Liên quan đến vụ việc “Cát tặc lộng hành xuyên đêm trên sông Hiếu - tỉnh Quảng Trị” mà báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường vừa phản ánh, chiều 28/5, ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh kiểm tra tình hình khai thác cát, sỏi cũng như sạt lở hai bên bờ sông Hiếu và sông Thạch Hãn.
Theo đó, đoàn đã di chuyển bằng tàu dọc theo sông Hiếu và sông Thạch Hãn (đoạn thuộc địa phận TP. Đông Hà, huyện Triệu Phong và huyện Gio Linh) để tiến hành kiểm tra.
“Đề nghị các lực lượng, các ngành, các địa phương kiểm tra cụ thể. Phát hiện có sai phạm: bến bãi trái phép, tàu không đăng ký, khai thác khoáng sản trái phép thì phải xử phạt, đình chỉ, tịch thu. Không thể để xảy ra tình trạng đẩy đuổi chỗ này lại chạy đến chỗ khác được, đậu ban ngày rồi ban đêm khai thác lậu...”, ông Chính chỉ đạo quyết liệt như vậy khi thấy 2 tàu bê tông đậu sát bờ của một bãi tập kết cát ở phường Đông Giang - TP. Đông Hà.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị còn yêu cầu các đơn vị, các lực lượng và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định, không khai thác cát sạn trái phép; phải luôn trong tư thế sẵn sàng, trường hợp người dân, báo chí phản ánh thì phải kịp thời kiểm tra, xử lý.
Đi cùng đoàn công tác, đại diện ngành công an, Sở TN&MT Quảng Trị cho biết, do tăng cường tuần tra, chốt chặn ráo riết trong thời gian qua nên việc khai thác khoáng sản trái phép trên sông bằng các tàu lớn, tàu bê tông đã được hạn chế, khắc phục. Chỉ còn một số tàu, thuyền nhỏ lợi dụng đêm tối, địa hình sông nước và canh chứng lực lượng chức năng thì tổ chức khai thác lén lút, khi bị truy bắt thì bỏ chạy hoặc trút cát xuống sông...
Về sạt lở bờ sông, lãnh đạo Sở NN&PTNN báo cáo rằng tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, khó lường, quy mô và tốc độ càng gia tăng với tổng chiều dài 8,8km. Điều này ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đe dọa sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của người dân cùng nhà ở và các công trình khác.
Ông Nguyễn Đức Chính yêu cầu Sở NN&PTNT và chính quyền các địa phương tiếp tục kiểm tra, theo dõi; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó đồng thời hoàn tất đề án “Ứng phó tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển thích ứng vố biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Ngoài kiểm tra thực địa tình hình khai thác khoáng sản, sạt lở bờ sông, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng các sở, ban ngành cũng kiểm tra các địa điểm trồng rừng ven sông, ở cửa biển; khảo sát các địa điểm 2 bên bờ sông để có thể đưa vào khai thác dịch vụ, du lịch trong thời gian tới.
“Tỉnh sẽ xem xét báo cáo, nghiên cứu của Sở VHTT&DL và các ban ngành, sẽ họp và làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp về các dự án khai thác du lịch trên sông và 2 bên bờ. Tiềm năng du lịch ở đây cũng phong phú nhưng cơ bản chưa được khai thác”- ông Chính nói.
Như đã phản ánh, thời gian vừa qua do nhu cầu xây dựng lớn và lợi nhuận “cát lậu” tăng cao nên vấn nạn khai thác cát trái phép tại tỉnh Quảng Trị, mà cụ thể là khu vực sông Hiếu (thuộc phường Đông Giang, TP. Đông Hà) và ngã ba Gia Độ (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) diễn ra hết sức phức tạp và nhộn nhịp như ở chốn không người.
Sau khi nghiên cứu đường đi, vị trí, phương thức hoạt động của “cát tặc”, khoảng 23h khuya 16/5 vừa rồi, PV cùng một số đồng nghiệp và người dân đi dọc theo cầu vượt sông Hiếu (đang thi công) và khu vực ngã ba Gia Độ.
Tại đây, trong không gian tối mịt, có không ít tàu thuyền đang hút cát và di chuyển liên tục không ngừng nghỉ. Trời càng khuya, đồng hồ chỉ sang ngày mới. Sương xuống ngày một nhiều hơn. Lúc này là khoảng thời gian cao điểm để các thuyền đua nhau cắm “vòi rồng” xuống sông hút cát lên. Cứ như thế, trong chốc lát có hàng chục lượt ghe hút cát rồi đưa về các bãi tập kết. Tiếng máy, tiếng gầm rú vang xa cả khúc sông. Tàu thuyền sẽ đi theo hướng xuôi về cầu Đông Hà (TP. Đông Hà) để đẩy cát, sỏi lên các bãi tập kết và sáng hôm sau chở đi tiêu thụ.
“Đêm nào cũng nghe cát tặc làm dưới sông mà máy cứ nổ xẹc xẹc mãi. Nó (cát tặc - PV) hoạt động tầm vào khoảng 22h30 đến 4h sáng, buổi ngày thì không thấy làm, mà cứ khuya khuya tôi đi ngủ là nghe làm xẹc xẹc mà tôi không tài nào ngủ được, điên cả đầu...”, một người dân đang làm bảo vệ công trình cầu vượt sông Hiếu chia sẻ.
Việc khai thác “cát lậu” diễn ra nhức nhối từ nhiều năm qua tại Quảng Trị gây nên bao hệ lụy khiến người dân địa phương rất bất bình. Thậm chí, ở một số tuyến đường mà “cánh” xe tải thường xuyên lưu thông như ở phường Đông Giang và xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong), người dân còn mang gốc cây, vật cản đường ra để chặn lại không cho xe tải qua về...
Cũng theo tìm hiểu, nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các thuyền khai thác cát trái phép tại sông Hiếu và ngã ba Gia Độ còn gắn thêm các thiết bị, bộ phận giảm âm thanh vào các máy khai thác. Điều này cho thấy “cát tặc” ngày càng trở nên tinh vi, manh động hơn.
Được biết, hiện trên các tuyến sông lớn ở tỉnh Quảng Trị như sông Hiếu, sông Thạch Hãn phía hạ nguồn tập trung khoảng 50 bãi tập kết cát sỏi (trong đó chỉ có hơn 10 bãi có giấp phép), khoảng gần 50 phương tiện thủy khai thác cát sỏi. Trên các sông ở tỉnh Quảng Trị cũng chỉ có 3 mỏ khai thác cát.
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.