Xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trong lĩnh vực y tế

27/06/2019 12:21

(TN&MT) - Tổng cục Môi trường đã xây dựng và hoàn thành Dự thảo Thông tư ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế, về xử lý chất thải y tế lây nhiễm bằng thiết bị vi sóng. Hiện, Dự thảo của 2 quy chuẩn này đang được lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan.

T6
Cần áp dụng quy chuẩn để sử dụng thiết bị vi sóng xử lý chất thải y tế lây nhiễm. Ảnh: MH

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường), hiện nay, có nhiều các quy định pháp lý về quản lý chất thải y tế như Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu, trong đó, chất thải y tế được quy định là chất thải đặc thù với những quy định riêng; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại (CTNH), đồng thời, Bộ TN&MT cũng phối hợp với Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định về quản lý chất thải y tế… Ngoài các quy định chung còn một số các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan tới hoạt động quản lý chất thải y tế đã được ban hành như Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế QCVN 28:2010/BTNMT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế QCVN 02:2012/BTNMT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị hấp chất thải y tế lây nhiễm QCVN 55:2013/BTNMT...

Có nhiều quy định, quy chuẩn không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Vì vậy, Tổng cục Môi trường đang gấp rút hoàn thiện và ban hành nhiều văn bản liên quan đến quản lý, xử lý chất thải y tế. Cụ thể Tổng cục đã hoàn thành dự thảo Thông tư về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xử lý chất thải y tế lây nhiễm bằng thiết bị vi sóng…

Quy chuẩn về nước thải y tế

Trước đây, đã có QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế, nhưng sau 9 năm áp dụng, QCVN 28:2010/BTNMT đã bộc lộ một số bất cập như quy định đối tượng áp dụng là các cơ sở khám, chữa bệnh mà chưa bao quát hết các nhóm đối tượng cơ sở y tế có liên quan. Theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh, có nhiều loại hình tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh với quy mô và tính chất hoạt động khác nhau, do đó, tính chất ô nhiễm và mức độ phát sinh nước thải của các loại hình cơ sở khám, chữa bệnh cũng khác nhau. Ngoài ra, có một số chỉ tiêu về ô nhiễm môi trường được quy định trong QCVN 28:2010/BTNMT chưa phù hợp với thực tế và các quy định liên quan…

Do đó, dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế lần này đã quy định đối tượng áp dụng quy chuẩn là nước thải phát sinh từ các loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các tổ  chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xả nước thải y tế ra nguồn tiếp nhận nước thải; nước thải y tế khi xả vào hệ thống thu gom của nhà máy xử lý nước thải tập trung tuân thủ theo quy định của đơn vị quản lý và vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải y tế khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải.

Dự thảo cũng quy định các cơ sở y tế trước khi xả ra môi trường phải xử lý nước thải đạt 15 thông số bao gồm pH, BOD5, COD mg/l, tổng chất rắn lơ lửng, Sunfua, Amoni, tổng Nitơ, tổng Phospho, dầu mỡ động thực vật, Clo, tổng các chất hoạt động bề mặt, tổng hoạt độ phóng xạ alpha, tổng hoạt độ phóng xạ beta, tổng Coliform, E.Coli. Trong đó, thông số tổng hoạt độ phóng xạ alpha, tổng hoạt độ phóng xạ beta chỉ áp dụng đối với các cơ sở chữa bệnh có sử dụng nhân phóng xạ. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có lưu lượng nước thải phát sinh dưới 5 m3/ngày đêm, chỉ giám sát thông số tổng Coliform và E.Coli. Trường hợp nước thải y tế thải vào hệ thống thu gom để dẫn đến hệ thống xử lý nước thải tập trung, phải được khử trùng, các thông số và các chất gây ô nhiễm khác áp dụng theo quy định của đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải y tế khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải được tính theo công thức sau: Cmax = C × K. Trong đó, Cmax là giá trị tối đa cho phép của thông số ô nhiễm trong nước thải y tế khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải, C là giá trị của thông số ô nhiễm trong nước thải y tế quy định tại mục 2.2, K là hệ số theo quy mô xả thải của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại mục 2.3 ứng với tổng lưu lượng nước thải của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải.

So với QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế ban hành năm 2010, Dự thảo quy chuẩn lần này đã có điều chỉnh giá trị của các thông số ô nhiễm cho phù hợp với quy chuẩn quốc gia và tình hình thực tế.

Xử lý chất thải y tế lây nhiễm bằng thiết bị vi sóng

Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xử lý chất thải y tế lây nhiễm bằng thiết bị vi sóng quy định cụ thể tính năng kỹ thuật và môi trường của thiết vị. Theo đó, để đáp ứng các quy định về môi trường, nguồn nước cấp làm ẩm chất thải trong buồng khử khuẩn của thiết bị vi sóng phải đảm bảo quy định về độ cứng tính theo CaCO3 là 300 mg/l; thiết bị vi sóng xử lý chất thải y tế lây nhiễm phải trang bị bộ lọc khí để ngăn ngừa việc phát tán hơi nước (sương mù) và mùi từ buồng khử khuẩn ra môi trường không khí xung quanh; phải có máy cắt chất thải để giảm thể tích và hủy hình dạng ban đầu của chất thải y tế sau xử lý bằng thiết bị vi sóng…

Về hiệu quả xử lý khử khuẩn của thiết bị vi sóng phải tương đương với hiệu quả tiêu diệt một trong các vi sinh vật chỉ thị sau: Trường hợp sử dụng vi sinh vật chỉ thị là Mycobacterium phlei hoặc Mycobacterium bovis, hiệu quả tiêu diệt phải đạt tối thiểu là 99,9999% (6 log 10 reduction). Trường hợp sử dụng vi sinh vật chỉ thị là bào tử kháng nhiệt Geobacillus stearothermophilus hoặc Bacillus atrophaeus, hiệu quả tiêu diệt phải đạt tối thiểu là 99,99% (4 log 10 reduction).

Nước thải phát sinh từ quá trình xử lý chất thải lây nhiễm bằng thiết bị vi sóng (nếu có) phải được thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải để xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế. Các chất thải lây nhiễm sau khi được xử lý bằng thiết bị vi sóng đáp ứng quy định của Quy chuẩn này được quản lý như đối với chất thải y tế thông thường.

 Các thiết bị vi sóng phục vụ trong lĩnh vực y tế phải giám sát hiệu quả khử khuẩn bằng xét nghiệm với chỉ thị vi sinh vật (test sinh học) với tần suất giám sát tối thiểu 1 năm/lần hoặc ngay sau khi sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị. Giám sát nhiệt độ khử khuẩn của thiết bị vi sóng bằng xét nghiệm với chỉ thị hóa học (test nhiệt) tối thiểu 1 tuần/lần hoặc 2 mẻ/lần (với thiết bị không sử dụng liên tục với tần suất dưới 2 mẻ/tuần)…

Đối tượng áp dụng của quy chuẩn này là các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, kinh doanh sử dụng thiết bị vi sóng xử lý chất thải y tế lây nhiễm, các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường, các đơn vị lấy mẫu, phân tích và các tổ chức, cá nhân liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trong lĩnh vực y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO