Sự biến mất của ngôi đền thiêng
Lão ngư Nguyễn Văn Thương (thôn Tân, xã Quảng Nham, Quảng Xương, Thanh Hóa) rít một hơi thuốc lào thật dài, đặt điếu xuống, ánh mắt mơ màng nhìn theo làn khói, rồi bất ngờ ngâm ngợi: “Làng Mom hình tựa quả bầu/ Đền trên, đình dưới, sông sâu trước làng”.
Ông giải thích, Mom hay Mỏm là cách gọi nôm tên làng, vì làng ở mom sông, giáp biển, còn xa xưa làng có tên là Cự Nham. Giờ ngồi nghĩ lại ông vẫn tiếc nuối vô cùng ngôi đền thiêng trong làng. Ông không nhớ tên đền, nhưng khi tầm 9-10 tuổi từng được theo bố vào đền mỗi dịp lễ. Đền dài đến mười mấy gian, hai cổng hướng xuống sông Yên. Đền rộng, dài đến mức vào trong đền có cảm giác “thăm thẳm thăm thẳm”.
Khu vực bờ sông Yên, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) xưa kia có rừng cổ thụ và ngôi đền thiêng nay đã biến mất |
Theo bố ông kể lại, có lần một viên quan Pháp đi ngựa qua cửa đền nhưng không xuống ngựa, sau đó bị “vật” chết. Đặc biệt, đền nằm trong một khu rừng cổ thụ với nhiều loại cây lớn 3-4 người ôm, như: lim, đa, thị, dổi, muỗm,… Sau này, được đi và ghé nhiều vùng quê nhưng ông chưa bao giờ thấy khu rừng nào đẹp như rừng cổ thụ quê ông. Tiếc thay, khoảng năm 1962, người ta đào lạch mới qua khu vực đền khiến đền bị hỏng và biến mất dần cùng rừng cây cổ thụ. Gần đây, người ta tìm thấy một tấm bia đá và phục dựng lại một ngôi đền gọi là đền Phúc, cách bờ sông Yên không xa.
Người đi, nghề mai một
Ông Nguyễn Văn Chung, Trưởng thôn Hải Thịnh (Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An) kể, xưa, làng biệt lập với bên ngoài, phụ nữ làm lúa, đàn ông đi biển. Nghề biển ở Hải Thịnh là nghề cha truyền con nối. Ngư trường của làng chủ yếu từ đảo Mắt đổ vào. Bây giờ, biển đang “nhạt” dần. Trước đây cá vào sát bờ, có lần làng bắt được con cá giống (họ cá mập) hơn 1 tạ, nhưng khoảng từ năm 2000 trở lại đây, các loại cá như: cá giống, cá mẻm (cũng họ cá mập), cá róc, cá yêu nhang,… không còn thấy xuất hiện nữa.
Người làm nghề biển đa số đều trên 40 tuổi, người trẻ ít bám vào nghề biển |
Ông Trần Ngọc Cảnh, làng Đại Đồng (Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bồi hồi, xã Cương Gián những năm 1989-1990 có tới hơn 1.000 tàu thuyền, đến nay chỉ còn gần 300 chiếc. Bây giờ, lao động đi biển chỉ còn người từ 40 tuổi trở lên, thậm chí trên 70 tuổi, còn thanh niên trai trẻ đi xuất khẩu lao động hoặc làm việc khác. Cả xã có 2.700 người đang lao động ở Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Canada, Tây Ban Nha, Ucraina,… Đi xuất khẩu lao động cho thu nhập cao, mỗi tháng có người gửi về 80-90 triệu đồng là chuyện bình thường, cá biệt có người 120-130 triệu đồng. Có người bị “bể nợ” lô đề, nợ 1 tỷ, đi xuất khẩu lao động 3 năm trả được nợ, xây được nhà 3 tầng. Nhưng cũng có người 50, 60 tuổi vẫn phải tha phương xứ người, có người đi 20 năm chưa về quê một lần. Có người vợ nhớ chồng quá phải đích thân sang thăm, sau đó lại về một mình (vì chồng đi “chui”, về là không đi được nữa). Bây giờ, đi họp phụ huynh cho các cháu toàn thấy ông bà, còn bố mẹ đang “bận công tác xa”.
Ông Trần Ngọc Cảnh ở xóm Đại Đồng, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bên những chiếc thuyền của người già đi biển, thanh niên thì bỏ xứ đi xuất khẩu lao động |
Ông Cảnh nén tiếng thở dài, bảo: “Mọi sự do thu nhập cả thôi. Nếu nghề biển cho thu nhập ổn định thì chẳng ai muốn xa vợ con, xa nhà làm chi”.Ông Chung thở dài: “Cá vùng biển quê tôi sinh sản vào tháng 2,3 Âm lịch. Xưa kia đây là vùng biển yên tĩnh để chúng sinh sản, nhưng bây giờ bị khuấy lên rồi, bị đánh mìn, giã cào, xung điện, ô nhiễm, nên nguồn ngày càng cạn kiệt cũng là dễ hiểu. Bãi biển quê tôi đẹp, hoang sơ, nhiều bạn biết tới ghé thăm mê lắm, nhưng giờ cũng tan cả rồi”. Lao động nghề biển phần lớn nay chỉ người nhiều tuổi, có người 70-75 tuổi vẫn đi, trong khi thanh niên lo “chạy” đi xuất khẩu lao động hoặc làm nghề khác. Hiện, thôn có tới 300 người đi lao động ở các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Anh, Đức, Canada,…
Khổ vì các dự án “tấn công”
Thôn Hải Thịnh (xã Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An) nằm khuất trong các dãy núi Chuồng Gà, núi Mâng, Mũi Cò. Ngày trước, để vào được thôn chỉ có con đường duy nhất là men theo một bên là núi, một bên là biển. Nhưng đây là một chốn yên bình và tuyệt đẹp với các bãi biển như: bãi Hàu, bãi Chuối, bãi Làng,… Chính vì vị trí đắc địa, vẻ đẹp hoang sơ nên nơi đây đã thu hút 1 dự án du lịch sinh thái lớn. Nhưng, từ năm 2013 đến nay, dự án này vẫn là… dự án trên giấy tờ.
Làng biển thôn Hải Thịnh, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vốn yên bình nay bị xâm thực bởi một dự án xi măng và du lịch treo |
Hải Thịnh giờ không còn xa xôi hẻo lánh nữa. Một con đường lớn Tập đoàn The Vissai chuyên vận chuyển vật liệu xi măng ra cảng chạy cắt ngay trước hẻm núi vào làng.
Vừa gặp ông Nguyễn Văn Chung, Trưởng thôn Hải Thịnh, ông lắc đầu ngao ngán: “Nếu dự án du lịch sinh thái của ông Tuấn (công ty Thành Phát, trụ sở tại Hà Nội) triển khai đúng kế hoạch thì làng chúng tôi đã không bị dự án xi măng lấn vào. Dự án sinh thái bắt đầu từ năm 2013, đã đền bù cho dân gần 8 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, nhưng không hiểu sao vẫn chưa triển khai. Giờ dự án xi măng vào địa phương, ô nhiễm lắm. Chúng tôi đã kêu lên xã, báo lên trên, nói đến tết giải quyết, giờ hết tết vẫn chưa thấy mô”.
Một góc bãi biển thôn Hải Thịnh, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) |
Dự án xi măng và cầu cảng không chỉ gây ô nhiễm cho người mà còn ảnh hưởng đến ngư trường. Mỗi lần đào, khơi thông luồng lạch người ta lại “xục” tầng đáy lên, rồi bụi bặm từ trạm nghiền xi măng, từ đào núi lấn biển khiến cá tôm không còn môi trường sống. Có thời điểm, khi thuyền ngư dân từ làng chạy ra thì cũng vừa lúc tàu của The Vissai chạy cắt ngang nên xảy ra va quệt, may chưa dẫn tới tình huống nguy hiểm.
Đến thôn Tân (xã Quảng Nham, Quảng Xương, Thanh Hóa) bây giờ, bắt gặp nhiều biển bảng ở các khu đất trống ghi họ, tên, số điện thoại chủ nhân. Tưởng bán đất, nhưng tìm hiểu mới hay, đây là cách để chủ đất liên lạc với chủ dự án khu du lịch khi đến đo đạc. Ngoài thôn, hướng giáp biển, một con đê chắn sóng mới hoàn thành. Tôi ghé xem một nhóm người dân đang phơi cá trỏng (cá cơm).
Người dân xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) phơi cá cơm mới đánh bắt được |
Nghe chúng tôi khen con đê làm bãi biển đẹp, một phụ nữ trung tuổi nói như kêu lên: “Đúng là đẹp thật, nhưng không biết làm cho dân hay làm cho chủ dự án du lịch. Con đê kè này mới được nhà nước đầu tư gần 100 tỷ, để chắn sóng cho thôn Tân vì bị sóng xâm thực vào làng. Nhưng đê vừa làm xong thì chủ dự án du lịch cũng vào”.
Xưa, gia đình lão ngư Nguyễn Văn Thương ở trong thôn Đông (cùng xã Quảng Nham). Năm 2004, gia đình ông ra xóm Tân và được cấp 200m2 đất ở. Trước tết Tân Sửu vừa qua, khi đang đánh bắt cá trên biển, ông nghe vợ gọi điện thông báo người ta đến đo đạc đất, chuẩn bị di dời. Tết về, ông mới biết, không chỉ nhà ông mà cả thôn Tân phải di dời để nhường chỗ cho dự án du lịch nghỉ dưỡng.
Bở biển thôn Tân, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) – Nơi sẽ xuất hiện dự án du lịch, rồi người dân lại phải di dời tái định cư ở một nơi ở mới... |
Ông Vũ Hoàng Anh, Bí thư kiêm Thôn trưởng thôn Tân cho biết, năm 2001, thực hiện chủ trương di dân, người dân ở các thôn phía trong thuộc xã Quảng Nham đã ra vùng đất hoang nơi giáp cửa sông Yên và biển để sinh sống. Đến nay, thôn có 180 hộ với trên 700 nhân khẩu, 80% dân làm nghề đi biển. Chủ trương nhường đất cho Công ty cổ phần ORG thực hiện dự án khu đô thị, du lịch dân đã được phổ biến từ năm 2017. Mặc dù có chủ trương đã 4 năm nhưng đến tháng 1/2021 phía công ty và cơ quan liên quan mới tiến hành đo đạc. Trong 4 năm bị “treo” dân không được làm nhà cửa, các công trình phúc lợi cũng không được xây dựng.
Ông Anh chia sẻ: “Thực tình là dân chúng tôi không muốn đi, vì ở đây đất rộng, cuộc sống đã ổn định rồi. Còn nếu dự án triển khai thì triển khai sớm, chứ sống thấp thỏm thế này khổ lắm”.