Vui Tết Độc lập trên cao nguyên Mộc Châu

Nguyễn Nga| 02/09/2022 06:40

(TN&MT) - Đã thành thông lệ, ngày 2/9 hằng năm, đồng bào dân tộc Mông cùng bà con các dân tộc khác ở khắp nơi đều tập trung về Trung tâm huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La để vui Tết Độc lập, cùng gặp gỡ, vui chơi, mua sắm và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Tết Độc lập là ngày hội lớn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh Sơn La.

Nét đẹp truyền thống văn hóa

Theo phong tục tổ tiên, đồng bào Mông chỉ ăn Tết một lần vào cuối năm dương lịch. Nhưng từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), người Mông đã rất trân trọng và coi đó là ngày Tết Độc lập của dân tộc. Vào dịp này, các gia đình người Mông thường treo cờ Tổ quốc, nô nức rủ nhau xuống thị trấn vui Tết. Mừng Tết Độc lập chính là cách người Mông dạy cho con cháu mình đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo niềm tin sắt son một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ.

xoe-thai.jpg

Những chàng trai, cô gái Thái mang đến lễ hội đường phố điệu xòe truyền thống.

Lên thăm cao nguyên Mộc Châu và tới các bản làng của người Mông vào những ngày này, đâu đâu cũng thấy không khí náo nức, vui nhộn của ngày Quốc khánh 2/9. Tết Độc lập là ngày hội lớn nhất của Mộc Châu, nhân dân các dân tộc từ bản gần đến bản xa cùng nhau đổ về Trung tâm huyện vui Tết. Những con đường quanh thị trấn tràn ngập sắc màu trang phục truyền thống của các dân tộc, tiếng khèn, tiếng trống, chiêng rộn rã. Dù chưa từng quen biết, nhưng đã đến đây thì mọi người đều là bạn, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, khoảng cách xa gần, cùng tâm sự, sẻ chia, cùng vui chơi trong không gian chan hòa, thân thiện và gần gũi của tình đoàn kết.

Để chuẩn bị cho ngày Tết Độc lập, người phụ nữ Mông thường dành hơn nửa năm để tự may cho mình và gia đình những bộ váy áo truyền thống mặc ngày Tết. Trang phục của người Mông chủ yếu may bằng vải tự dệt, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu, với những nét độc đáo về kiểu dáng, màu sắc hoa văn, làm nổi bật vẻ xinh đẹp, duyên dáng, sự khéo léo của người con gái dân tộc Mông.

Diện trên mình bộ quần áo truyền thống tươi đẹp, chị Mùa Thị Lụa (xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu) phấn khởi: Để có bộ quần áo mới mặc ngày Tết, mình đã dành 7 tháng để chuẩn bị, từng đường kim, mũi chỉ được tỉ mỉ may vá, chỉ mong sao có bộ quần áo đẹp nhất cho chồng con đi vui Tết.

Xúng xính váy áo xuống phố, cô bé Thào A Dia (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu) vui vẻ: “Hai năm vừa qua, do dịch bệnh nên chúng em không xuống huyện chơi Tết. Năm nay, dịch bệnh được kiểm soát rồi, chúng em đã hẹn nhau cùng đi chơi rừng thông bản Áng, tham quan cầu kính…”

a3-1(1).jpg

Đêm không ngủ…

Trước đây, ngày này còn được người dân Mộc Châu gọi với cái tên khá đặc sắc là “Đêm hội người Mông”. Gọi như vậy, bởi khi đó, tham gia ngày hội chủ yếu là đồng bào Mông ở Mộc Châu và một vài huyện lân cận tìm về, chưa có sự giao thoa đa dạng với các dân tộc và địa phương khác như ngày nay.

Tết Độc lập thường kéo dài từ ngày 28/8 đến ngày 2/9, nhưng đông vui nhất là đêm mùng 1/9. Đêm hôm ấy, những chàng trai, cô gái mới lớn xuống chợ tình Mộc Châu để tìm hiểu, hẹn hò, trao gửi lời yêu, nên duyên đôi lứa. Những cô gái diện trên người chiếc váy xòe rực rỡ, người con trai quần áo bảnh bao, khăn vuông quấn cổ, khèn vác ngang vai… Khi tiếng khèn gọi bạn của các chàng trai vang lên, những điệu múa hát đầy duyên dáng, tự nhiên của các chàng trai, cô gái trên đường phố là những nét văn hóa độc đáo mà ít nơi có được.

Còn với người Mông lớn tuổi, đây là dịp để họ tìm gặp lại người thân, bạn cũ, nếu từng yêu nhau mà không nên duyên thì cũng mong gặp lại nhau nơi phiên chợ, để thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống. Dường như cả đêm hôm đó bà con không ngủ, mọi người đi dọc các con phố trưng bày đủ loại hàng hóa, hoặc ngồi quây quần mời nhau uống rượu, hỏi han nhau thân thiết như thể người thân lâu ngày mới gặp. Họ chia sẻ với nhau đủ chuyện từ gia đình, làng xóm đến mùa màng, kỹ thuật canh tác…

Anh Giàng A Lao (xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu) vui vẻ: “Năm nay mình xuống chơi phố huyện từ 30/8. Đây là Tết của dân tộc mình, nên nhà ai dù bận mấy cũng thu xếp đến đây để vui chơi, gặp gỡ, cùng tham gia các hoạt động”.

a7(1).jpg

Sắc màu văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông.

Những năm gần đây, nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, huyện Mộc Châu đã đưa hoạt động đón Tết Độc lập của người Mông thành Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu, duy trì tổ chức thường niên. Tết Độc lập đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú... ở các địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh và cả ở nước bạn Lào cùng về đây vui tết.

Dư âm còn mãi…

Sau 2 năm tạm dừng tổ chức các hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm nay, Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu diễn ra từ ngày 28/8 đến hết ngày 2/9. Cao nguyên Mộc Châu được trang hoàng rực rỡ sắc cờ hoa, những dòng người từ mọi miền đổ về trung tâm huyện để tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí. Con đường Quốc lộ 6 nhiều khi ách tắc, nhưng ai đi qua cũng bị hấp dẫn bởi không khí náo nhiệt, tưng bừng, sôi động.

Bà Đinh Thị Hường - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu cho biết: Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện năm 2022 là dịp để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và phát triển tiềm năng du lịch, quảng bá, giới thiệu với du khách, bạn bè trong và ngoài nước về một Mộc Châu năng động, giàu tiềm năng, đậm đà bản sắc dân tộc và là điểm đến lý tưởng vùng Tây Bắc. Để đảm bảo cho ngày hội diễn ra thành công, UBND huyện Mộc Châu đã chỉ đạo các xã, thị trấn phổ biến kế hoạch đến các bản, tiểu khu và nhân dân cùng tham gia các hoạt động của ngày hội; đảm bảo công tác an ninh, trật tự; ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, giải tỏa hành lang an toàn giao thông…

Theo UBND huyện Mộc Châu, Ngày hội năm nay diễn ra với 12 hoạt động chính, gồm: Chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ giới thiệu miền đất, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu; vòng xòe đoàn kết các dân tộc; trại văn hóa các dân tộc; hội thi trình bày, giới thiệu ẩm thực dân tộc; thi trình diễn văn hóa cộng đồng; thi giã bánh dày; chợ thổ cẩm; trưng bày các sản phẩm nông nghiệp, du lịch huyện Mộc Châu…

Ngoài ra còn có các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại khu vực rừng thông bản Áng, xã Đông Sang và khu vực cửa khẩu Lóng Sập; Các tour tham quan du lịch đến các di tích, danh thắng, điểm tham quan du lịch như thác Dải Yếm, trải nghiệm khu du lịch Mộc Châu Island, trại du lịch bò sữa Dairy Farm, tham quan các đồi chè, mô hình trồng, sản xuất chè, rau quả sạch, hoa chất lượng cao; tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh như Hang Dơi, Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, đồn Mộc Lỵ…

Một trong những hoạt động đặc sắc nhất là lễ hội đường phố, tái hiện hoạt động văn hóa cộng đồng với các nghệ nhân, diễn viên tham gia biểu diễn dân ca, dân vũ, tấu nhạc cụ của các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao tại một số điểm trên tuyến đường Quốc lộ 6, đường nội thị huyện Mộc Châu. Mỗi dân tộc mang đến lễ hội một cách thể hiện, trình diễn nét đặc trưng riêng có của dân tộc mình. Nếu như đồng bào dân tộc Mông vui tươi trong điệu nhảy dẻo dai, tiếng khèn gọi bạn ngọt ngào, thì đồng bào dân tộc Dao mang đến những điệu múa chuông rộn rã, sinh động. Những cô gái người Mường dịu dàng, đằm thắm; những chàng trai, cô gái Thái với điệu xòe truyền thống…

Lần thứ 4 đến với Mộc Châu, nhưng với chị Hà Thị Huyền (tỉnh Tuyên Quang) mỗi lần lên thăm Mộc Châu lại mang đến những cảm nhận, trải nghiệm, những rung động khác nhau. Chị Huyền vui vẻ: “Nhận được thông báo năm nay có ngày hội, nhóm tôi có 10 người đã liên hệ đặt khách sạn từ đầu tháng 8. Đến Mộc Châu lần này, tôi thấy Mộc Châu ngày càng phát triển, không khí trong lành, nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thêm các điểm du lịch mới, đẹp, hấp dẫn”.

Còn anh Nguyễn Đức Toàn (Quảng Ninh), anh và gia đình đã rất háo hức cho chuyến đi Mộc Châu lần này. “Nghe bạn bè giới thiệu đã lâu, gia đình tôi rất muốn lên tham quan, trải nghiệm văn hóa các dân tộc nơi đây. Nhưng mấy năm qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chưa thực hiện được. Nhân dịp này được nghỉ phép, tôi đã đưa gia đình lên từ trước Ngày lễ, đến thăm, trải nghiệm các điểm du lịch cộng đồng, một số bản làng của người dân. Đồng bào nơi đây rất hiền hậu, mến khách, thân thiện. Các món ăn dân tộc rất ngon, hấp dẫn, hương vị độc đáo. Chắc chắn, chúng tôi sẽ còn quay lại với mảnh đất này” - anh Toàn chia sẻ.

Không chỉ du khách trong nước, cao nguyên Mộc Châu cũng hấp dẫn đông đảo khách du lịch nước ngoài. Anh Daniel Jones, du khách người Anh, rất vui và hào hứng khi được tham gia giã bánh dày, các trò chơi dân gian, được thưởng thức các món ăn dân tộc đa dạng về vị, sắc, hương.

Thoắt cái, những ngày Tết qua mau. Người dân các dân tộc trên vùng đất cao nguyên Mộc Châu lại trở về cuộc sống thường ngày với những thung lũng mận, đồi chè bao la, bát ngát. Nhưng dư âm niềm vui trong ngày Tết Độc lập, sự ấm no, hạnh phúc hôm nay thì còn mãi, luôn là động lực để bà con huyện Mộc Châu nói riêng và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói chung đoàn kết, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Họ bịn rịn chia tay, hẹn gặp lại nhau trong Ngày hội năm sau, để cùng sẻ chia vui buồn, nhìn lại một năm qua, cùng nâng chén rượu cay nồng, nắm tay nhau tham gia điệu xòe của tình đoàn kết…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui Tết Độc lập trên cao nguyên Mộc Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO