, hoạt động cải tạo đất nông lâm nghiệp, thực tế đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình có phát sinh ra khoáng sản chủ yếu là đất, đá dư thừa trong quá trình thi công mặt bằng xây dựng dự án, được thực hiện theo các hồ sơ cấp phép xây dựng, bản đồ Quy hoạch chi tiết 1/500, bản đồ san nền dự án có khối lượng đào đắp hoặc bản vẽ thi thiết kế thi công có phát sinh ra nguồn vật liệu dôi dư đất, đá... cần vận chuyển ra khỏi dự án.
Các trường hợp này cần quy định đơn giản thủ tục cấp phép, cơ sở cấp phép được sử dụng là nguồn tài liệu của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được phê duyệt.
Về hoạt động cải tạo đất, nhu cầu cải tạo đất của các hộ gia đình cá nhân hiện nay rất cao để phục vụ cho mục đích canh tác. Vì vậy cần quy định rõ việc sử dụng khoáng sản từ hoạt động cải tạo đất, làm cơ sở quản lý và thu ngân sách trong việc sử dụng tài nguyên.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã có những quy định nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Trung ương và địa phương liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lợi ích của nhân dân, cộng đồng dân cư, nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác.
Hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, hài hòa lợi ích giữa “Nhà nước - Người dân - Doanh nghiệp” là quan điểm, chính sách xuyên suốt từ Luật Khoáng sản năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2005) và Luật Khoáng sản năm 2010. Tuy nhiên, việc thể chế hóa thành chính sách, quy định trên có tính khả thi còn hạn chế. Do đó, Nghị quyết số 10-NQ/TW đã định hướng rà soát, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản; việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản.