Trả lời câu hỏi “Vì sao Agribank Bình Giang lại bán tài sản thế chấp của khách hàng một cách dễ dàng như vậy?”, Luật sư Nguyễn Hà Luân - Trưởng Văn phòng luật Hưng Đạo Thăng Long phân tích: Mặc dù điều khoản 4.3.1 trong Hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất số 260413, ngày 26/4/2013 cho phép “Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày đến hạn trả nợ, Cty Đại Phát phải chủ động phối hợp với Agribank Bình Giang để bán tài sản thu hồi nợ. Quá thời hạn trên, Agribank Bình Giang được quyền bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ mà không cần ý kiến của Cty Đại Phát”. Nhưng cũng trong hợp đồng này, điều khoản 4.3.4 lại quy định “Nếu Agirbank Bình Giang muốn bán tài sản của Cty Đại Phát thì phải lập Biên bản định giá lại tài sản thế chấp cùng với Cty Đại Phát tại thời điểm gần nhất”.
Bên cạnh đó, tại Điều 5 của Hợp đồng thế chấp tài sản số 260413 ngày 26/4/2013 nêu rõ: “Các bên trực tiếp thương lượng để giải quyết các tranh chấp phát sinh trên tinh thần thiện chí, tôn trọng quyền lợi hợp pháp của mỗi bên. Trường hợp không giải quyết được thì mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng hoặc có liên quan tới hợp đồng sẽ được yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết”.
Ngoài ra, theo Luật Đất đai 2003, tại mục b, khoản 1, Điều 111 chỉ cho phép các tổ chức kinh tế có quyền sử dụng đất thuê mang đi “Thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam để vay vốn sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Chính vì vậy, tại Điều 1 của hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất nêu trên chỉ ghi: “Các tài sản thế chấp chỉ là 11 hạng mục Nhà cửa vật kiến trúc được xây dựng gắn liền với thửa đất” không có gì là khó hiểu bởi thửa đất có diện tích 7.600 m2 đất của Cty Đại Phát tại xã Tân Hồng – huyện Bình Giang – tỉnh Hải Dương được UBND tỉnh Hải Dương cấp GCNQSDĐ số AE069500 ngày 17/10/2006 chỉ là đất thuê có thời hạn 25 năm, trả tiền thuê đất hàng năm, không được phép mang đi thế chấp.
Luật sư Nguyễn Hà Luân cho rằng, trong vụ việc này, quy trình thủ tục phát mại tài sản của Agribank Bình Giang là có vấn đề, việc Agribank Bình Giang cố tình bán tài sản của Cty Đại Phát thông qua Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương và bàn giao tài sản thế chấp cho người trúng đấu giá là hành vi hoàn toàn trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật cũng như Hợp đồng đã ký giữa hai bên.
“Nếu muốn, Cty Đại Phát có quyền “Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện Agribank Bình Giang về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai” – Luật sư Luân cho biết thêm.
Báo TN&MT tiếp tục thông tin về vụ việc.
Công ty Đại Phát (có trụ sở tại CCN Tân Hồng, xã Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương) kinh doanh chủ yếu là sản xuất các sản phẩm từ nhựa. sản xuất xốp cách nhiệt và bao bì bằng xốp. Do cần vốn kinh doanh, Công ty Đại Phát ký hợp đồng vay vốn với Agribank Bình Giang để vay 7.5 tỷ đồng ( đã trả được 500 triệu đồng tiền gốc). Để vay được hai khoản trên, ngày 26/4/2013, Công ty Đại Phát có kí hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất số 260413 cho Agribank Bình Giang. Theo đó, toàn bộ 11 hạng mục là Nhà cửa vật kiến trúc mang đi thế chấp đều được xây dựng gắn liền với thửa đất có diện tích 7.600m2 đất của công ty. Nhưng vì việc kinh doanh không được thuận lợi dẫn tới khoản vay bị quá hạn trở thành nợ xấu từ ngày 26/1/2015. Hai tháng sau (ngày 27/3/2015), Agribank Bình Giang đã gửi thông báo “kết quả bán đấu giá tài sản thế chấp để trả nợ ngân hàng” cho Công ty Đại Phát. Qua đó, toàn bộ 11 hạng mục nhà cửa vật kiến trúc và thửa đất 7.600m2 của Công ty Đại Phát đã được bán đấu giá thành công 7,7 tỷ đồng. |
Mạnh Hưng