Logo bên ngoài của Tổ chức Y tế Thế giới trong cuộc họp ban điều hành về cập nhật tình hình dịch COVID-19 tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 6/2/2020. Ảnh: Reuters |
“Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan của Liên Hợp Quốc mong muốn các quốc gia có thể nới lỏng lệnh phong tỏa, nhưng đồng thời cảnh báo việc dỡ bỏ lệnh này sớm có thể dẫn đến số người chết tăng trở lại”, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp báo.
Ông Tedros ghi nhận tình hình dịch bệnh chậm lại ở một số nước châu Âu, bao gồm Ý, Đức, Tây Ban Nha và Pháp, nhưng đã có một sự gia tăng đáng báo động ở một số nơi khác, bao gồm cả việc lan truyền dịch bệnh trong cộng đồng ở 16 quốc gia châu Phi.
Yemen đã xác nhận trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 10/4 khi các nhóm viện trợ chuẩn bị ứng phó với ổ dịch tại đất nước này, nơi chiến tranh đã phá vỡ các hệ thống y tế và lan truyền nạn đói và bệnh tật.
Ông Tedros cho biết ông đặc biệt quan tâm đến số lượng lớn các ca nhiễm COVID-19 trong số các nhân viên y tế.
“Tại một số quốc gia, có tới 10% nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, đây là một xu hướng đáng báo động”, ông Tedros nhấn mạnh.
Một lực lượng đặc nhiệm cung ứng mới của Liên Hiệp Quốc sẽ điều phối và mở rộng quy mô mua sắm và phân phối thiết bị bảo vệ, chẩn đoán trong phòng thí nghiệm và oxy cho các quốc gia cần nhất.
“Mỗi tháng chúng tôi sẽ cần vận chuyển ít nhất 100 triệu khẩu trang và găng tay y tế, tối đa 25 triệu khẩu trang N-95, áo khoác y tế và tấm chắn mặt, 2,5 triệu xét nghiệm chẩn đoán và số lượng lớn máy tập trung oxy và các thiết bị khác phục vụ việc chăm sóc lâm sàng”, ông Tedros cho biết.
“Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) sẽ huy động 8 máy bay 747, 8 máy bay chở hàng cỡ trung bình và một số máy bay chở khách nhỏ hơn để vận chuyển hàng hóa và nhân viên cứu trợ cần thiết trong hoạt động với 8 trung tâm”, ông Tedros cho biết thêm.
Ông cũng kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp cho hoạt động chi tiêu khoảng 280 triệu USD của WFP, trong khi chi phí mua sắm vật tư sẽ cao hơn nhiều.
Michael Ryan, Giám đốc điều hành của Chương trình khẩn cấp về sức khỏe của WHO cho biết thế giới đã có một khoản nợ rất lớn đối với các nhân viên y tế tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, và điều quan trọng là họ có được thiết bị bảo vệ phù hợp.
Ông Tedros cho rằng không có quốc gia nào có thể miễn dịch với đại dịch COVID-19 đang lây lan trên khắp thế giới. Các trường hợp nhiễm gần đây đã được xác nhận ở một số vùng của Nhật Bản mà không có liên kết với các ổ dịch khác.
“Qua đại dịch COVID-19, chúng ta phải cố gắng tìm hiểu về những khoảng trống, đây là một thông điệp ngay cả đối với các nước phát triển. Trên mọi lĩnh vực, chúng ta nhận thấy sự thiếu chuẩn bị của hệ thống y tế công cộng”, ông Tedros nói.
“Không có quốc gia nào có thể miễn dịch. Không một quốc gia nào có thể tuyên bố có một hệ thống y tế mạnh mẽ. Chúng ta phải đánh giá một cách trung thực và giải quyết vấn đề này” – người đứng đầu WHO nhấn mạnh.