Xã Kim Lũ, Sóc Sơn: Ai "chống lưng" cho dân chiếm dụng hành lang bảo vệ đê để xây dựng trái phép?

23/04/2018 21:21

(TN&MT) – Những công trình đồ sộ, kiên cố đang được người dân xây dựng ra sát mép nước sông Cà Lồ nhưng không hiểu vì sao không bị cơ quan chức năng kiểm tra,...

(TN&MT) – Những công trình đồ sộ, kiên cố đang được người dân xây dựng ra sát mép nước sông Cà Lồ nhưng không hiểu vì sao không hề bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Trong khi những công trình trên nằm đối diện và chỉ cách UBND xã Kim Lũ vài bước chân.
 
Ngang nhiên vi phạm
 
Theo thông tin phản ánh của người dân tới Báo TN&MT cho biết, thời gian qua, tại xã Kim Lũ (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) vẫn tiếp diễn hiện tượng nhiều hộ dân ngang nhiên đổ đất, san nền và xây dựng các công trình kiên cố trong phạm vi bảo vệ hành lang đê tả sông Cà Lồ. Mặc dù nhiều công trình xây dựng nằm đối diện với UBND xã Kim Lũ nhưng chính quyền nơi đây cũng như Hạt quản lý đê điều số 7 vẫn làm ngơ và không hề có biện pháp xử lý.
 
Để làm rõ thông tin phản ánh trên, báo TN&MT đã có mặt tại xã Kim Lũ để ghi nhận thực tế. Theo quan sát của PV, khu vực mà người dân phản ánh thuộc đê tả sông Cà Lồ, nằm gần vị trí giáp ranh giữa xã Kim Lũ và xã Xuân Thu (cùng của huyện Sóc Sơn). Tuyến đê này chạy qua khu dân cư và khu vực từ chân đê trở ra phía sông được kè khá chắc chắn. Tuy nhiên khi đến địa phận xã Kim Lũ, tình hình lại khác hẳn.
 
Tính từ khu vực giáp ranh với xã Xuân Thu xuôi về UBND xã Kim Lũ, cảnh tượng đập vào mắt phóng viên là những ụ đất to được đổ xuống triền đê (mạn về phía sông) để hình thành nên những lô đất vuông vắn. Trên những lô đất đó, người ta bắt đầu cho xây dựng những lán tạm bằng tôn rồi mở quán bia hoặc làm nơi chăn nuôi gia súc.
Vi pham de song Ca Lo 1
Cả khu vực rộng lớn thuộc hành lang bảo vệ đê tả sông Cà Lồ đã được đổ đất, xây dựng công trình kiên cố
Càng đi xuôi về phía trụ sở UBND xã Kim Lũ, tình hình xây dựng càng trở nên nhộn nhịp. Khu vực chân đê (mạn về phía sông) san sát những ngôi nhà 3 - 4 tầng kiên cố được xây dựng ở nhiều thời điểm khác nhau. Tại thời điểm phóng viên có mặt, có ít nhất 5 công trình đang bắt đầu được xây dựng, hoặc đã xây xong phần thô. Đặc điểm chung của hầu hết các công trình này là kéo dài từ mặt đê ra sát mép nước sông Cà Lồ.
 
Trong vai một người có nhu cầu mua đất khu vực ngoài đê (về phía sông) để xây dựng, phóng viên đã tiếp xúc với anh T. một người dân sinh sống ngay gần trụ sở UBND xã Kim Lũ. Anh T. cho biết: “Giờ đất chỗ đó không còn mà mua. Người ta mua hết lâu rồi”. Cũng theo thông tin người này cung cấp thì hình thức mua bán chủ yếu là sang tay nhau và diện tích mảnh đất được tính theo chiều rộng mặt đường (chứ không tính chiều sâu – PV). “Người ta chỉ tính diện tích đất theo chiều rộng chạy theo mặt đường thôi. Còn sức ai xây được bao nhiêu (tức xây lấn về phía mặt sông Cà Lồ - PV) thì xây thoải mái. Tuy nhiên do đặc thù xây dựng ở khu vực ngoài đê nên tốn kém lắm. Tiền làm móng, tiền xây tầng 1 rồi không sử dụng được (vì nhà khu vực này, mặt tiền tầng 2 mới cao bằng mặt đê – PV)” – anh T. cho hay.
 
