Trước đó, ngày 28/7, Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đăng tải bài viết: “Quảng Bình: Hàng chục ha rừng phòng hộ Quảng Trạch bị “xẻ thịt”, phản ánh về việc lâm tặc ngang nhiên mở đường vào phá hàng chục rừng phòng hộ và một diện tích rừng quốc phòng tại xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch.
Theo phản ánh của người dân địa phương, người được thuê vào phá rừng là ông Nguyễn Văn Mựu. Gặp ông Nguyễn Văn Mựu tại nhà riêng (thôn Lý Nguyên, xã Quảng Châu), ông Mựu thẳng thắn thừa nhận mình là người trực tiếp vào phá rừng. “Họ cho tôi vào khai thác thì tôi vào lấy thôi, nhà tôi làm nghề rèn nên tôi chặt về làm than, nghe nói đất đó chuyển cho Làng Thanh niên lập nghiệp rồi nên Làng cho tôi mới dám chặt,”. Khi PV đặt câu hỏi Làng Thanh niên lập nghiệp Quảng Châu có văn bản nào cho phép ông vào phá rừng hay không, thì ông Mựu cho hay: “Văn bản thì các anh lại hỏi nơi Làng Thanh niên lập nghiệp, họ có chứ”.
Như vậy, có thể thấy rằng Làng Thanh niên lập nghiệp Quảng Châu cho phép ông Mựu vào khai thác gỗ và phá nát nhiều diện tích rừng, trong đó phá sang cả diện tích rừng Quốc phòng.
Trao đổi với PV về sự việc này, ông Nguyễn Văn Lâm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quảng Trạch, cho rằng rừng phòng hộ đã được chuyển đổi và giao cho Làng thanh niên lập nghiệp Quảng Châu. Đồng thời ông Lâm cũng khẳng định việc cho người khai thác, tận thu gỗ khi chưa có phương án được các cấp thẩm quyền cho phép như vậy là sai với quy định. “Trước khi chuyển đổi đây là rừng phòng hộ, sau khi chuyển đổi sang rừng sản xuất thì giao cho Làng Thanh niên lập nghiệp. Theo quy định muốn tận thu gỗ thì phải có phương án, trình Hạt kiểm lâm, được sự chấp thuận của Chi Cục kiểm lâm, còn khai thác như vậy là sai quy trình, thủ tục. Hiện nay Hạt kiểm lâm đã đình chỉ, tổ chức kiểm tra, xử lý. Trong quá trình khai thác Làng thanh niên lập nghiệp Quảng Châu đã phát sang rừng thuộc Huyện đội Quảng Trạch quản lý”.
Trong khi đó, ông Hoàng Đình Vân, Phó giám đốc BQL rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch, khẳng định việc phá nhiều diện tích rừng đó đã giao cho Làng thanh niên lập nghiệp sau khi đã chuyển đổi sang rừng sản xuất. “Rừng đã giao Làng thanh niên lập nghiệp, có quyết định thu hồi đất của UBND huyện. Tiểu khu 167 đã chuyển đổi sang rừng sản xuất từ năm 2104. Trong đó, vị trí mở đường vào chặt phá là làng quản lý và chặt phá sang rừng Huyện đội. Năm 2006, thực hiện cấm mốc theo 3 loại rừng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Trước đây quy hoạch một số diện tích là rừng phòng hộ. Rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Quảng Trạch không phải chỉ do BQL rừng phòng hộ quản lý cả, nhiều tiểu khu, nhiều khoảnh cũng do xã quản lý. Khu vực chặt phá không phải mình quản lý. Đáng lẽ ra, rừng tự nhiên anh phải làm phương án, làm phương án chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng tự nhiên chuyển sang rừng sản xuất để giao cho bà con nhân dân, đây họ không xây dựng phương án. Phương án là tận thu, xử lý tài sản trên đất được các cấp thẩm quyền phê duyệt”
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, khi làm việc với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Đàm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND xã Quảng Châu cho biết việc chuyển đổi từ đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất không hề thông qua xã và nghị quyết Hội đồng nhân dân xã cũng chưa được thông qua.
“Vừa rồi xã Quảng Lưu bắt được một xe ô tô tải vận chuyển gỗ về xử lý. Làng thanh niên lập nghiệp họ phải có hồ sơ của họ trích đo, kiểm đếm, quy hoạch. Nếu chỗ rừng mà Làng thanh niên lập nghiệp vừa chặt phá đó đã giao cho họ thì đáng ra họ phải phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để có phương án tận thu gỗ và giải phóng mặt bằng, nhưng họ làm vậy là sai quy trình. Việc phá sang rừng Huyện đội quản lý là do Quảng Lưu họ đi kiểm tra thì phát hiện sớm không thì diện tích rừng bị phát lấn sang còn lớn nữa, phức tạp nữa. Tại vì mình cũng tin tưởng Làng thanh niên lập nghiệp là một cơ quan Nhà nước đóng trên địa bàn không nghĩ là họ sẽ tự ý làm trái cả, họ sát với rừng phòng hộ, rừng quân sự thì lẽ ra họ phải phối hợp với mình, đây họ lại đứng ra tự xử, sát tự làm. Ban quản lý làng thanh niên họ cho người ngoài vào chặt, thuê ông Mựu trong địa phương thì mình nghĩ là thuê vào để san gạt chứ không biết là vào chặt rừng quân sự”, ông Đàm Xuân Vinh cho biết.
BQL rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch, Hạt kiểm lâm huyện Quảng Trạch đều khẳng định, diện tích rừng bị phá đã chuyển đổi sang rừng sản xuất, và đã thực hiện giao cho Làng thanh niên lập nghiệp Quảng Châu. Tuy nhiên, lại không cung cấp được hồ sơ liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng của diện tích rừng này.