“Vùng đất chết” thành khu du lịch sinh thái

11/10/2018 10:43

Giữa muôn trùng sóng nước, một khu rừng tái sinh bạt ngàn (thuộc Tiểu khu 72, Nông lâm trường Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) mọc lên với nhiều loài cây rừng, muông thú. Nơi đây đang trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan. Không nhiều người biết rằng, trong quá khứ, đây là “vùng đất chết” từng bị đe dọa xóa sổ. 

ong bay kiza
Ông Bảy Ách bên trong khu rừng bán ngập

Hồi sinh

Chiếc canô lướt nhanh trên sóng nước, tung bọt trắng xóa giữa lòng hồ thủy điện Cần Đơn, đưa chúng tôi đến khu vực rừng sinh thái với diện tích 54ha. Cả một không gian bao la của rừng bán ngập hiện ra với muôn loài gỗ lim đen, sao, mật... và đặc biệt là hàng chục hécta cây gáo vàng được trồng ở khu vực bán ngập của lòng hồ, nơi tiếp giáp với rừng tái sinh để giữ đất, chống xói mòn... 

Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ du lịch Bù Đốp Nguyễn Văn Ách (52 tuổi, thường gọi Bảy Ách, nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bù Đốp) cũng là kiến trúc sư của khu du lịch, cho biết, khu vực này trước đây là vùng bán ngập của lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Năm 2004, công trình đi vào sử dụng thì xảy ra tình trạng ngập nước, “ốc đảo” hầu như bị xóa sổ. Nhiều khu vực vì nước ngập không tới nên lâm trường Bù Đốp muốn trồng cao su, nhưng ông Bảy Ách kiên quyết muốn giữ lại để tái sinh rừng. 

Chỉ tay về phía khu vực rừng đầu nguồn, ông Bảy Ách phân tích: “Do là điểm đầu của rừng Bù Bốp, đơn vị tiền tiêu tiếp giáp với lòng hồ thủy điện Cần Đơn, nên nó có vai trò như một khu rừng phòng hộ xung yếu. Giữ được rừng tuyến đầu sẽ bảo vệ được các khu vực rừng phía sau”. Kiên trì và tâm huyết với rừng, đến năm 2009, ông Ách cũng thuyết phục được lãnh đạo địa phương giao rừng để trực tiếp quản lý và giữ. Do rừng tái sinh ba bề tiếp giáp với lòng hồ thủy điện (diện tích 19.000ha mặt nước) nên tình trạng xói mòn đất, nguy cơ “sa mạc hóa” dễ dẫn đến mất rừng. Ông Ách buộc phải tìm ra loài cây phù hợp để trồng ở vị trí bán ngập, mở rộng mật độ che phủ. Sau thời gian thử nghiệm, ông chọn cây gáo vàng. 

Năm 2012, từ 30ha trồng gáo vàng thành công, đến nay diện tích trồng đã lên tới 60ha, chưa kể dọc theo “ốc đảo” có khoảng 200ha cây gáo vàng cũng được trồng. Gỗ cây gáo vàng cho giá trị kinh tế khá cao, tạo độ che phủ để các loại thủy sinh phát triển. 

Tiếp tục lội bộ vào khu vực có nhiều cây lim đen to lớn, tán rộng che cả một góc rừng, ông Bảy Ách say sưa kể: “Hồi đầu cánh rừng chủ yếu là lồ ô và gỗ tái sinh đâm chồi sau nương rẫy. Dần dà những cây thân gỗ, tán lớn vươn lên mạnh mẽ, thay thế cho lồ ô. Rừng tái sinh có nhiều loại cây gỗ quý, với đủ kích thước. Có cây đường kính lớn vài người ôm không xuể như: gỗ mật, dầu, sao, giáng hương, lim đen. Khi cánh rừng hồi sinh thực sự, các bầy heo rừng, khỉ, nhím, voọc cũng tìm về trú ẩn”. 

Phát triển du lịch để giữ rừng 

Từ ý tưởng phát triển du lịch để giữ rừng, giờ đây, một màu xanh bạt ngàn đã thay thế cho một “vùng đất chết” từng bị đe dọa xóa sổ hơn 10 năm về trước. Chị Sầm Thảo Anh (27 tuổi, cán bộ quản lý khu du lịch) chia sẻ: “Với mong muốn con cháu xứ rừng phải hiểu biết về rừng nên ý tưởng phát triển khu du lịch sinh thái ra đời. Mặc dù cơ sở hạ tầng và vốn đầu tư còn eo hẹp nhưng đáng mừng là hàng năm, khu du lịch đón hơn 2.000 lượt khách đến tham quan. Với một “ốc đảo” xa xôi thì đây là tín hiệu đáng mừng”.

Theo chị Thảo Anh, hiện quỹ đất khá eo hẹp nên công ty đang xin chủ trương cho thuê đất đầu tư xây dựng hội trường, nhà khách, nơi lưu trú, bãi giữ xe...

“Gần đây, nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước đã đến khảo sát khu du lịch và mong muốn có một quỹ đất rộng lớn hơn nữa để xây dựng thêm hạng mục, nhằm lôi kéo nhiều đoàn du khách trong và ngoài tỉnh đến du lịch, lưu trú và tổ chức các sự kiện. Đây là chiến lược vĩ mô của công ty nhằm kết nối kinh tế vùng, miền”, chị Thảo Anh cho hay. 

Là người có hàng chục năm gắn bó với rừng nên ông Bảy Ách rất hiểu về lợi ích kép từ việc giao rừng cho các đơn vị du lịch. Vừa giao trách nhiệm giữ rừng, đồng thời ngược lại các đơn vị phải có nghĩa vụ đóng tiền thuê đất cho Nhà nước. Khi rừng được giao thì sẽ không cần lực lượng chức trách bảo vệ, góp phần giảm một nguồn kinh phí.  

Sau khi đã thành công với mô hình trồng rừng bán ngập, giờ đây Công ty Thương mại dịch vụ du lịch Bù Đốp đang quan tâm đến việc tái hiện các sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng qua những món ăn, trang phục, lễ hội..., để góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Vùng đất chết” thành khu du lịch sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO