Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, đầu cầu trực tiếp tại Trụ sở Trung ương Đảng kết nối từ Thủ đô Hà Nội đến các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Đồng chủ trì có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trong Khu vực Đông Nam Bộ…
Đây là Hội nghị thứ 4 về phát triển vùng. Trước đó, vào tháng 4 năm nay, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 14/10/2022, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cũng như trong Vùng Đông Nam Bộ để sớm đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển Vùng Đông Nam Bộ. Hội nghị cũng thể hiện tinh thần nghiêm túc, ý chí và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong việc đổi mới xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với các vùng mà còn đối với cả nước.
Tại Hội nghị , Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có bài tham luận quan trọng về phát huy các nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ.
Đông Nam Bộ đối mặt nhiều thách thức do biến đổi khí hậu
Tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Đông Nam Bộ mặc dù có quy mô diện tích đất đai chỉ chiếm 7,11% cả nước nhưng đang đóng góp 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước; là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới, phát triển; đóng vai trò quan trọng trong kết nối không gian kinh tế với Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, tiểu vùng Mê Công và quốc tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những tiềm năng quan trọng, vùng Đông Nam Bộ đang phải đối mặt với những hạn chế về thể chế, chính sách nhất là chính sách khuyến khích, huy động hiệu quả các nguồn lực, thu hút đầu tư, phát triển liên kết vùng và các điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực đang làm giảm dần các động lực tăng trưởng của vùng. Cùng với đó, Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với thách thức rất lớn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún gây ngập lụt và tình trạng ô nhiễm không khí, suy giảm nguồn nước.
Cụ thể, mặc dù là khu vực có nguồn nước mặt đa dạng với hệ thống sông Đồng Nai và các sông hồ lớn ở phía Đông, tuy nhiên, kết quả điều tra và tính toán cân bằng nước của Bộ TN&MT cho thấy, dự báo đến năm 2030 Đông Nam Bộ sẽ thiếu hơn 2,5 tỷ m3, đến năm 2050 nhu cầu về nước của Vùng cho sinh hoạt, đô thị, công nghiệp, du lịch có xu hướng nhanh nhất trên cả nước (khoảng 112%). Cùng với đó, các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm gia tăng xâm nhập mặn, các hình thái thời tiết cực đoan, bất định và trái quy luật thông thường, lượng mưa mùa khô giảm, cùng với suy giảm thảm phủ rừng, nguồn sinh thủy ô nhiễm càng làm gia tăng các nguy cơ về an ninh nguồn nước.
Phát huy các nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với BĐKH
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị với 5 quan điểm, 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp là cơ sở để các cấp, các ngành thể chế hóa, triển khai các cơ chế thí điểm, xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện nhằm tạo các động lực mạnh mẽ cho vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng, tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại.
Trong tiến trình phát triển đó, nguồn lực tài nguyên phải được huy động, sử dụng hiệu quả cho trước mắt và lâu dài; giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường dựa trên chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới, sáng tạo, công nghệ hiện đại gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chủ động giải quyết các thách thức về an ninh nguồn nước, sụt lún, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu.
Vì vậy, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã tham mưu, đề xuất một số giải pháp quan trọng nhằm phát huy các nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó tập trung vào 3 nhóm vấn đề cụ thể:
Thứ nhất, Luật Đất đai sửa đổi đang được Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 10 năm 2023 sẽ tiếp tục đổi mới chính sách đất đai, tạp lập hành lang pháp lý cho quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; giải quyết tốt mối quan hệ Nhà nước - Thị trường - Xã hội trong phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả tạo động lực để phát triển. Vì vậy, Bộ trưởng đề xuất các tỉnh vùng Đông Nam Bộ cần tập trung phát huy tiềm năng của nguồn lực đất đai với tư cách vừa là nguồn tư liệu vừa là không gian phát triển. Trong đó tập trung triển khai công tác quy hoạch, phân bổ hợp lý, hài hòa nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quy hoạch hệ thống đô thị, các khu công nghiệp, dịch vụ, logistic,… gắn kết theo các hướng tuyến giao thông; phát huy tối đa hiệu quả đầu tư hạ tầng, tạo sức lan tỏa; kết nối không gian phát triển với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm khác.
“Đặc biệt, phải biến nguồn tài nguyên đất đai thành nguồn lực phát triển mạnh mẽ, phát huy được tối đa các nguồn lực từ đất đai cho phát triển nhằm nâng cao giá trị địa tô của đất đai đồng thời lấy chênh lệch địa tô và giá trị đất đai để thực hiện thành công đổi mới về hạ tầng đồng bộ và thích ứng với biến đổi khí hậu” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Thứ hai, cần tăng cường kết nối liên kết vùng, chia sẻ lợi ích với các địa phương ở khu vực thượng nguồn, vùng Tây Nguyên trong bảo vệ, bảo tồn, phát triển các nguồn sinh thủy, hệ sinh thái tự nhiên; hợp tác để chia sẻ nguồn tài nguyên nước quý báu.
Thứ ba, cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp; phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, xử lý các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng; thúc đẩy phát triển hạ tầng về môi trường, tái chế, xử lý chất thải, nước thải. Trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hướng tới đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Khai thác tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo. Tăng cường kết nối, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, đi đầu trong việc chuyển đổi năng lượng hóa thạch để thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính theo Chiến lược quốc gia về BĐKH.
Quy hoạch đô thị hóa bền vững, phát triển đô thị gắn với phát triển hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển không gian xanh, công trình xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, chống chịu với biến đổi khí hậu.
Tiềm năng và động lực phát triển của vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới được đánh giá là rất to lớn. Để những tiềm năng và động lực phát triển này trở thành hiện thực, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc xây dựng mối liên kết vùng chặt chẽ, đồng bộ hơn là vấn đề cần phải được giải quyết rốt ráo. Theo đó, muốn liên kết vùng Đông Nam bộ đạt hiệu quả cần phải giải quyết được 3 vấn đề. Trong đó, vấn đề lớn, quan trọng nhất là cần phải thiết lập một cơ chế vùng cụ thể để cùng nhau xây dựng Quy hoạch tổng thể trong phát triển vùng trong đó có cần có một tầm nhìn kết nối liên thông nhằm tăng cường sự tương tác phối hợp và giảm đi các vấn đề liên quan đến xung đột, chồng chéo. Cùng với đó, cần có “thể chế vùng” để quyết định được các vấn đề quan trọng của vùng đặc biệt là những dự án quan trọng mang tính động lực như là các quy hoạch về giao thông, đầu tư các dự án giao thông để kết nối liên vùng và kết nối nội vùng. Đồng thời cần phải bàn bạc và đưa ra một "tài chính vùng".
Bộ trưởng cũng tham mưu, đề xuất vùng Đông Nam Bộ cần đi đầu trong chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, đồng thời có thể đề xuất với Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù nhằm tạo không gian pháp lý phù hợp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.