Vụ dân tố nhà thầu thi công hệ thống thu gom nước thải gây sụt lún đường: Giới kỹ thuật nói gì?

12/12/2018 15:14

(TN&MT) - Sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường có bài “Đà Nẵng: Dân tố nhà thầu thi công hệ thống thu gom nước thải gây sụt lún đường” phản ánh về tình trạng hư hỏng nặng một số tuyến đường nằm lân cận công trình đang thi công tại hồ Phần Lăng (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng). Lý giải về nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục tuyến đường này được như trước, giới kỹ thuật từ nhà thầu đến các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp không hề giống nhau? 

Việc thi công hệ thống thu gom nước thải bao quanh hồ Phần Lăng làm hư hỏng các tuyến đường lân cận nhưng không thấy sửa chữa, khiến dư luận rất bức xúc
Việc thi công hệ thống thu gom nước thải bao quanh hồ Phần Lăng làm hư hỏng các tuyến đường lân cận nhưng không thấy sửa chữa, khiến dư luận rất bức xúc
 

Như tin đã đưa, việc thi công hệ thống thu gom nước thải bao quanh hồ Phần Lăng (gói thầu 1.8), thuộc Hợp phần 1 - Dự án phát triển bền vững TP. Đà Nẵng. Giao Ban Quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng làm Điều hành dự án và nhà thầu trúng thầu thi công là Tổng Công ty Xây dựng số 1 - TNHH MTV (nay là Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP, tại 111A Pasteur, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) đã gây sụt lún, hư hỏng nặng ½ mặt đường cho các tuyến đường cận kề. Điều này làm nhếch nhác mỹ quan đô thị, tiềm ẩn mất an toàn giao thông và khiến dư luận bức xúc.

Cụ thể, ½ mặt đường đoạn tuyến Nguyễn Đình Tựu (từ đường nguyễn Phước Thái đến đường Hồ Tương) và đoạn tuyến Hồ Tương (từ đường Nguyễn Đình Tựu đến đường An Xuân 2) đều bị sụt lún, nứt toác,… nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng, một nửa mặt đường phía tiếp giáp với tuyến cống đang thi công bị trụt đất bên dưới, mặt đường bị hằn lún nhìn rất rõ. Tại đây, nhìn khung cảnh vô cùng nhếch nhác, nước mưa đọng công với nhiều cát, đá xây dựng vương vãi ... 

Sự cố lún, nứt hư hỏng đường chưa được khắc phục nhưng bó vỉa đường đã được thi công lại?
Sự cố lún, nứt hư hỏng đường chưa được khắc phục nhưng bó vỉa đường đã được thi công lại?
 

Vấn đề này không những gây mất mỹ quan đô thị còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Ngoài ra, còn làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây, khiến cho nhiều hộ dân trong khu vực cũng như người đi đường chịu cảnh nắng bụi, mưa bùn.

Giải thích về nguyên nhân gây ra tình trạng lún nứt đường trong thi công, một cán bộ, kỹ thuật trưởng của nhà thầu thi công (Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP) cho rằng, đơn vị đã thi công đúng thiết kế, trước khi thi công nhà thầu cũng có trình biện pháp thi công lên đơn vị tư vấn giám sát, cơ quan quản lý dự án và đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt thống nhất biện pháp thi công.

“Hệ thống đường ống thu gom nước thải được thiết kế chạy âm dưới đất rất sâu so với cos vỉa hè lề đường, để đào móng thi công đường ống, nhà thầu phải sử dụng cừ lá sen dài 9m (theo biện pháp thi công đã được duyệt) để ép cừ giữ thành vách của móng ổn định. Do địa chất bên dưới là bùn, nên khi rút cừ lá sen lên, có một lượng bùn lớn bám theo ở bụng cừ, làm cho bên dưới bị rỗng, khiến đất phía nền đường bị trụt ra, gây lún, nứt mặt đường nghiêm trọng”, vị kỹ thuật này phân tích.

Sử dụng cừ vây lá sen thấy không phù hợp với địa chất thực tế lúc thi công, nhưng không dừng để chọn lại giải pháp thi công mà vẫn tiếp tục thi công
Sử dụng cừ vây lá sen thấy không phù hợp với địa chất thực tế lúc thi công, nhưng không dừng để chọn lại giải pháp thi công mà vẫn tiếp tục thi công
 

Trả lời câu hỏi: tại sao lúc mới thi công đoạn đầu, phát hiện địa chất bên dưới là bùn và thấy tình trạng sụt, lún gây hư hỏng công trình lân cận như vậy không cho dừng ngay, báo cho Ban Quản lý dự án (BQLDA), đơn vị tư vấn giám sát cùng đưa ra giải pháp thi công khác đảm bảo an toàn cho công trình lân cận hơn? Vị kỹ thuật này nói, thi công được một đoạn thì đã phát hiện sự cố trên, đơn vị thi công có báo lên tư vấn giám sát, cũng như BQLDA nhưng thấy không nói gì nên đơn vị này tiếp tục thi công, kết quả không ngoài dự đoán là một nửa mặt đường của các tuyến lân cận bị trụt đất bên dưới, gây lún, nứt hư hỏng nặng.

Khi hỏi về biện pháp khắc phục lại các tuyến đường đã bị hư hỏng trên như thế nào? Vị kỹ thuật trưởng của Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP cho rằng, sau khi công trình thi công hoàn tất, đối với một số đoạn mặt đường bị lún, nứt hư hỏng, sẽ cho bóc một lớp nhựa bên trên (lớp bê tông nhựa mặt đường), sau đó thảm lại một lớp bê tông nhựa bù vào là oke. Chỉ làm được như vậy thôi, chứ làm đúng quy trình, đảm bảo khắc phục lại như đúng nguyên trạng thì chỉ có nước phá sản, vì sẽ rất tốn kém.

Người dân nơi đây đang lo lắng vì không biết nhà thầu có thực hiện đảm bảo trả lại một truyến đường như trước đây không, hay chỉ sửa chữa đối phó cho qua chuyện?
Người dân nơi đây đang lo lắng vì không biết nhà thầu có thực hiện đảm bảo trả lại một truyến đường như trước đây không, hay chỉ sửa chữa đối phó cho qua chuyện?
 

Về vấn đề này, một số chuyên gia trong Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng cho rằng, địa chất là bùn hay là gì đi nữa thì cũng có biện pháp thi công qua tính toán, lựa chọn phù hợp, không làm ảnh hưởng đến công trình lân cận. Thi công cừ vây lá sen thì hết 90% là sẽ gây trụt đất, vì khi rút cừ lên, cho dù không có bùn đất bám theo trong bụng cừ thì độ rỗng của bề dày cừ, cộng với chiều sâu ép cừ cũng làm cho đất trụt lún gây ảnh hưởng đến công trình lân cận.

Cũng theo một số chuyên gia, công tác khắc phục sửa chữa lại nguyên trạng đối với các đoạn đường bị ảnh hương, hư hỏng trên, về nguyên tắc có tốn kém bao nhiêu thì cũng phải làm. Không thể đánh giá hư hỏng bằng mắt thường, xong cho bóc và thảm bù một lớp bê tông nhựa mặt đường là xong. Làm như vậy chỉ giải quyết được bài toán mỹ quan, không giải quyết được bài toán kỹ thuật, khắc phục được tận gốc. Xử lý như vậy chỉ xoa dịu dư luận tức thời, một thời gian không lâu thì đoạn đường vừa khắc phục sẽ bị hư hỏng trở lại ngay.

Đường bị hư hỏng, nước đọng, cát, đá xây dựng vương vãi ra ngoài, làm nhếch nhác mỹ quan đô thị, tiềm ẩn mất an toàn giao thông
Đường bị hư hỏng, nước đọng, cát, đá xây dựng vương vãi ra ngoài, làm nhếch nhác mỹ quan đô thị, tiềm ẩn mất an toàn giao thông
“Để đưa ra được trình tự các bước thi công khắc phục tận gốc (trả lại nguyên trạng như ban đầu - PV) đối với các đoạn tuyến bị hư hỏng trên. Trước tiên cần phải cho khảo sát kiểm tra, thiết kế lại trên cơ sở hồ sơ thiết kế trước đó. Cụ thể: Cần cho khảo sát địa hình hiện trạng, khoanh vùng những vị trí bị ảnh hưởng. Tiến hành khoan khảo sát địa chất để kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng các lớp nền đường bên dưới. Có được kết quả địa chất, địa hình thì cho tính toán thiết kế lại dựa trên hồ sơ thiết kế cũ trước kia của các tuyến đường này. Sau khi hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công sửa chữa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nhà thầu thi công mới có cơ sở sửa chữa khắc phục”, vị chuyên gia này phân tích thêm.  

Các chuyên gia nhấn mạnh, để công tác khắc phục được đúng quy trình, đảm bảo trả lại cho người dân một tuyến đường nguyên vẹn như trước, là quyền lợi của người dân, nên công tác sửa chữa này sẽ được chính mỗi người dân nơi đây giám sát.

Tiếp nhận những thông tin cung cấp từ PV, ông Lương Thạch Vỹ - Giám đốc ban Quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng trả lời với chúng tôi một câu ngắn gọn “Nếu thời tiết không mưa thì sẽ xong trong tháng 12”. Vậy, nếu công tác khắc phục theo đúng quy trình, đúng theo trình tự mà các chuyên gia phân tích, đưa ra thì liệu trong tháng 12 này có sửa chữa xong không?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ dân tố nhà thầu thi công hệ thống thu gom nước thải gây sụt lún đường: Giới kỹ thuật nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO