Trong lời kêu gọi hành động, WHO đã đưa ra một báo cáo với số liệu đáng kinh ngạc rằng 99% người dân hít thở không khí không lành mạnh - chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch.
Khủng hoảng sức khỏe và xã hội
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Cuộc khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng sức khỏe. Chính những sự lựa chọn không bền vững đang hủy hoại hành tinh của chúng ta và hủy diệt con người”.
Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng thế giới đang nóng dần lên, cùng với đó, các bệnh truyền nhiễm do muỗi ngày càng lan rộng và nhanh hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, mất đa dạng sinh học, suy thoái đất và khan hiếm nước đang khiến nhiều người phải di dời và ảnh hưởng đến sức khỏe. Ô nhiễm và rác thải nhựa được tìm thấy ở đáy đại dương sâu nhất và những ngọn núi cao nhất trên thế giới, đang ngày càng xâm nhập vào chuỗi thức ăn và máu của con người.
Hơn nữa, các hệ thống sản xuất thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến không lành mạnh đang làm gia tăng tình trạng béo phì, cũng như tỷ lệ mắc bệnh ung thư và bệnh tim, đồng thời, tạo ra một phần ba lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.
Theo WHO, những cuộc khủng hoảng xã hội và sức khỏe này đang ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát sức khỏe và cuộc sống của mọi người.
Cần đầu tư vào các dịch vụ thiết yếu
Đại dịch Covid-19 đã làm rõ sự bất bình đẳng trên toàn thế giới, nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tạo ra xã hội bền vững và lành mạnh, không vi phạm các giới hạn sinh thái.
WHO cho biết, chúng ta cần đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận với các công cụ, hệ thống, chính sách, môi trường cứu sinh và cải thiện cuộc sống. Tuyên bố của WHO về phục hồi xanh sau đại dịch quy định việc bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên có vai trò lớn nhất trong việc bảo vệ sức khỏe của con người.
Tổ chức này ủng hộ việc đầu tư vào các dịch vụ thiết yếu - từ nước và vệ sinh đến năng lượng sạch trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe - đảm bảo chuyển đổi năng lượng nhanh chóng và lành mạnh; thúc đẩy sử dụng hệ thống thực phẩm lành mạnh và bền vững; xây dựng các thành phố lành mạnh và đáng sống...
Vào thời điểm xung đột ngày càng gia tăng, WHO đã khởi động chiến dịch “Hành tinh của chúng ta, Sức khỏe của chúng ta”, nhằm tái ưu tiên các nguồn lực để tạo ra các xã hội lành mạnh hơn.
Ông Tedros nhấn mạnh: “Chúng ta cần các giải pháp mang tính biến đổi để nỗ lực “cai nghiện” nhiên liệu hóa thạch trên thế giới, để hướng tới các nền kinh tế và xã hội tập trung vào hạnh phúc và bảo vệ sức khỏe của hành tinh, từ đó giúp bảo vệ sức khỏe của con người”.
Thông qua chiến dịch trên, WHO kêu gọi các chính phủ, tổ chức, tập đoàn và người dân chia sẻ các hành động mà họ đang thực hiện để bảo vệ hành tinh và sức khỏe con người.