Liên quan đến việc “Đất rừng dân khai hoang, canh tác... bỗng biến thành đất của cán bộ tại huyện Phú Lộc - tỉnh Thừa Thiên Huế” mà báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh, tin từ lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc cho biết, đang hoàn thiện báo cáo để gửi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đó, sau khi nhận được thông tin phản ánh sự việc, ông Phan Văn Quang - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cùng nhiều đơn vị chức năng đã phối hợp với UBND huyện Phú Lộc trực tiếp về thôn Cảnh Dương để xác minh thông tin.
“Hiện UBND huyện Phú Lộc vẫn đang làm văn bản báo cáo chi tiết về vụ việc, sau khi nhận được báo cáo một cách đầy đủ thì chúng tôi sẽ thông tin lại”- ông Quang cho hay.
Phó Chủ tịch huyện nói việc cấp đất không sai!
Ông Hồ Trọng Cầu - Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc là một trong 15 người có liên quan đến 15 khu đất được cấp cho cán bộ trong vụ việc này.
Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Cầu cho biết vừa qua, ông đã cùng với đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và huyện Phú Lộc về hiện trường để xác minh, giải trình rõ vụ việc.
Theo ông Cầu, trong số những tổ chức công đoàn được giao đất rừng có Công đoàn Văn phòng UBND huyện Phú Lộc. Thời điểm đó ông Cầu (đang là Phó Chánh văn phòng) là người của công đoàn nên được giao đất với diện tích mỗi khu đất khoảng 1,6 ha. Vợ ông cũng trong diện như vậy.
“Theo Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định 02 của Chính phủ về hướng dẫn cấp đất lâm nghiệp thì công đoàn cũng được giao đất và cán bộ là đối tượng cũng được giao đất như người dân. Thời điểm đó chưa có Quy hoạch chi tiết Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nên nhiều người nói tôi cùng những anh em khác lợi dụng chức vụ để chiếm đất nhằm tư lợi là hoàn toàn không đúng. Việc chúng tôi được giao đất rừng là không hề sai mà đúng theo pháp luật. Hiện, huyện đang hoàn thiện báo cáo để gửi lên cấp trên trong thời gian sớm nhất…”- ông Cầu khẳng định.
Trước đó, ông Huỳnh Đăng Truyền (SN 1957, trú ở thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) phản ánh thửa đất mà mình đang canh tác hàng chục năm qua đã được cấp sổ đỏ cho người khác.
Cụ thể, gia đình ông Truyền cùng một số hộ dân đã đến khu vực ven biển thôn Cảnh Dương để sinh sống và lập nghiệp khoảng sau năm 1975. Đến năm 1993, lúc này trước nhà có khoảng trống hoang hóa trong vùng đất ven biển nên ông Truyền và các thành viên trong gia đình đã tận dụng để làm hồ nuôi cá, trồng tre xung quanh để tăng thêm thu nhập.
Năm 1995, ông Truyền viết đơn xin địa phương xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) thửa đất mình đang canh tác nhưng bị UBND xã Lộc Vĩnh từ chối với lý do đây là đất rừng do xã quản lý.
Dù không được cấp giấy nhưng gia đình ông vẫn tiếp tục trồng tre nhằm chắn gió biển khỏa lấp nhiều khoảng trống khu rừng, đồng thời trồng xen lẫn cây keo lá tràm. Sau nhiều năm gắn bó, thời gian gần đây ông Truyền tiếp tục viết đơn xin được cấp GCNQSD đất thì bất ngờ trước thông tin, những thửa đất mà mình đang canh tác đã được cấp sổ đỏ cho người khác.
Diện tích đất mà ông Truyền từng khai hoang, gắn bó và mong được cấp GCNQSD đất hiện đang đứng tên 2 người nguyên là cán bộ huyện Phú Lộc, trong đó có ông Phạm Viết Phong - nguyên là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc và ông Nguyễn Kim Trường - nguyên là Phó Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc.
Danh sách chủ 13 lô đất liền kề còn lại gồm các cá nhân sau: Hồ Trọng Cầu, Lê Thị Kim (vợ ông Cầu), Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Xê, Nguyễn Mãi, Phạm Xuân Thư, Nguyễn Kha, Lê Thị Xuân Mai, Trần Trai, Nguyễn Thị Xô, Trần Tuyết Lan, Dương Quang Kháng, Nguyễn Thị Nghị. Tổng cộng diện tích là 24.000m2 cho 15 lô.
Ông Lê Công Minh - Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, đã nhận được đơn xin cấp GCNQSD đất của ông Truyền nhưng UBND xã không xác nhận vì diện tích đất này đã được giao cho người khác từ năm 1995 và được cấp sổ đỏ từ năm 2010.
UBND xã Lộc Vĩnh thông tin, qua xác minh từ 1975-1986 thì khu vực rừng này do UBND xã quản lý. Từ năm 1986-1994 giao cho HTX Bình Dương tiếp tục quản lý và rừng trồng dương ven biển. Năm 1994, một cơn bão làm gãy đổ nhiều diện tích rừng dương, một số người dân lợi dụng chặt thêm rừng để làm củi đốt. Do quản lý không được nên HTX Bình Dương đã bàn giao lại cho UBND xã Lộc Vĩnh.
Thời điểm giao 24.000m2 đất rừng tại thôn Cảnh Dương là vào năm 1995. Lúc này đang trong quá trình thực diện dự án PAM, phủ xanh đất trống đồi núi trọc.
Ông Nguyễn Văn Tánh - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Lộc cho biết, qua xác minh, ở thời điểm đó giá trị kinh tế từ rừng thấp, người dân hầu như không quan tâm đến rừng. Để đạt chỉ tiêu tăng độ che phủ rừng theo dự án PAM nên phải giao rừng cho cán bộ quản lý và trồng rừng; do đó đã tiến hành giao toàn bộ diện tích trên cho tổ công đoàn UBND huyện Phú Lộc lúc bấy giờ quản lý, bảo vệ và trồng rừng. Để giao được đất cho các cá nhân, buộc phải phân lô; dựa vào số lượng thành viên công đoàn văn phòng UBND huyện lúc đó có 15 người nên chia thành 15 lô, mỗi lô 1,6 ha.
Theo Phòng TN&MT huyện Phú Lộc, ở thời điểm 1995 chỉ giao 15 lô đất rừng chứ không cấp GCNQSD đất; đến các năm 2009- 2011 mới làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận. Căn cứ vào biên bản giao, nhận đất rừng vào năm 1995 nên Phòng TN&MT huyện đã tiến hành cấp giấy chứng nhận cho các cá nhân có tên trong biên bản.
“Về giao đất cho cán bộ vào thời điểm 1995 vẫn được cho phép (chỉ đến năm 1999, khi Chính phủ ban hành Nghị định 163, quy định cán bộ không được giao đất). Về người ngoài địa phương được giao đất, theo Nghị định 02 năm 1994 của Chính phủ, quy định đối tượng được giao rừng là cá nhân, không phân biệt người trong hay ngoài địa phương. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Lâm nghiệp có Thông tư 06 năm 1994 hướng dẫn thực hiện Nghị định 02 của Chính phủ nêu rõ đối tượng được giao nhận đất là người địa phương, hoặc có tạm trú hợp pháp tại địa phương. Phòng đang rà soát lại các quy trình, quy định để báo cáo lãnh đạo huyện; nếu trường hợp cấp sai thì sẽ tham mưu các phương án xử lý”- ông Tánh nói.
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.