Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng khai thác sức mạnh của khoa học là rất quan trọng để kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh này |
"Khai thác sức mạnh của khoa học là rất quan trọng để kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh này", Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
“Có những câu hỏi chúng tôi cần câu trả lời và chúng tôi cần phát triển các công cụ càng nhanh càng tốt. WHO sẽ đóng một vai trò điều phối quan trọng bằng cách kết hợp cộng đồng khoa học để xác định các ưu tiên nghiên cứu và đẩy nhanh tiến độ” – người đứng đầu WHO khẳng định.
Diễn đàn dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 11-12/2 tại Geneva, Thụy Sĩ với sự cộng tác của Tổ chức nghiên cứu toàn cầu về phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Diễn đàn sẽ tập hợp các nhà khoa học hàng đầu, các cơ quan y tế công cộng, các bộ chăm sóc sức khỏe và các nhà tài trợ nghiên cứu 2019-nCoV, phát triển vắcxin, trị liệu và chẩn đoán vì sức khỏe cộng đồng.
Những người tham gia sẽ thảo luận về một số lĩnh vực nghiên cứu, bao gồm xác định nguồn gốc của virus cũng như chia sẻ các mẫu xét nghiệm sinh học và phân tích gen.
Dựa trên các nghiên cứu sẵn có về Hội chứng hô hấp cấp (SARS) và Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS), các chuyên gia sẽ xây dựng kho dữ liệu chung về virus corona và xác định các lỗ hổng kiến thức và ưu tiên nghiên cứu để đẩy nhanh thông tin khoa học và các sản phẩm y tế cần thiết nhất trong nỗ lực giảm thiểu tác động của đợt bùng phát nCoV.
WHO mong muốn cuộc họp sẽ mở ra một chương trình nghiên cứu toàn cầu về chủng mới của virus corona, thiết lập các ưu tiên và khuôn khổ có thể hướng dẫn dự án nào được thực hiện trước. Tiến sĩ Soumya Swaminathan, Nhà khoa học thuộc WHO cho biết: “Việc nắm rõ thông tin về dịch bệnh, các ổ dịch, cách lây truyền và mức độ nghiêm trọng lâm sàng, để từ đó xây dựng các biện pháp đối phó hiệu quả là rất quan trọng trong mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong và giảm thiểu tác động đến nền kinh tế”.
Việc nắm rõ trên cũng sẽ giúp theo dõi nhanh chóng sự phát triển và đánh giá các xét nghiệm chẩn đoán, vắc-xin và thuốc hiệu quả, đồng thời thiết lập các cơ chế để tiếp cận với khu vực dễ bị tổn thương và tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia.
“Kế hoạch Đầu tư và Phát triển (R&D) của WHO là một nền tảng chiến lược và chuẩn bị toàn cầu nhằm thúc đẩy sự phát triển của thuốc và vắc-xin trước tình hình dịch bệnh, và cho phép kích hoạt nhanh các hoạt động R&D trong dịch bệnh. Nó tăng tốc độ sẵn có của chẩn đoán, vắc-xin và phương pháp điều trị cũng như công nghệ giúp cứu sống con người”, Tiến sĩ Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết.
Thiết lập các ưu tiên nghiên cứu toàn cầu rõ ràng cho chủng mới của virus corona sẽ dẫn đến đầu tư hiệu quả hơn, nghiên cứu chất lượng cao và sự phối hợp giữa các nhà nghiên cứu toàn cầu.