Liên quan đến vụ việc “Doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế xin nhận chìm hơn 700.000m3 bùn thải xuống biển” mà báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã liên tục phản ánh, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế (Công ty Hào Hưng Huế) vừa cho biết, sau khi không được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chấp thuận phương án nhận chìm bùn khi thực hiện dự án Bến số 3 Cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc), Công ty đã tính toán đưa ra 3 phương án tận thu vật liệu nạo vét.
Theo đó, phương án thứ nhất phía doanh nghiệp đưa ra là xin thăm dò các vị trí, khu vực quanh bến số 3 Cảng Chân Mây, nơi nào có cát sẽ bơm vào san lấp mặt bằng bến số 3. Công ty cam kết sẽ đóng đầy đủ các loại thuế, phí để tận dụng vật liệu nạo vét.
Phương án thứ 2 là khối lượng vật liệu nạo vét còn lại sẽ bơm vào bến số 4, số 5 bằng phương án làm kè xung quanh bến và sử dụng vải địa để chống tràn vật liệu nạo vét ra bên ngoài. Hiện doanh nghiệp đang triển khai hồ sơ thiết kế phương án này.
Phương án thứ 3 là nếu các phương án trên thiếu khối lượng cát và thiếu nơi chứa vật liệu nạo vét, Công ty Hào Hưng Huế xin tận thu vật liệu tại khu vực có ký hiệu KT1 và bơm vật liệu nạo vét vào lại khu vực này. Phía doanh nghiệp cam kết làm đúng phương án thiết kế và hồ sơ bảo vệ môi trường.
Trước đó, theo văn bản của Công ty Hào Hưng Huế gửi đến Bộ TN&MT và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện doanh nghiệp này đang gặp khó khăn về vị trí đổ 1,2 triệu m3 bùn nạo vét khi thực hiện dự án Bến số 3 Cảng Chân Mây.
Trên cơ sở đó, Công ty Hào Hưng Huế đưa ra phương án nhận chìm ngoài biển khoảng 715.000m3 bùn trong trường hợp không đổ được vật liệu nạo vét lên bờ. Vị trí dự kiến đổ bùn nằm cách bờ biển khoảng 3km.
Sau khi nhận được văn bản, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn trả lời yêu cầu Công ty Hào Hưng Huế không được phép đổ bùn thải xuống biển...; phải tiến hành đổ bùn thải lên bờ theo đúng vị trí, cam kết trước đó. Đồng thời, phải tuân thủ các quy định theo báo cáo tác động môi trường đã được Bộ TN&MT phê duyệt.
Như đã đưa tin, Dự án Bến số 3 Cảng Chân Mây (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) có quy mô 13 ha, trong đó diện tích bến bãi hơn 10ha và gần 3ha khu nước trước bến, chiều dài 270m, với tổng mức đầu tư gần 850 tỷ đồng, do Công ty Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2019. Khi hoàn thành, đây sẽ là cảng tổng hợp với kết cấu hạ tầng phục vụ cho dịch vụ hậu cần, đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải đường thủy có trọng tải đến 50.000 tấn ra vào.
Hiện nay, Bến số 3 cảng Chân Mây đang thi công các hạng mục cầu bến, đang đổ bê tông phân đoạn 1 dài 45m, trên tổng chiều dài 270m, hạng mục này dự kiến tháng 6/2019 sẽ hoàn thành; hạng mục kè bờ dài gần 1km đã thi công được trên 60% khối lượng.
Riêng hạng mục nạo vét khu vực trước bến và vũng quay tàu, luồng nhánh tàu, khối lượng bùn cát thải 1,2 triệu m3, hiện đã thi công được 20.000 m3. Dự kiến, khoảng 500.000 m3 bùn cát thải sẽ được đổ lên bờ và khu vực các bến lân cận. Khối lượng còn lại khoảng hơn 715.000 m3 bùn thải chưa biết đổ đi đâu.
Thời gian qua, vấn đề ô nhiễm môi trường một cách báo động tại khu vực cảng Chân Mây đã được báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường phản ánh nhiều lần, bởi nơi đây đã và đang có nhiều dự án được đầu tư và tất cả đều có chủ trương xin đổ bùn thải vào bờ... Ngoài dự án trên thì còn có Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 1, gói thầu số 14 và Dự án Bến số 2 - cảng Chân Mây.