Nhức nhối điệp khúc “đang kiểm tra”
 
Nhằm thông tin khách quan tới bạn đọc, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Duy Hồng, Chủ tịch UBND xã Kim Lũ. Tại buổi làm việc, ông Hồng thừa nhận có tình trạng người dân lấn chiếm hàng lang bảo vệ đê để xây dựng trái phép. Tuy nhiên ông Hồng cho biết: “Tình trạng vi phạm đất đai thuộc hành lang bảo vệ đê chỉ diễn ra ở đoạn giáp với xã Xuân Thu. Tính trong năm 2017, chúng tôi đã tiến hành cưỡng chế 3 đợt với tổng số lên tới mấy chục hộ (riêng đợt 1 đã là 20 hộ). Tuy nhiên sau một thời gian cưỡng chế, người dân lại tiếp tục tái phạm. Hiện nay chúng tôi chưa phát hiện ra những vi phạm mới”.
 
Tuy nhiên, khi phóng viên cung cấp thông tin hàng loạt công trình đối diện với trụ sở UBND xã đang xây dựng mới ra tận sát mép nước sông Cà Lồ thì ông Hồng quanh co cho biết: “Những công trình đó là đất được nhà nước giao cho dân nên chúng tôi chưa kiểm tra. Chúng tôi sẽ cho anh em kiểm tra nguồn gốc đất rồi thông tin lại”. Cũng tại buổi làm việc, ông Hồng phủ nhận chuyện người dân có thể mua bán đất thuộc phạm vi hàng lang bảo vệ đê sông Cà Lồ.
Vi pham de song Ca Lo 2
Một công trình đang được xây dựng ra sát mép nước sông Cà Lồ, ngay trước cửa trụ sở UBND xã Kim Lũ
Chưa thỏa mãn với thông tin mà chủ tịch UBND xã Kim Lũ cung cấp, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Bảo, Hạt trưởng Hạt đê điều số 7 để tìm hiểu thông tin. Ông Bảo hứa sẽ cho anh em kiểm tra và hẹn một buổi khác tới làm việc. Mất nửa tháng đặt lịch, cuối cùng ông Bảo cũng thu xếp được một buổi làm việc với PV. Tại đây Hạt trưởng Hạt đê điều số 7 thừa nhận có tình trạng vi phạm và cho biết: “Hiện những công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê tả sông Cà Lồ chúng tôi đã lập biên bản ban đầu và chuyển cho UBND xã xử lý. Hầu hết đó là những trường hợp từ năm 2015 trở về trước”.
 
Thế nhưng khi phóng viên hỏi về những trường hợp có dấu hiệu vi phạm mới phát sinh mà phóng viên cung cấp cách đây nửa tháng, ông Bảo cho hay: “Những trường hợp đó tôi đã giao cho đồng chí Hạt phó kiểm tra nhưng đồng chí ấy hiện đang đi học. Tuy nhiên theo báo cáo ban đầu của anh em thì phía xã đang kiểm tra hồ sơ nguồn gốc đất. Khu đất có các công trình xây dựng mà báo chí phản ánh đang nằm trong quy hoạch khu dân cư”. Ông Bảo cũng cho biết, hiện tuyến đê tả sông Cà Lồ thuộc tuyến đê cấp III.
 
Như vậy, sau nửa tháng cung cấp thông tin, không hiểu lãnh đạo UBND xã Kim Lũ và Hạt quản lý đê điều số 7 kiểm tra thế nào nhưng hiện nay, các công trình vẫn rầm rộ thi công và không hề có dấu hiệu bị kiểm tra, xử lý. Trong khi đó, Khoản 2, Điều 23, Luật Đê điều quy định: “Hành lang bảo vệ đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng”.
 
Song điều lạ ở chỗ, đối với những công trình đang xây dựng mới ngay trong hành lang bảo vệ đê tả sông Cà Lồ, các cơ quan chức năng lại không hề hay biết dù nó nằm đối diện với trụ sở UBND xã Kim Lũ? Và tại sao cho đến nay, chính quyền xã Kim Lũ vẫn im lặng dù báo chí đã trực tiếp thông tin? Liệu có khuất tất gì đằng sau câu chuyện nêu trên?
 
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã Kim Lũ, Sóc Sơn: Ai "chống lưng" cho dân chiếm dụng hành lang bảo vệ đê để xây dựng trái phép?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO