“Nỗi đau” thủa ấy…
Mường Quàng là cái tên cổ xưa thuộc về vùng đất Quang Phong và Cắm Muộn ngày nay ở huyện biên giới Quế Phong nơi miền Tây xứ Nghệ. Trong tiếng Thái, “cắm” nghĩa là “vàng”, còn “muộn” là “vui”, “cắm muộn” dịch ra nghĩa là “vàng vui”. Chỉ mới nghe cái tên ấy thôi, ắt hẳn nhiều người đã tò mò đặt câu hỏi, vì sao thế hệ cha ông lại đặt cho địa danh này bằng cái tên như thế?
Theo các bậc cao niên kể lại, tại xã Cắm Muộn ngày nay có bản Cắm là địa danh đã nổi tiếng từ xa xưa. Thủa ấy, bản Cắm nhiều vàng vô kể, dọc khe suối, trên đồi, dưới chân ruộng lúa…nơi nào cũng có vàng. “Thời bấy giờ người ta hay nói vui rằng, chỉ cần một trận mưa lớn khi ra ngoài đường đất, dân bản cũng có thể nhìn thấy ánh lấp lánh của vàng cám li ti xen lẫn với đất đá rửa trôi sau khi nước rút. Trước đây, vàng mang lại tiền bạc và niềm vui cho dân bản ở đây, có thể vì thế mà cái tên Cắm Muộn hình thành từ đó…” - Một bậc cao niên nhớ lại.
Nước sông Quàng đã trong xanh trở lại |
Không biết từ khi nào mà người dân bản Cắm cũng như vùng đất Mường Quàng biết đào đãi vàng. Lúc đầu, chỉ là người dân địa phương đào đãi theo cách thủ công, nhỏ lẻ; nhưng do lượng vàng sa khoáng nhiều, một đồn mười… rồi cứ thế “tiếng lành đồn xa”. Thế là, nườm nượp người dân tứ xứ kéo vào vùng đất Quang Phong và Cắm Muộn để tìm vận may. Một “trang tối” mở ra với vùng đất này…
Đang hì hục đào hố chôn ống dẫn nước vào ruộng, ông Vi Văn Sáu, ở bản Cắm Pỏm, xã Cắm Muộn, kể lại: “Ngày ấy nghe đồn vàng ở dọc khe Quẹ nhiều lắm, lúc đầu dân làng khai thác rồi đồn đại đi xa. Thế là, nườm nượp người khắp nơi từ thị trấn Kim Sơn, từ huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, TP. Vinh và thậm chí là từ tận ngoài Thái Nguyên, Lạng Sơn… cũng kéo đến tìm vận may. Người cuốc, kẻ xẻng, người thì chở hẳn cả hệ thống máy hút, sàng đãi, máy múc vào khai thác tan hoang vùng đất của chúng tôi”.
Ông Lữ Văn San, ở bản Cắm Noọc, xã Cắm Muộn, tiếp lời: “Họ khai thác ngày đêm khiến khe Quẹ tan hoang, các hầm hố đào vàng sâu hoắm, san sát như bãi chiến trường. Có những tốp còn đào lấn vào cả ruộng lúa của dân bản để tìm vận may. Có lần do bị đào sụt mất ruộng lúa nên người dân đã xảy ra xích mích với những người đào vàng…”.
Cũng theo những người dân xã Cắm Muộn kể lại, giai đoạn khai thác “thịnh” nhất ở vùng đất này kéo dài hàng chục năm, từ những năm 90 của thế kỷ trước đến khoảng năm 2013 đến 2014 mới chính thức chấm dứt.
Thời kỳ đỉnh điểm khai thác vàng khiến cuộc sống của người dân khổ cực. Nước khe suối quanh năm bị nhuốm một màu vàng đậm, những loại hóa chất dùng để “cô” vàng bị thải trực tiếp xuống khe suối khiến cho tôm, cá không con nào sống sót; người dân đưa nước vào ruộng nhưng cây lúa cũng còi cọc, khô héo và không cho thu hoạch…
Bà Thanh đang xúc cá dưới khe Quẹ |
“Ruộng lúa nhiều năm liên tiếp gần như không có thu hoạch vì nguồn nước tưới bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải trong quá trình khai thác vàng gây ra. Trâu bò thả rông xuống khe suối uống nước cũng sinh bệnh ra mà chết, người lội qua suối về cũng bị ngứa ngáy, ghẻ lở…” - Ông Vi Văn Sáu kể lại.
Thời điểm này, ngoài bản Cắm Pỏm, Cắm Noọc thì khai thác vàng trái phép còn xảy ra ở các bản Pún hay khu vực Huổi Háng (xã Cắm Muộn) mỗi ngày có hàng trăm tốp “vàng tặc” thi nhau cày xới khiến khung cảnh trở nên hoang tàn, xác xơ. Còn tại xã Quang Phong, tuy không rầm rộ bằng nhưng dọc con sông Quàng như đoạn qua các bản Cào, bản Páo, bản Nậm Xái… vẫn luôn thường trực máy xúc, máy hút khai thác vàng cả ngày lẫn đêm. Nước sông Quàng vì thế quanh năm cũng nhuốm màu đỏ quạch…
Miền “vàng vui” đã vui trở lại
Trở lại vùng đất Mường Quàng trong những ngày giữa tháng 6 oi ả. Để vào được điểm khai thác vàng trái phép rầm rộ nhất của nhiều năm trước là các bản Cắm Noọc, Cắm Pỏm, chúng tôi phải vượt qua cầu treo Phả Pạt. Trên chiếc xe máy đã cũ, anh Lô Văn Nhân - Phó Bí thư đoàn xã Cắm Muộn và cũng là người con của bản Cắm Noọc chở tôi vào bản.
“Giờ đây người dân bản không còn nghĩ đến việc khai thác vàng nữa đâu nhà báo ạ. Bây giờ bà con người trung niên, lớn tuổi thì chuyên tâm làm ruộng lúa, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, trồng keo, chăn nuôi trâu bò…thanh niên thế hệ như em đây trở về sau thì đi Bắc, vào Nam để làm công nhân, khi có điều kiện thì về xây dựng quê hương…” - anh Nhân, vừa lái xe lách qua những con đường nhỏ quanh co để vào bản vừa kể cho tôi nghe.
Sau cuộc hành trình vài chục phút, hai bản Cắm hiện ra trước mắt. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là ngôi làng khá rộng nằm nép mình dọc theo chân núi Pù Cà Lán hùng vỹ.
Hình ảnh khai thác vàng tan hoang ở Cắm Muộn khoảng gần 10 năm về trước |
Cánh đồng Húa Tổng rộng trên 30 ha vừa mới gặt xong, mùi rơm rạ còn thơm phức. Ngoài đồng, những đàn trâu hàng trăm con đang ung dung gặm cỏ, thỏa thích đằm bùn dưới ruộng sâu. Từng tốp người ngoài đồng đang kéo ống vào đồng để lấy nước chuẩn bị cho một mùa vụ mới…
Ông Vi Văn Sáu, bản Cắm Pỏm, khoe: “Mùa vừa rồi lúa tốt, năng suất lắm, nhà ta được mấy chục bao lúa sẽ đủ ăn cả năm đấy. Trước đây nước khe suối bị ô nhiễm do khai thác vàng nhưng mấy năm nay không còn hiện tượng này nữa nên khe suối đã trong xanh trở lại, những hầm hố khai thác trước đây cũng đã “lành da, liền thịt”, dân bản ta giờ phấn khởi lắm nhà báo ơi”.
Bà Lữ Thị Thanh thì vừa lúi húi xúc cá dưới khe Quẹ vừa phấn khởi nói: “Mấy năm nay tôm cá đã xuất hiện trở lại ở khe Quẹ và ngày càng nhiều lên, bà đi xúc hàng ngày để cải thiện bữa ăn cho gia đình…”. Xong, như để chứng minh cho lời nói của mình, bà lội nhanh vào bờ để khoe “chiến tích” tôm, cá gần đầy oi.
Theo ông Lô Văn Bốn -Trưởng bản Cắm Noọc thì cả bản có gần 200 hộ dân với 1.130 nhân khẩu. “Trước đây tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra rầm rộ ở bản khiến cho môi trường bị ô nhiễm, an ninh trật tự bị đảo lộn, đồng ruộng bị bỏ hoang khá nhiều, cuộc sống của người dân vì thế cũng bấp bênh. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền có hiệu quả nên người dân đã nhận thức được tác hại của việc khai thác vàng, mà khai thác trái phép là vi phạm pháp luật… vì thế mấy năm nay tình trạng trên đã chấm dứt hoàn toàn” - ông Bốn, phấn khởi chia sẻ.
Ông Vi Văn Tùng - Phó chủ tịch UBND xã Cắm Muộn cho biết thêm, những năm trước chính quyền rất vất vả, liên tục bị cấp trên nhắc nhở, phê bình vì không kiểm soát được hiện tượng khai thác vàng trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây tình trạng trên đã chấm dứt. Người dân đã biết lo lắng làm ăn. Năm nay năng suất lúa của xã đạt gần 6 tấn/1 ha…
“Giờ bình yên lắm. Đất “vàng vui” đã vui trở lại. Có được thành quả tuyệt vời này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự đồng thuận của toàn thể người dân nơi đây. Thành quả này chúng tôi sẽ quyết tâm gìn giữ để xứ sở Mường Quàng mãi xanh" - Ông Lữ Văn Tiến - Trưởng phòng TN&MT huyện Quế Phong hạ quyết tâm.