Liên quan đến vụ việc “Khai thác mỏ đá vôi ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế gây nhiều hậu quả” mà Báo Tài nguyên & Môi trường đã và đang thông tin, trao đổi với PV, ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, đầu tháng 12 này, UBND huyện cùng các ngành chức năng đã có buổi làm việc với các hộ dân bị ảnh hưởng về đất nông nghiệp do nổ mìn khai thác đá vôi của Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm.
Theo đó, thống kê của UBND xã Phong Xuân cho thấy, có trên 26ha lúa 2 vụ của 94 hộ gia đình thuộc 2 thôn Xuân Lộc và Xuân Điền Lộc bị mất nước và ảnh hưởng do khói bụi, đá văng. UBND huyện Phong Điền đã phối hợp với các xã tổ chức 4 cuộc họp với các hộ dân nhằm tìm hướng giải quyết, nhưng chưa có giải pháp phù hợp. Đây là cuộc họp thứ 5 do đích thân Chủ tịch UBND huyện chủ trì nhằm đưa ra giải pháp cuối cùng.
Bà Nguyễn Thị Đông - thôn Xuân Lộc chia sẻ, gia đình bà canh tác 4 sào lúa nhưng bị ảnh hưởng do tình trạng mất nước. Thời gian qua, bà đã chuyển đổi 1 sào lúa qua trồng màu, tuy nhiên không hiệu quả do mất nước nặng. 3 sào đất còn lại, bà tiếp tục trồng lúa, nhưng thiếu nước. Bà mong muốn UBND huyện tìm giải pháp thiết thực để gia đình bà có thể tiếp tục canh tác trên mảnh đất này nhằm ổn định cuộc sống.
“Gia đình tôi có 4 sào ruộng gần mỏ đá bị mất nước. Tuy nhiên, tôi không muốn chuyển đổi cây trồng, bởi cây lúa đã gắn bó với chúng tôi từ nhiều năm qua. Mong huyện tìm giải pháp để gia đình tôi tiếp tục canh tác, sản xuất trên mảnh đất này”- ông Trần Văn Bốn, thôn Xuân Điền Lộc trăn trở.
Tại cuộc họp, các hộ dân mong muốn huyện thu hồi các diện tích gần bờ đê mỏ, nơi mất nước nặng, có đá văng khi nổ mìn, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân khi canh tác. Một số vấn đề khác mà các hộ dân đưa ra là giải pháp thu hồi đất để cho đơn vị khác thuê sẽ như thế nào, phương án ra làm sao, người dân được hưởng lợi gì trong việc cho thuê đất. Phải chuyển đổi cây trồng qua cây gì là hợp lý, có hiệu quả nhất... cũng là mong mỏi của chung của người dân.
Ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định, trong số diện tích đất bị ảnh hưởng do việc nổ mìn của Công ty Xi măng Đồng Lâm, huyện đã đề ra giải pháp thu hồi 3,6ha đất sát bờ đê mỏ đá, bị ảnh hưởng mất nước nặng. Số diện tích 22,5ha còn lại, mất nước vừa và ít huyện đề nghị chuyển đổi quy hoạch từ trồng lúa nước sang các cây trồng khác với mục tiêu đảm bảo ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho bà con. Nếu người dân không canh tác và cho thuê, giá trị cho thuê phải bằng với mức lúa có năng suất cao nhất xã Phong Xuân.
“Về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện sẽ chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND xã Phong Xuân kiểm tra lại vùng đất với cây trồng phù hợp, giúp nông dân có hướng sản xuất cho kịp vụ đông xuân. Trong đó, tham mưu cho huyện về chính sách hỗ trợ kinh phí ban đầu cho người dân về cải tạo đất, về giống... Nếu người dân thu nhập chưa được như ý muốn, huyện và Nhà máy Xi măng Đồng Lâm sẽ đồng hành cùng người dân, trong đó hỗ trợ người dân (kể cả những hộ không sản xuất) với mức thu nhập bằng với thu nhập năng suất lúa cao nhất ở Phong Xuân và thêm 20% giá trị thu nhập (sau khi đã trừ các chi phí)”- ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hùng, về việc nổ mìn thì huyện sẽ làm việc với Nhà máy Xi măng Đồng Lâm để thông báo cho bà con rõ ràng giờ nổ mìn để giúp người dân tránh được những sự cố đáng tiếc trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn tính mạng.
“Huyện sẽ đồng hành cùng người dân trong việc chuyển đổi cây trồng theo từng vùng đất sao cho phù hợp. Trong đó, từng bước hỗ trợ người dân trong cải tạo đồng ruộng. Hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, bao tiêu sản phẩm... giúp người dân ổn định cuộc sống về lâu dài”- ông Hùng khẳng định.
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.