Như báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh, sau vụ cháy 2 xe khách gây thiệt hại hàng tỷ đồng xảy ra vào ngày 20/11 tại Bến xe trung tâm TP. Đà Nẵng, dư luận không ngừng xôn xao và cho rằng chiếc xe PCCC tại bến xe này như đồ... "làm cảnh".
Ông Phạm Lợi - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý bến xe và dịch vụ vận tải khách TP. Đà Nẵng cũng thừa nhận, tại bến xe, việc phòng cháy là chính, còn chữa cháy thì đành phó thác cho lực lượng chuyên dụng của Phòng PCCC Công an TP. Đà Nẵng.
Tại Bến xe trung tâm TP. Đà Nẵng cũng không có vòi chữa cháy, không có tụ nước. Sau này, bến xe được xây một bể nước để phục vụ cấp nước cho xe chữa cháy chuyên dụng của công an. Về chiếc xe, vị Phó Giám đốc cũng thừa nhận xe đã "hết đát" 2 - 3 tháng nay. Xe không sử dụng và đang lên kế hoạch thanh lý để mua sắm phương tiện mới.
Dù rằng thừa nhận thực trạng đáng báo động trong công tác, hệ thống PCCC của bến xe là rất bết bát, nhưng chẳng rõ vì sao, vị lãnh đạo Công ty CP Quản lý bến xe và dịch vụ vận tải khách TP. Đà Nẵng này lại khẳng định, mỗi năm phòng Cảnh sát PCCC Công an TP. Đà Nẵng đều kiểm tra công tác PCCC tại bến xe 2 lần. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã khẳng định công tác PCCC tại bến xe đều đảm bảo theo quy định (?!).
Để làm rõ hơn những bất cập này, PV tiếp tục liên hệ đến phòng Cảnh sát PCCC Công an TP. Đà Nẵng để tìm hiểu thông tin. Một cán bộ đơn vị này cho biết, hiện Phòng đang phối hợp với các cơ quan chức năng khác xác minh, điều tra sau vụ hỏa hoạn 2 xe khách cũng như hệ thống PCCC tại bến xe TP. Đà Nẵng.
Vị cán bộ này cũng báo rằng hiện, lãnh đạo Phòng đang đi công tác. Do đó, PV có thể liên hệ lên Ban Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng để xin ý kiến.
Về vấn đề này, Đại tá Trần Đình Chung- Phó Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng phụ trách lĩnh vực PCCC và CHCN cho biết: "Chúng tôi đang cho kiểm tra, đánh giá trách nhiệm của các đơn vị, khi có thông tin chính thức sẽ trao đổi sau”.
Trong khi đó, theo một chuyên gia pháp lý ở TP. Đà Nẵng, tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 79/2014/NĐ-CP có quy định bến xe cấp tỉnh có tổng diện tích các gian hàng từ 300m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000m3 trở lên phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây: Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở. Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở. Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
Ngoài ra, có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 21 Nghị định này. Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của bộ Công an. Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này. Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của bộ Công an.
Như vậy, đối chiếu với quy định trên thì hệ thống và công tác PCCC của Bến xe TP. Đà Nẵng hoàn toàn chưa đạt so với yêu cầu.