Vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn: Nhiều tiềm năng, lắm âu lo

Anh Tú| 28/04/2021 16:03

(TN&MT) - Đúng 3 thập kỷ sau khi chia tách tỉnh Ninh Bình từ tỉnh Hà Nam Ninh (năm 1991) vùng đất bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn mới chính thức được “khai sinh”, được tiến hành đo đạc và có bản đồ địa giới hành chính. Thế nhưng vùng đất đầy tiềm năng, thế mạnh này hãy còn lắm âu lo.

Quản lý gặp khó

Vùng đất bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn được tính từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III, và từ đê Bình Minh III đến Cồn Nổi với tổng diện tích khoảng 7.000 ha. Khu vực này hàng chục năm qua là nơi sinh nhai của cả nghìn hộ dân nuôi trồng thuỷ hải sản thuộc các xã ven biển Kim Hải, Kim Đông, Kim Trung, Cồn Thoi huyện Kim Sơn.

Khu vực này từ những năm 2020 đổ về trước được xem là vùng đất nhiều “không”: không có quy hoạch chi tiết, không bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính… thế nên bà con chúng tôi không dám đầu tư lớn để nuôi trồng thuỷ hải sản vì nếu xây dựng bể nuôi, vượt lập hoặc xây nhà kiên cố là sẽ bị chính quyền địa phương xử phạt hoặc yêu cầu tháo dỡ ngay. Nhiều hộ xây bể nuôi hàu trái phép đã bị tháo dỡ, thậm chí chuồng trại đang dở dang cũng không hoàn thiện được vì trái quy định, bà Trần Thị Hạnh xã Cồn Thoi chia sẻ.

Tình trạng mua bán, chuyển nhượng đầm, bãi không thông qua cơ quan quản lý, xây dựng trái phép gây khó khăn cho công tác quản lý

Từ năm 1991 đến năm 2010 các hộ dân nuôi trồng thuỷ sản ở khu vực bãi bồi này được ký hợp đồng thuê với UBND huyện Kim Sơn, nhưng từ năm 2010 đến nay huyện không thu thuế nữa. Năm 2014 và năm 2017 có thông báo của huyện cho thuê thầu để nuôi trồng thuỷ hải sản nhưng thời hạn chỉ có 1 năm nên rất nhiều hộ cũng không mặn mà vì không đủ thời gian để chúng tôi đầu tư vào chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Đức, một hộ dân xã Kim Đông cho biết.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, tại thời điểm tháng 5/2017, qua khảo sát hiện trạng từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi, số chủ sử dụng chăn nuôi, đánh bắt thuỷ hải sản là 1.127 hộ. Vẫn còn tình trạng mua bán, chuyển nhượng đầm, bãi không thông qua cơ quan quản lý. Hơn nữa, trước năm 2010, UBND huyện giao cho các phòng của huyện, UBND các xã ven biển ký hợp đồng thuê thầu đất bãi bồi với người dân là không đúng quy định. UBND huyện ban hành Thông báo số 36/TB – UBND ngày 22/4/2010 về việc tạm dừng ký hợp đồng nuôi trồng thuỷ sản toàn bộ vùng này và giao cho Phòng NN&PTNT là cơ quan quản lý từ đó dẫn đến việc quản lý thiếu chặt chẽ.

Cùng với đó, đây là vùng có rất nhiều chương trình, dự án lớn đầu tư như: Dự án Cồn Nổi; dự án nạo vét cửa sông Đáy; dự án khu nuôi trồng thuỷ hải sản theo hướng công nghiệp khu vực ngoài đê Bình Mình II; dự án xây dựng cảng… Tuy nhiên, đến nay một số dự án không được triển khai hoặc dừng thi công gây khó khăn đến công tác quản lý vùng biển.

Khơi dậy tiềm năng

Vùng bãi bổi ven biển Kim Sơn có khá nhiều tiềm năng thế mạnh như: có Cửa Đáy, nơi giao thương buôn bán liên tỉnh tấp nập, có Cồn Nổi để phát triển du lịch, có đường ven biển nối liền Nam Định và Thanh Hoá, là vùng nằm trọn trong Khu Dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng với sự đa dạng sinh học phong phú, nhiều loài có tên trong sách đỏ thế giới, hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc sắc… Nhiều tiềm năng nhưng những năm qua vùng đất này dường như hãy còn “ngủ quên” chưa xứng với thế mạnh vốn có của nó.

Một góc vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn

Ông Trần Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Diện tích vùng bãi bồi sau khi đo đạc và hoàn thiện bản đồ địa chính, huyện đang tạm giao cho 3 xã ven biển cùng với 15 cán bộ thuộc Tổ công tác quản lý hành chính khu vực vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn thường xuyên bám sát địa bàn, quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng và địa giới hành chính. Từ 19/8/2020 đến nay không có trường hợp phát sinh vi phạm trật tự xây dựng. 

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Huyện uỷ Kim Sơn Đinh Việt Dũng cho biết: Thời gian qua, việc quản lý vùng bãi bồi kém hiệu quả là do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, đó là từ phía cơ quan quản lý chưa sát sao và hành lang pháp lý. Trước mắt, huyện giao cho các phòng, ban chức năng quản lý chặt chẽ việc xây dựng bể nuôi, nhà cửa kiên cố, vượt lập ao đầm trái phép, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con trên cơ sở tạo điều kiện cho người dân có kế sinh nhai.

Huyện Kim Sơn đang phối với các sở, ngành của tỉnh để sớm có quy hoạch chi tiết cho vùng đất nhiều tiềm năng này

Năm 2020, huyện đã bố trí kinh phí đo đạc toàn bộ khu vực bãi bồi ven biển từ đê Bình Mình II đến đê Bình Minh III (1791,79 ha), đê Bình Minh III đến Cồn Nổi (5.211,78 ha) với 11 tờ bản đồ địa chính. Hiện, huyện đang phối với các sở, ngành của tỉnh để sớm có quy hoạch chi tiết cho vùng đất nhiều tiềm năng này.

Trong tương lai, sau khi hoàn thành hồ sơ địa chính và dựa trên cơ sở quy hoạch chi tiết, sẽ đề xuất tỉnh xin ý kiến Chính phủ phân chia địa giới giao cho 3 xã Kim Trung, Kim Hải, Kim Đông để quản lý, đồng thời mở rộng địa giới hành chính và sớm có quy chế quản lý vùng bãi bồi.

Về định hướng phát triển, huyện đã xây dựng 3 – 4 phương án giải quyết trên cơ sở bản đồ hiện trạng để tiếp tục lập quy hoạch vùng trong đó bao gồm các ngành như: công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp với đó là giữ nguyên hiện trạng rừng ngập mặn để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với Cồn Nổi để phát triển “ngành công nghiệp không khói”. Khi quy hoạch sẽ ưu tiên tạo ra các hành lang phát triển bằng hạ tầng giao thông, tạo nên các khu đô thị, khu dân cư mới làm cơ sở để kêu gọi các nhà đầu tư, ông Dũng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn: Nhiều tiềm năng, lắm âu lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO