Xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia đồng bộ và thống nhất

Việt Khang| 08/01/2021 17:45

(TN&MT) - Dữ liệu viễn thám là sản phẩm công nghệ cao, có giá trị kinh tế lớn, đồng thời, có ý nghĩa quan trọng trong an ninh quốc phòng và phòng tránh thiên tai, do vậy, cần phải được lưu trữ có hệ thống để có thể thuận lợi cho quản lý, khai thác sử dụng.

Theo ông Lê Quốc Hưng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, năm 2013, vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất theo dõi tài nguyên và giám sát môi trường đầu tiên của Việt Nam - VNREDSat-1 đã được đưa vào vận hành và khai thác sử dụng. Từ đó đến nay, một nguồn dữ liệu viễn thám khổng lồ chủ yếu chụp lãnh thổ Việt Nam và khu vực lân cận đã được thu về và lưu trữ, cung cấp cho người sử dụng. Tuy vậy, việc tiếp cận nguồn dữ liệu viễn thám này phục vụ các mục đích nghiên cứu còn nhiều hạn chế do các quy định về quản lý Nhà nước và tài chính.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị nghiên cứu chuyên ngành đã bỏ ra nguồn kinh phí khá lớn để mua các loại ảnh viễn thám nước ngoài nhằm phục vụ các dự án nghiên cứu của chính mình, gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước.

Đặc biệt, dữ liệu viễn thám nhất là dữ liệu viễn thám độ phân giải cao và siêu cao có giá trị lớn về mặt thương mại nhưng hầu hết các dữ liệu này là dữ liệu dạng số nên rất dễ bị thất thoát.

Dữ liệu viễn thám là sản phẩm công nghệ cao có ý nghĩa quan trọng trong an ninh quốc phòng và phòng tránh thiên tai

Để hướng tới sự hoàn thiện và tạo bước đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cập nhật, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, Bộ TN&MT đã phê duyệt dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia” giao Cục Viễn thám quốc gia chủ trì thực hiện từ năm 2015 - 2022.

Mục tiêu tổng quát của dự án là quản lý, lưu trữ, khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, thiên tai, ứng phó với biến đối khí hậu, đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội.

Trên cơ sở đó, dự án hướng tới mục tiêu cụ thể xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia; xây dựng bộ công cụ hỗ trợ quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu, công bố siêu dữ liệu viễn thám, cung cấp dịch vụ dữ liệu theo mô hình chính phủ điện tử cấp 3.

Ông Lê Quốc Hưng cho biết, cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia là một cơ sở dữ liệu dùng chung. Các siêu dữ liệu viễn thám được tích hợp từ các Bộ, ngành, địa phương, được công bố thông tin đình kỳ sẽ là một nguồn thông tin hữu ích trong việc thúc đẩy và nâng cao tính hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong các lĩnh vực. Các sản phẩm ảnh viễn thám thuộc các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước sau khi giao nộp về lưu trữ và quản lý ở cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia có thể được sử dụng lại cho các dự án khác là một trong những phương pháp tiết kiệm ngân sách một cách hiệu quả.

Chính vì vậy, sau khi hoàn thành, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia sẽ cho phép đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực viễn thám của Bộ TN&MT. Trong đó, thực hiện tốt nhiệm vụ lưu trữ, quản lý, cập nhật dữ liệu viễn thám và công bố siêu dữ liệu viễn thám quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi trong khai thác và sử dụng có hiệu quả dữ liệu viễn thám trong các lĩnh vực thuộc Bộ quản lý.

Bên cạnh đó, thành công của dự án sẽ tạo ra nguồn cung cấp dữ liệu về không gian đa dạng đảm bảo tính lịch sử; giúp phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ trong hoạt động điều tra cơ bản, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, theo dõi biến động của thiên tai lũ lụt và nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp ở nước ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia đồng bộ và thống nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO