Xã Tân Khánh (Phú Bình, Thái Nguyên): Bí thư chi bộ bị dân "tố" chiếm đoạt đất trồng rừng

25/05/2018 21:08

(TN&MT)-Thời gian qua, Báo Tài nguyên và Môi trường đã nhận được đơn thư của bà Trần Thị Thành, trú tại xóm Cà, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên tố ông Tạ Văn Hồng, Bí thư chi bộ xóm Cà chiếm dụng hàng nghìn mét vuông đất trồng rừng của gia đình. Bà Thành đã gửi đơn thư đến cấp chính quyền nhưng được giải quyết theo “hướng mới” là “băm đôi”, “xẻ nửa” mảnh đất đang tranh chấp… Xét thấy nhiều uẩn khúc và nghi vấn có dấu hiệu sai phạm của cán bộ đảng viên ở chi bộ cơ sở, lãnh đạo chính quyền cấp xã, Báo Tài nguyên và Môi trường đã cử phóng viên đến cơ sở để tìm hiểu, điều tra sự việc này.

unnamed
Bà Trần Thị Thành đang lo lắng mảnh đất 5000m2 bị chiếm đoạt. Vụ việc có nguy cơ bị phủ chiếu ở địa phương.

Theo đơn thư phản ánh của bà Trần Thị Thành thì sự việc tranh chấp đất đai lần 2 giữa gia đình bà với ông Tạ Văn Hồng, bí thư chi bộ Đảng xóm Cà, xã Tân Khánh vào cuối năm 2017 đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Nguyên do, ông bí thư chi bộ xóm Cà không chịu chặt vàn cây bạch đàn để trả lại đất cho gia đình bà Thành như đã cam kết 16 năm trước đó. Mặt khác, khi gia đình đưa đơn lên xã Tân Khánh đề nghị giải quyết thấu tình, đạt lí, thì nhận được nửa phần đất đang tranh chấp. Trước sự “cương trực” và với cách thức giải quyết “đầy trí tuệ” của ông chủ tịch xã, bà Thành rất ấm ức. Bà Trần Thị Thành đã trình bày tường tận nguồn gốc thửa đất trồng rừng có diện tích 5000m2, đang xảy ra tranh chấp hiện nay với phóng viên: Trên núi Cao ở cửa làng Cà, từ đời ông nội đến bố đẻ ra tôi (bà Thành) đã thường xuyên canh tác một vạt đất từ đỉnh trở xuống chân núi núi Cao. Dưới chân núi thì trồng sắn, trồng khoai. Ngang lưng núi trở lên thì để nuôi cây guột và cây bụi để dành làm củi đun hàng năm. Đến năm 1990, nhà nước có khuyến khích trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cụ Trần Văn Cát là bố đẻ tôi (bà Trần Thị Thành) có vạt đất chưa trồng cây. Thấy vậy, ông Tạ Văn Đoàn và bà Ngô Thị Ngọ là bố mẹ đẻ của ông Tạ Văn Hồng đã đến ngỏ ý xin cụ Cát và gia đình cho phép được trồng cây lâm nghiệp trên mảnh đất đó để lấy gạo ăn chống đói.

2
Ông Nguyễn Bá Trực, chủ tịch UBND xã Tân Khánh, huyện Phú Bình đồng tình giải quyết tranh chấp đất đai theo kiểu “chia đôi-xẻ nửa” khiến người dân bất bình.

Bà Thành còn nhớ: “Khi ấy, trong hồ sơ đăng kí trồng Pam với cán bộ lâm nghiệp xã mang tên Trần Văn Cát là chủ thổ đất…Đến năm 1997, bố tôi qua đời. Khi ấy, anh Hồng đang làm trưởng xóm. Từ đó đến năm 2002 thì gia đình mới phát hiện ra 5000m2 đất rừng trên núi Cao đã “nằm gọn” trong bìa đỏ mang tên Trần Văn Hồng. Gia đình tôi đã làm đơn gửi lên UBND xã Tân Khánh thì được ông Dương Minh Sửu, nguyên phó chủ tịch UBND kiêm trưởng Công an xã, cùng cán bộ lâm nghiệp xã mời tôi với anh Hồng lên xã giải quyết tranh chấp đất đai. Ông Sửu đã hòa giải, xác định mảnh đất có nguồn gốc của ông Trần Văn Cát(đã mất năm 1997) thì trả lại cho con đẻ ông Cát là bà Trần Thị Thành. Khi nào cây lớn, anh Tạ Văn Hồng chặt cây thì trả lại đất cho bà Thành sử dụng.” Tại buổi giải quyết đó, ông Hồng đã trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Tạ Văn Hồng với thửa đất số 1,diện tích 5.000m2, đất rừng tái sinh thuộc tờ bản đồ 422B/11, cấp ngày 02/10/2000. Sự việc đã được giải quyết xong xuôi. Bà Thành nhận được bìa đỏ mang tên Tạ Văn Hồng thì yên tâm cất giữ vào hòm cẩn thận. Bà Thành cùng con cháu đã nhẫn nại chờ đợi ngày ông Hồng thu hoạch cây rừng như cam kết. Vậy nhưng hơn 20 năm nay, cây cối vẫn mọc trên đất mà chẳng thấy ông em họ chặt cây, trả đất. Bà Thành cùng con cháu đã nhiều lần đến gặp ông Hồng đề nghị chặt cây, trả đất cho gia đình canh tác, sản xuất. Nhưng ông Bí thư chi bộ đảng xóm Cà vẫn nhất quyết chưa chịu trả đất. Cũng lạ, là khi làm việc với phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Bá Trực, chủ tịch UBND xã Tân Khánh đã quả quyết chắc như đinh đóng cột: “Xã đã giải quyết hết thẩm quyền của xã. Bà Thành muốn lấy cả không được đâu. Xã đã vận động 2 bên đồng ý chia đôi thửa đất này nhưng không ai chịu nghe nên đã đề nghị bà Thành gửi hồ sơ lên cấp trên…”.

