Liên quan đến vụ việc nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân nằm trong Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị ô nhiễm, đục ngầu... mà Báo Tài nguyên và Môi trường đang phản ánh, đơn vị cấp nước là Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) vừa tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại nhà máy nước Chân Mây, đồng thời tiến hành đối thoại với người dân.
Thăm, khảo sát nhà máy nước Chân Mây |
HueWACO xin lỗi, dân vẫn bức xúc
Tại buổi làm việc, ông Trương Công Nam - Chủ tịch HĐQT HueWACO thay mặt toàn thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên công ty gửi xin lỗi chân thành đến khách hàng về chất lượng cấp nước do sự cố vừa qua.
“Đây là sự cố ngoài ý muốn và là bài học đắt giá của công ty, chúng tôi cam kết không để xảy ra việc đáng tiếc như này nữa. Công ty sẽ luôn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến từ người dân, cơ quan chức năng liên quan để hoàn thiện hệ thống chăm sóc khách hàng và đảm bảo cấp nước an toàn và an ninh nước. Chúng tôi đang khắc phục, sớm ổn định cuộc sống cho người dân cũng như tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID - 19 đang diễn biến rất phức tạp và khó lường...”, ông Nam nói.
Lãnh đạo HueWACO đối thoại, xin lỗi người dân |
Ông Nam cho biết, năm 2001, HueWACO tiếp nhận Nhà máy nước Chân Mây từ dự án “nước sạch nông thôn”, với hệ thống hạ tầng nhiều hạng mục xuống cấp buộc công ty sau đó phải thi công lại và tốn kém khá nhiều, nâng công suất lên 8.000m3/ngày đêm để cấp nước cho toàn bộ người dân tại các xã Lộc Tiến, Lộc Vĩnh, Lộc Thủy và thị trấn Lăng Cô của huyện Phú Lộc. Một trong những hạng mục đã cũ và xuống cấp đó là bể lọc số 2. Cụ thể, bể lọc đã mục rữa ở phần đáy có độ sâu 2m, gây mất liên kết với phần đan lọc inox. Phần bông cặn chưa được lọc đã đi xuyên qua chỗ hỏng vào bể chứa và nhân viên không phát hiện kịp thời dẫn đến xảy ra sự cố nước đục. Ngay sau sự cố công ty đã nỗ lực khắc phục, đồng thời đã xin lỗi khách hàng trên kênh truyền hình địa phương...
“Công ty đã có kế hoạch khai thác nguồn nước từ núi Hải Vân (thị trấn Lăng Cô) và núi khe Thầy (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) nhưng người dân không đồng ý nên chưa thể thực hiện. Riêng suối Mơ (thị trấn Lăng Cô) thì tranh chấp do người dân làm du lịch nên cũng chưa thể lấy được nước. Liên quan đến việc lấy nước sông Thừa Lưu tại vị trí hạ nguồn, trước tình trạng thiếu hụt nguồn nước công ty buộc phải lấy nguồn nước tại hạ lưu dòng sông này để đảm bảo cung cấp đủ nước cho người dân vào mùa cao điểm nắng nóng. Việc sử dụng nguồn nước sông, HueWACO đã có công văn gửi huyện Phú Lộc, UBND các xã và Ban cấp nước an toàn tỉnh”, ông Nam thông tin.
Người dân cho rằng, việc khắc phục sự cố nước bẩn hiện nay của đơn vị cấp nước là rất chậm.
“Sự cố xảy ra hơn 2 tuần rồi. Người dân chúng tôi nộp tiền nước trễ 2 - 3 ngày các anh đã cắt nước và phạt tiền chúng tôi. Bây giờ các anh cung cấp cho chúng tôi nước bẩn thì các anh cũng phải bị xử phạt. Tôi yêu cầu HueWACO phải có trách nhiệm về sức khỏe của hơn 5 vạn con dân ở các xã vùng Chân Mây- Lăng Cô”, ông Trần Bá Ngọc (xã Lộc Thủy) bức xúc.
Nước được lấy từ sông Thừa Lưu vốn ô nhiễm khiến người dân lo ngại |
Việc lấy nguồn nước sông Thừa Lưu là vấn đề “nóng” mà dân muốn đề cập nhiều vì cho rằng nguồn nước này không đảm bảo.
“Con sông này ô nhiễm nhiều năm qua, nằm gần các đồng ruộng có nguồn nước bẩn do rác thải và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, sông cũng nằm cạnh mỏ đá đang khai thác bằng hình thức nổ mìn. Vì thế, chất lượng nước không đảm bảo cấp nước cho người dân. Mặt khác, hiện nay nước Suối Voi, Bồ Ghè thiếu, phải lấy nước sông Thừa Lưu, dù chất lượng nước không bằng, nhưng thiếu thì phải lấy và lấy cũng phải thông báo cho người dân biết. Quy chế dân chủ ở đây chưa được thực hiện bởi đơn vị cấp nước không trao đổi, thỏa thuận với người dân. Vì thế, khi xảy ra sự cố thì dân rất bức xúc. Tôi đề nghị các cơ quan bảo vệ môi trường cần phải vào cuộc để xử lý”, ông Trương Văn Túc, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Lộc Tiến chia sẻ.
Giảm tiền nước, sớm tìm nguồn thay thế
Cũng có mặt tại buổi khảo sát, đối thoại, Đại tá Lê Văn Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế trước hết cũng ghi nhận sự cầu thị, nhanh chóng huy động nhân lực khắc phục sự cố của HueWACO. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, đây là vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước. Hệ thống lọc nước gặp sự cố, HueWACO phải tập trung kiểm tra toàn bộ nhà máy, xử lý sự cố một cách nhanh nhất. Những hạng mục hư hỏng cần xử lý thay mới để nguồn nước cung cấp tới tận nhà dân được đảm bảo an toàn.
Việc khắc phục sự cố đang được HueWACO triển khai |
Trước tình hình thực tế, người dân không đồng thuận việc sử dụng nước sông Thừa Lưu để phục vụ cấp nước, lãnh đạo chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ công ty trong tìm kiếm các nguồn nước thay thế đảm bảo có nguồn phục vụ nhu cầu cấp nước. Công ty tính toán, bố trí nhà máy xử lý nước cơ động để cung cấp nước tạm thời cho người dân, đồng thời có giải pháp dài hơi để đảm bảo cấp nước lâu dài. Khi có sự cố cần nhanh chóng thông báo đến người dân và chính quyền địa phương để cùng chia sẻ, tính toán để có chế độ hỗ trợ cho người dân. Đồng thời, cảnh báo bà con đề cao cảnh giác trước tin đồn thất thiệt của các đối tượng xấu ảnh hưởng đến tình hình an trật tự.
“Cái nào có lợi cho dân, có lợi cho sức khỏe cộng đồng thì chúng ta làm. Bởi tôi biết rằng người dân không tin tưởng vào nguồn nước lấy từ sông Thừa Lưu, họ cho rằng quá trình sản xuất nông nghiệp nguồn nước ấy, môi trường nước ở đó đã bị ảnh hưởng do trong quá trình ảnh hưởng xử lý phun thuốc trừ sâu chẳng hạn. Đây là ý kiến của người dân vì vậy đề nghị HueWACO phải lưu ý ý kiến này. Vì đây là vấn đề sinh mệnh do đó chúng ta không thể bỏ qua ý kiến tha thiết của người dân”, ông Vũ nói.
HueWACO thống nhất hỗ trợ 40% chi phí tiền nước trong tháng 8 cho người dân, và cho hay sẽ gặp mặt mặt các hộ dân có phản ánh trên địa bàn để có hướng xử lý khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời cam kết chịu trách nhiệm chi trả tiền khám chữa bệnh cho người dân nếu do sử dụng nguồn nước là nguyên nhân mắc bệnh...
Thi công, lắp đặt trạm xử lý nước cơ động từ nguồn nước hồ chứa Thủy Yên |
Ông Trương Công Nam cam kết sẽ có chính sách đền bù thiệt hại cho người dân chứ không phải hỗ trợ. Đồng thời chia sẻ, công ty đang nỗ lực tập trung khắc phục sự cố, huy động nhân lực 100 công nhân làm 3 ca lắp đặt khẩn cấp 2 bồn lọc áp cơ động và tạm thời ngưng hoạt động bể lọc bị sự cố để bảo dưỡng, sửa chữa; lắp đặt sensor đo chất lượng nước trực tuyến liên lục 24/7. Đội ngũ công nhân, kỹ thuật cũng theo sát phản ảnh của khách hàng để tiến hành súc xả nước cho người dân, tiến hành thông rửa đường ống..., dự kiến hoàn thành trước ngày 10/8.
“Trước mắt, công ty đang tiến hành thi công một trạm xử lý nước cơ động tại thôn Thủy Yên, xã Lộc Thủy với 6 bồn lọc áp, thi công gần 2,9km đường ống D225 cấp nước tạm thời cho người dân. Đồng thời, công ty cũng đang xin ý kiến của huyện Phú Lộc và các đơn vị liên quan để có thể khai thác nguồn nước từ suối Mơ (thị trấn Lăng Cô), xây dựng nhà máy khoảng 2.000m3/ngày đêm. Khi hoàn thành trạm xử lý nước và nhà máy này mới có thể ngừng lấy nước sông Thừa Lưu. Về lâu dài, xây dựng nhà máy công suất 12.500 m3/ngày đêm ở hồ Thủy Yên là một phương án bền vững đang được khảo sát để gấp rút thực hiện”, ông Nam thông tin.