Theo ông Đinh Sỹ Khánh Vinh – Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An, cho hay, sau khi nhận được thông tin cá chết nổi lên hàng loạt ở sông Con, đoạn chảy qua huyện Tân Kỳ thì Chi cục đã nhanh chóng phối hợp với lực lượng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Nghệ An), Phòng TN&MT hai huyện Tân Kỳ và Nghĩa Đàn để nhanh chóng kiểm tra, xác minh để làm rõ thông tin trên.
Sông Con, đoạn chảy qua huyện Tân Kỳ nơi xuất hiện cá chết bất thường |
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An thì qua quá trình “truy vết” vào thời điểm đó không phát hiện nhiều vấn đề bất thường cũng như nghi vấn đơn vị nào gây ra hiện tượng trên. “Chúng tôi đã kiểm tra 5 nhà máy, cơ sở sản xuất ở đầu nguồn sông Con có nghi vấn về khả năng xả thải hoặc tác động đến nguồn nước sông Con khiến cho cá chết nhưng vẫn chưa có nhiều manh mối. Trong quá trình đi dọc dòng sông thì đoàn kiểm tra đã lấy mẫu nước tại 4 vị trí khác nhau để về phân tích quan trắc các chỉ số để “khoanh vùng” khu vực nghi ngờ” - ông Đinh Sỹ Khánh Vinh – Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An, thông tin.
Nhiều loại cá tầng đáy chết không rõ nguyên nhân |
Còn văn bản số 1722/STNMT-BVMT, ngày 05/4/2021 của Sở TN&MT tỉnh Nghệ An báo cáo UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ: Ngày 22/3/2021, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 1442/STNMT-BVMT gửi UBND tỉnh báo cáo về việc hiện tượng cá chết bất thường trên sông Con, trong đó có nội dung Sở đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường Nghệ An tiến hành lấy 4 mẫu nước tại các vị trí khác nhau trên sông Con, xung quanh khu vực phát hiện cá chết bất thường để phân tích, đánh giá chất lượng nguồn nước..
Theo đó, ngày 19/3/2021, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường Nghệ An đã lấy 4 mẫu nước tại 4 vị trí khác nhau. Gồm mẫu M1 tại sông Con, khu vực bến cát Hải An, xóm Cầu Sen, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ; Mẫu M2 tại Cầu Leo, Khe Đục, xóm 1, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ; Mẫu M3 tại điểm xả cuối Khe Đục, gần hàng rào xưởng chế biến tinh bột sắn Phan Văn Trạch, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn và mẫu M4 tại Khe Đục phía thượng lưu so với xưởng chế biến tinh bột sắn Phan Văn Trạch, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn.
Sau khi có hiện tượng cá chết, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra |
Kết quả phân tích và đánh giá so sánh với QCVN 08-MT:2015/BTNMT các thông số đặc trưng như PH, DO, BOD5, COD, TSS, CN, tổng ni tơ, tổng P, Caliform thì tại cột B1 cả 4 mẫu nước mặt với các thông số nêu trên đều nằm trong giới hạn cho phép.
Só sánh với cột A2 thì mẫu M1 có thông số TSS vượt 1,23 lần; mẫu M2 có thông số COD vượt 1,36 lần, TSS vượt 1,33 lần; Mẫu M3 có thông số COD vượt 1,21 lần; Mẫu M4 có thông số COD vượt 1,1 lần.
Từ kết quả trên, đối chiếu với số liệu lưu trữ của 3 điểm quan trắc nước mặt thuộc mạng lưới quan trắc mạng định kỳ hàng năm trên song Con (đoạn chảy qua thị xã Thái Hòa, đến xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ), về cơ bản chất lượng nước tại 4 điểm lấy mẫu không có biến động nhiều so với hiện trạng nguồn nước lấy trước khi xuất hiện hiện tượng cá chết.
Báo cáo chất lượng nước tại 4 điểm lấy mẫu không có biến động nhiều so với hiện trạng nguồn nước lấy trước khi xuất hiện hiện tượng cá chết |
Trước đó, Báo TN&MT đã đưa tin, từ ngày 18/3, các loại cá ngạnh, trôi, trắm... chết nổi rải rác trên sông Con đoạn qua xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Bình, Nghĩa Hợp thuộc địa phận huyện Tân Kỳ. Đến sáng 19/3, tình trạng này vẫn diễn ra ở hạ lưu các xã Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn, Tân Long (huyện Tân Kỳ). Một số người dân chèo thuyền, dùng vợt vớt cá đưa về làm thức ăn gia súc. Theo phản ánh, đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Con.
Cũng cần phải nói thêm rằng, với kết quả phân tích quan trắc nêu trên thì không có hiện tượng bất thường về nguồn nước tại thời điểm lấy mẫu. Vì vậy, nguyên nhân cá chết bất thường trên sông Con vẫn chưa thể có câu trả lời cuối cùng.