3
Mảnh đất rừng 5000m2 đang xảy ra tranh chấp giữa ông bí thư chi bộ Đảng với bà Thành ở xóm Cà, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, Thái Nguyên.

 Khi phóng viên đặt câu hỏi: Vì sao chủ tịch UBND xã Tân Khánh không tôn trọng kết quả giải quyết tranh chấp của lãnh đạo tiền nhiệm từ năm 2002? Và đến nay, dựa vào căn cứ hồ sơ pháp lí, nhân chứng nào để giải quyết chia đôi mảnh đất ngon như cái bánh này?

Ông Trực, chủ tịch UBND xã Tân Khánh đã thẳng thắn, bộc trực nói luôn: “Hồ sơ vụ việc lần trước giải quyết vụ tranh chấp này mất rồi. Tìm làm sao được. Giờ chỉ còn cách chia đôi các bên đều được hưởng lợi cả. Nếu không ai chịu thì xã đề nghị lên tòa.” Thế là xong. Phán quyết của chủ tịch xã Tân Khánh thời nay thật đơn giản. Hồ sơ cũ có giá trị thì “mất”. Nhưng nhân chứng vẫn “còn sống” và rất minh mẫn. Họ đã xác nhận rõ ràng mảnh đất trên là của gia đình bà Thành. Qua tìm hiểu được biết: Để xác minh nguồn gốc mảnh đất 5000m2 này, UBND xã Tân Khánh đã cử cán bộ địa chính xã là bà Nguyễn Thị Phong đến tận nơi ở của các nhân chứng như ông Dương Minh Sửu, nguyên phó chủ tịch UBND xã, kiêm trưởng công an và ông Nguyễn Văn Căn, nguyên cán bộ lâm nghiệp xã Tân Khánh từ năm 1989 đến năm 2008 để thu thập chứng cứ và xác nhận thông tin về sự thật nguồn gốc mảnh đất đang xảy ra tranh chấp và kết quả đã giải quyết dứt điểm năm 2002. Các nhân chứng sống đều khẳng định quyền sử dụng đất thuộc về bà Trần Thị Thành. Trách nhiệm chặt cây, trả đất là của bí thư chi bộ Tạ Văn Hồng.

4
Giấy CNQSD đất mang tên Tạ Văn Hồng được bà Trần Thị Thành cẩn thận giữ gìn 16 năm, nay lại xảy ra tranh chấp lần 2.

Một bút tích khác, ông Tạ Văn Sơn là em trai ruột của ông Tạ Văn Hồng cũng khẳng định gia đình bà Ngô Thị Ngọ có sang xin mượn đất của gia đình ông Cát(bố đẻ bà Thành) để trồng chung cây lâm nghiệp. Ông Sơn đã thắc mắc không rõ lí do gì ông Hồng làm được bìa đỏ trên đất của người khác và cho rằng “cán bộ xóm” ấy chiếm đoạt tài sản của công dân.

Tuy nhiên, các căn cứ quan trọng này lại không được ông chủ tịch UBND xã Tân Khánh công nhận tại buổi hòa giải mà lại “thừa nhận”, “y án” kết luận tại biên bản hòa giải của xóm Cà. Điều này khiến người dân khó hiểu. Dự luận đặt nhiều câu hỏi về việc giải quyết tranh chấp đất đai theo kiểu “chia đôi”, “xẻ nửa” cho xong chuyện của lãnh đạo xã Tân Khánh, liệu có bao che, nể nang bí thư chi bộ hay không? Đằng sau kết luận vô cảm kia thì có nảy sinh tiêu cực hay không?

Việc đảng viên không trung thực, không gương mẫu trước quần chúng nhân dân, vì lòng tham của bản thân nên đã tự thoái hóa, biến chất làm mất niềm tin, uy tín của người đứng đầu tổ chức cơ sở Đảng ở xóm, bản, địa phương rất cần Đảng bộ, chính quyền huyện Phú Bình quan tâm, xem xét, giải quyết sớm, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân; xử lí kỷ luật nghiêm với cá nhân, tổ chức nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật và các quy định của Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là một việc làm rất cần thiết hiện nay. Dư luận và nhân dân rất mong đợi kết quả giải quyết vụ việc đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch từ phía địa phương.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã Tân Khánh (Phú Bình, Thái Nguyên): Bí thư chi bộ bị dân "tố" chiếm đoạt đất trồng rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO