Vụ thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép: Chủ đầu tư nói gì?

Văn Dinh| 18/11/2020 18:24

(TN&MT) - Chủ đầu tư của thủy điện Thượng Nhật thừa nhận đã có sự chậm trễ, sai sót trong điều hành nhà máy...

Nhà máy thủy điện Thượng Nhật nhiều lần tích nước trái phép

Liên quan đến việc thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) tích nước trái phép trong các đợt bão lũ vừa qua, ông Lê Văn Khoa, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện miền Trung Việt Nam - chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật cho biết, trong thời gian qua, kể từ cơn bão số 5 tới nay về mặt điều hành, quản lý công ty luôn tuân thủ chỉ đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong một số thời điểm doanh nghiệp phải đóng cửa van một phần để khắc phục sự cố, khơi thông dòng chảy.

“Do ảnh hưởng rất lớn của bão số 9 nên phần kênh xả nhà máy, ngầm qua suối tuyến đường vận hành nhà máy đã sạt lở, không bảo đảm an toàn lưu thông, vận chuyển phương tiện. Để bảo đảm công tác phòng chống bão số 13, từ 8h đến 8h50 phút ngày 13/11, chúng tôi đã mở 5 cửa van ở trạng thái mở không hoàn toàn để điều tiết nước về hạ du, bảo đảm an toàn để phục vụ chuyển lương thực vào nhà máy...”- ông Khoa nói.

Ông Lê Văn Khoa thừa nhận thời gian vừa qua chủ đầu tư đã có sự chậm trễ, sai sót trong điều hành. Công ty xin rút kinh nghiệm và sẽ khắc phục, mong được tạo điều kiện để sớm phát điện, có nguồn thu để bù kinh phí đầu tư, nộp ngân sách.

Ông Lê Văn Khoa (bên phải) thừa nhận có sai sót trong điều hành thủy điện

Ông Lê Thanh Hồ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông khẳng định chủ đầu tư nhiều lần không thực hiện theo quy định của tỉnh về việc mở hoàn toàn 5 của van trong phòng chống bão số 13. Buộc công an huyện phải kiểm tra theo dõi 24/24 giờ. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra rút lui thì thủy điện này vẫn tiếp tục đóng 4 cửa van.

“Vì sao rất nhiều văn bản, sở ngành, của huyện và kể cả trung ương nhưng không thấy công ty thực hiện, có ai chống lưng hay không thì tôi không biết"- ông Hồ nói.

Ông Hồ khẳng định, tại khu vực hồ thủy điện có rất nhiều vị trí sạt lở, kể cả đất màu, kể cả đất của dân cư và còn có một số hộ dân đang còn vướng mắc trong việc giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng. Địa phương không muốn gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng muốn đảm bảo an toàn tài sản của công ty, và tải sản tính mạng của người dân...

Về việc thủy điện Thượng Nhật đã ký hợp đồng bán điện cho Tổng công ty Điện lực miền Trung, ông Khoa nói rằng công ty được cấp giấy phép hoạt động điện lực, có hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên, công ty “chưa bán điện thường xuyên”.

Công an giám sát thủy điện Thượng Nhật

Liên quan đến sự việc, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đến thủy điện Thượng Nhật để thị sát hiện trường. Ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) khẳng định rằng chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật đã không tuân thủ hoặc chưa tuân thủ các quy trình, quy định. Trong đó rõ nhất là việc không tuân thủ các yêu cầu các quy định của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, quy trình vận hành.

“Theo Nghị định của Chính phủ về Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thì chúng tôi đã có thể xử phạt vi phạm hành chính ngay. Còn về giấy phép hoạt động điện lực, các anh nếu không duy trì các điều kiện theo quy định thì chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Công Thương thu hồi”- ông Bảo nhấn mạnh.

Ông Tô Xuân Bảo cũng yêu cầu chủ đầu tư bổ sung thêm 2 máy phát điện ở đập để xử lý khi sự cố đập xảy ra trong trường hợp mất điện. Cục cũng sẽ sẽ kiểm tra lại việc chủ đầu tư đã thực hiện đúng quy định theo báo cáo tác động môi trường hay chưa...

Hiện cơ quan chức năng đang xem xét xử lý các hành vi vi phạm của thủy điện Thượng Nhật.

Cơ quan chức năng kiểm tra thủy điện Thượng Nhật

Trước đó như đã phản ánh, theo công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 12/11, những hồ chứa chưa được phép vận hành như ở thủy điện Thượng Nhật buộc phải duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn, xả nước để phòng lũ.

Tuy nhiên, vào sáng 13/11, lực lượng công an xã Thượng Nhật phát hiện thủy điện này không chấp hành nghiêm túc việc duy trì 5 cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn để đón lũ liên quan ứng phó cơn bão số 13. Mực nước hồ tích ở cao trình 115m.

Ngày 14/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành công điện khẩn về việc đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du đối với nhà máy thủy điện Thượng Nhật. Trong đó giao Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Nam Đông, Công an xã Thượng Nhật bố trí lực lượng giám sát thủy điện trên, yêu cầu Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam vận hành mở 5 cửa van của nhà máy thủy điện này về trạng thái mở hoàn toàn. Đồng thời, phải có phương án đảm bảo an toàn tính mạng con người, tài sản của nhà máy.

Sau khi có công điện trên, phía chủ đầu tư mới chịu mở tất cả 5 van cửa xả của nhà máy. Công an huyện Nam Đông đã cử tổ công tác gồm nhiều cán bộ, chiến sĩ túc trực 24/24 giờ để theo dõi. Lúc bão số 13 đổ bộ thì cán bộ được rút về để đảm bảo an toàn vì khu vực này dễ sạt lở. Song đến ngày 15/11, lực lượng chức năng lại phát hiện thủy điện Thượng Nhật tiếp tục tích nước trái phép.

Trước đó, ngày 29/10, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung về việc không mua điện của nhà máy thủy điện Thượng Nhật cho đến khi được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép tích nước. Lý do mà Sở Công Thương Thừa Thiên Huế đưa ra là nhà máy thuỷ điện này không chấp hành nghiêm túc công điện khẩn ứng phó bão số 9.

Dự án Thủy điện Thượng Nhật có công suất 11MW, dung tích toàn bộ hồ chứa 17 triệu m3, kinh phí đầu tư khoảng 340 tỷ đồng do Công ty CP đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư. Được biết, thủy điện Thượng Nhật còn có nhiều vướng mắc trong việc đền bù mặt bằng cho người dân. Người dân cũng từng phản ánh việc nổ mìn thi công công trình thủy điện đã khiến hàng chục ngôi nhà rung lắc, xuất hiện những vết nứt ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép: Chủ đầu tư nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO