Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tại cuộc họp trực tuyến với các đơn vị: Tổng cục Môi trường, Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học và Công nghệ về việc xây dựng các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, vào chiều ngày 19/5.
Xây dựng quy chuẩn môi trường trong ngành nông nghiệp - ảnh minh hoạ |
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, đến nay, Tổng cục đã xây dựng được 14 dự thảo Quy chuẩn của Việt Nam (QCVN). Trong đó, 5 dự thảo Quy chuẩn về chất lượng môi trường, gồm: Dự thảo QCVN về chất lượng môi trường không khí xung quanh; Dự thảo QCVN về chất lượng môi trường nước mặt; Dự thảo QCVN về chất lượng môi trường nước dưới đất; Dự thảo QCVN về chất lượng môi trường nước biển; Dự thảo QCVN về chất lượng môi trường đất.
3 QCVN về chất thải, gồm: Dự thảo QCVN về nước thải công nghiệp; Dự thảo QCVN về khí thải công nghiệp; Dự thảo QCVN về nước thải chăn nuôi.
6 QCVN về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, đối với các đối tượng: sắt, thép nhập khẩu; phế liệu nhựa nhập khẩu; phế liệu giấy nhập khẩu; phế liệu thủy tinh nhập khẩu; phế liệu kim loại màu nhập khẩu; phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu.
Đến nay, Tổng cục đã gửi dự thảo 5 QCVN về chất lượng môi trường để xin ý kiến các Bộ, ngành và địa phương và đăng tải trên Công thông tin điện tử Chính phủ và Công thông tin điện tử của Bộ TN&MT. Tổng cục Môi trường đã tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các bên có liên quan để hoàn thiện 5 dự thảo QCVN.
Đối với 03 dự thảo QCVN về chất thải, Tổng cục Môi trường đã hoàn thiện các dự thảo, dự kiến gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, và địa phương và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ trong tháng 5 năm 2021.
Đối với dự thảo 6 QCVN về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Tổng cục đã hoàn thiện các dự thảo và hồ sơ thẩm định. Bộ TN&MT đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thẩm định đối với 6 QCVN này. Tổng cục Môi trường sẽ trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành trong tháng 6 năm 2021 sau khi nhận được văn bản thẩm định của Bộ KH&CN.
Được biết, năm 2021, Tổng cục Môi trường cũng sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi 11 QCVN (gồm 3 QCVN về chất lượng môi trường và 8 QCVN về chất thải và xử lý chất thải). Năm 2022, đơn vị sẽ xây dựng mới 6 QCVN.
Theo góp ý của Vụ Khoa học Công nghệ và Vụ pháp chế, Tổng cục Môi trường cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đồng thời xem xét điều chỉnh các thông số trong các Quy chuẩn để phù hợp với Việt Nam, trong đó, xác định rõ luận chứng khi đưa ra các thông số này. Tổng cục cần tập trung hoàn thiện các dự thảo QCVN, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan để trình lãnh đạo Bộ.
Về nhiệm vụ rà soát, sửa đổi 11 QCVN trong năm 2021 và xây dựng mới các QC năm 2022, Tổng cục cần lập ra các tổ soạn thảo để xây dựng các Quy chuẩn này.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo, Tổng cục Môi trường cần phối hợp với các đơn vị liên quan để tập trung chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo các QCVN, dựa trên lập luận pháp lý rõ ràng, theo đúng quy định của pháp luật.
“Đến đầu tháng 6, phải ban hành xong 6 QC về phế liệu. Giải quyết, tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc trong 5 QC về chất lượng môi trường và 3 QCVN về chất thải, đầu tháng 6 xin ý kiến và Quý III có thể ban hành”, Thứ trưởng đưa ra thời hạn.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, các Quy chuẩn này phải dựa trên căn cứ pháp lý là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để đảm bảo tính tương đồng. Từ năm 2021, Luật chính thức có hiệu lực, các Quy chuẩn ban hành vẫn có giá trị trong thực tiễn.
Tổng cục Môi trường cũng cần rà soát Luật Bảo vệ môi trường 2020 và dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, bổ sung các QC mới cần xây dựng, trình lãnh đạo Bộ triển khai thực hiện, tạo cơ sở để Luật BVMT 2020 được áp dụng vào thực tế./.