Hiện nay, dù đang mùa mưa bão song hàng trăm công trình thủy lợi trên địa bàn các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai đang bị thiếu nước trầm trọng do nắng hạn kéo dài. Tình trạng trên cũng khiến hàng ngàn ha cây trồng của nông dân giảm năng suất và có nguy cơ mất trắng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là cây mía vì chỉ còn vài tháng nữa là đến thời điểm thu hoạch nhưng cây khô héo, còi cọc, nguy cơ mất trắng là rất cao. Ngoài ra, nắng hạn còn dẫn đến nguy cơ thiếu sinh hoạt của người dân trên diện rộng.
Dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng
Đã giữa trưa, nắng nóng gay gắt song một nhóm người cùng máy móc ở nhà ông Nguyễn Hữu Thọ (thôn Tú Thủy 2, xã Tú An, thị xã An Khê) vẫn đang hoạt động hết công suất để khoang giếng. Theo ông Thọ, hơn 30 năm định cư ở đây nhưng ông chưa bao giờ thấy năm nào nắng hạn gay gắt như năm nay. Hầu như những giếng đào ở đây đều cạn trơ đáy nhiều tuần qua.
Trong thôn, đã có nhiều gia đình bỏ tiền thuê người về khoang giếng để có nước sinh hoạt. Ba hôm trước, gia đình ông cũng thuê người về khoang giếng nhưng khoang sâu đến 70 mét thì gặp phải đá đành bỏ. "Tiền thuê khoang giếng là 350.000 đồng/m nhưng khi gặp phải nơi không có nước thì mình vẫn phải trả một nửa tiền công và tìm chỗ khác khoang lại. Lần này hy vọng sẽ khoang đúng nơi có nước. Thôn tôi hiện có khoảng 350 hộ, những gia đình có điều kiện thì thuê người khoang giếng để lấy nước sinh hoạt, còn những gia khác phải mua ống về xin nước của những hộ có giếng khoang bơm về dùng”, ông Thọ chia sẻ.
Còn theo ông Trần Thanh Cảnh-Chủ tịch UBND xã Tú An, hiện nay, hầu hết các giếng đào của người dân trong xã đã cạn, không đủ để dân sinh hoạt. Thiếu nước sinh hoạt thì xã chỉ biết vận động người dân tương trợ lẫn nhau. Những nhà có giếng khoang có nước chia sẻ với những gia đình không có nước. Còn nước để phục vụ tưới tiêu thì bất lực hoàn toàn. Tất cả hồ đập trên địa bàn đều đang ở mực nước chết. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới thì nhiều hộ dân sẽ đối diện với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Tại huyện Đak Pơ kế cận, do nắng hạn kéo dài đã ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của hơn 300 hộ dân ở các làng: Bút, Kuk Kôn, Kuk Đak (xã An Thành). Nơi đây đang trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt cục bộ dù có đến 111 giếng đào và 23 giếng khoang. Hiện, nước tại một số giếng xuống rất thấp, không đủ phục vụ nhu cầu cho người dân. Ngoài ra, một số giếng lại có hiện tượng nhiễm phèn, nhiễm dầu không đảm bảo cho người dân sử dụng. Tương tự, 66 hộ dân làng Jun (xã Yang Bắc) cũng đang rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân là do nắng hạn kéo dài suốt nhiều tháng khiến các giếng nước trong làng đều cạn kiệt. Chị Đinh Thị Chiech (làng Jun) cho biết, hơn 2 tháng nay, gia đình chị cũng như nhiều hộ khác trong làng phải ra sông Ba để tắm giặt do nước giếng khô cạn, không đủ dùng. Riêng nước sinh hoạt thì buộc phải sử dụng tiết kiệm đến mức tối đa.
Cùng cảnh ngộ là người dân ở các xã Ia Rsươm, Ia Dreh, Đất Bằng (huyện Krông Pa), họ đang thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Chị Đỗ Thị Dung (thôn Quỳnh Phú, xã Ia Rsươm) cho hay, đã 3 tháng nay, ở đây không có cơn mưa nào làm các giếng khoang trong thôn đều cạn nước. Nắng hạn cũng khiến các giếng bị nhiễm phèn nên không ăn uống được. "Như 6 người trong gia đình tôi, mỗi ngày phải mua một bình nước 20 lít, hết 10.000 đồng để về dùng cho ăn uống, mà phải dùng hết sức tiết kiệm mới đủ. Nếu những gia đình khác đông người thì phải mất nhiều tiền hơn nữa", chị Dung cho hay.
Không chỉ An Khê, Đak Pơ và Krông Pa, người dân ở huyện Kbang cũng đang ngày ngày phải chật vật với việc tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt. Ông Lê Cao Sáng-phó Chủ tịch UBND thị trấn Kbang cho biết, hiện thị trấn có 3.500 hộ dân, trong đó có 2.500 hộ đã được tiếp cận nguồn nước từ các nhà máy nước của thị trấn cung cấp. Do năm nay nắng hạn kéo dài nên nguồn nước đầu nguồn của các nhà máy bị cạn, dẫn đến lưu lượng nước không đủ để cung cấp thường xuyên cho người dân. Bên cạnh đó, khoảng 1.000 hộ chưa được sử dụng nước máy nên các giếng nước của gia đình họ thường xuyên bị cạn kiệt. Các hộ này đã khắc phụ bằng cách khoang giếng, mua bồn đựng nước hoặc xây bể trữ nước. Vì thiếu nước, các hộ trên đã mua thêm nước bình về sử dụng một cách tiết kiệm, thậm chí việc tắm giặt cũng bị hạn chế.
Sông, hồ cũng cạn khô
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đak Pơ có 20 công trình thủy lợi, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích tưới thiết kế là 433 ha lúa 2 vụ và hoa màu. Trong đó, có 2 trạm bơm điện, 2 hồ chứa có dung tích từ 500 ngàn m3 đến 1 triệu m3 nước là hồ Hà Tam (xã Hà Tam), hồ Cà Tung 4 (thị trấn Đak Pơ); 4 hồ chứa có dung tích dưới 200.000 m3 là hồ Thôn Trang (xã Yang Bắc), hồ Ta Ly I, Ta Ly II (xã Cư An) và hồ Tờ Đo (xã Phú An), chưa kể nhiều ao, bàu, đập nhỏ, hầu hết đều đã cạn kiệt nguồn nước. Ông Hoàng Phi Ấn-Chủ tịch UBND xã Hà Tam cho biết, do nắng hạn kéo dài trong thời gian qua đã làm mực nước tại những hồ chứa như: Hà Tam, Suối Cát, Cây Gòn, Bà Đa, Rù Rì và các ao, bàu trên địa bàn cạn kiệt nguồn nước tưới, khiến nhiều loại cây trồng bị khô hạn ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sản lượng. Những tháng trước, xã đã lập phương án tưới chống hạn cho từng vùng sản xuất, vận động người dân nạo vét kênh mương, sử dụng nước tiết kiệm. Song hiện nay, do hầu hết các ao, hồ, bàu đập trên địa bàn xã đều đã cạn nước, mọi phương án chống hạn đều không còn tác dụng.
Tương tự, 170 hồ đập của thị xã An Khê cũng trong tình trạng cạn kiệt nguồn nước trước tình trạng nắng nóng kéo dài trong thời gian qua. Ông Huỳnh Ngọc Mỹ-Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê cho biết, hiện tại, 10 công trình thủy lợi lớn ở các xã Tú An, Cửu An, Song An và Thành An, mực nước đang giảm mạnh, một số vùng đã trơ đáy, nếu không có nước bổ sung thì rất gay go. Ngoài ra, theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, hiện những hồ đập nhỏ do các địa phương quản lý cũng đã ở trong tình trạng cạn kiệt không còn nước để bơm.
Còn tại huyện Kbang, hiện nay các hồ thủy lợi, thủy điện đã cạn kiệt xấp xỉ mực nước chết. Ông Mã Văn Tình-phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang cho hay, hạn hán xảy ra từ cuối năm 2018, do lượng mưa ít và kết thúc sớm khiến mực nước ở các sông, suối thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Trước tình hình trên, UBND huyện cũng đang chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các xã tiếp tục nạo vét kênh mương thủy lợi để giảm thất thoát nguồn nước tưới. “Trước mắt, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, hạn hán xảy ra trên địa bàn nhằm điều tiết kế hoạch gieo trồng phù hợp với khả năng đáp ứng của các công trình thủy lợi. Vận động người dân tích trữ nước và sử dụng tiết kiệm. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực tổ chức triển khai các phương án chống hạn, chuẩn bị máy bơm, nhiên liệu phục vụ cho công tác chống hạn”, ông Tình cho biết thêm.
Huyện Krông Pa hiện nay cũng đang thấp thỏm nỗi lo thiếu nước vì nắng hạn. Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyên Krông Pa cho biết, do lượng mưa thấp từ cuối năm 2018 cộng với nắng hạn kéo dài, đến nay mực nước trên hệ thống sông, suối của huyện đang ở mức thấp. Không đủ nước nên một số công trình thủy lợi đã có hiện tượng thiếu nước như: hồ Phú Cần nước ở cao trình 112m, thấp hơn 3,95m so với mực nước dâng bình thường; hồ Ia Mlah nước ở cao trình 202,8m, thấp hơn 6,2m so với mực nước dâng bình thường; Hồ Ia Dreh nước ở cao trình 185,8m thấp hơn 3,75m so với mực nước dâng bình thường; đập dâng Uar nước ở cao trình 134,21m, thấp hơn so với mực nước cùng kỳ năm 2018 là 0,25m. Hiện nay, các đơn vị quản lý đang cùng với địa phương xếp lịch điều tiết luân phiên để chống hạn khu vực cuối kênh thuộc vùng tưới của buôn Ngô (xã Uar); đập Euar (xã Chư Đrăng). Tuy nhiên, do nước không đủ chảy vào cống đầu kênh chính nên không đủ nước để sản xuất theo kế hoạch; đập buôn Ma Giai (xã Đất bằng) không đủ nước để sản xuất lúa nước vụ mùa năm 2019...
Nếu nắng hạn kéo dài đã đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân tại một số huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh. Nguy cơ hàng ngàn ha cây trồng tiếp tục đối mặt với tình trạng hạn hán, thậm chí có diện tích mất trắng.
Theo báo cáo của Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak, hiện nay, các nguồn nước về hồ Ka Nak chỉ đạt 0,8 m3/s, lượng nước trong hồ xuống gần mực nước chết. Để đảm bảo cấp nước cho vùng hạ du sông Ba, Công ty đã đề xuất phương án vận hành chống hạn theo yêu cầu của tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai cùng các bộ, ngành. Ngay sau khi có yêu cầu và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, Công ty đã vận hành xả nước cứu hạn cho vùng hạ du kịp thời. Đồng thời, Công ty đã thông báo cho chính quyền địa phương phía hạ lưu nhà máy thủy điện An Khê để phối hợp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước, bảo đảm giảm tối đa tác động của tình trạng nắng nóng, hạn hán xảy ra ở các lưu vực sông Ba. |
Đón đọc bài 2: Cây trồng đối diện nguy cơ mất mùa