Vụ 8B Lê Trực: Chủ đầu tư không tự phá dỡ phần vi phạm thì sẽ bị cưỡng chế

13/11/2015 00:00

(TN&MT) - Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản chính thức về phương án, giải pháp tháo dỡ phần công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng tại dự án số 8B Lê Trực, quận Ba Đình.

Theo đó, trường hợp chủ đầu tư tự dỡ bỏ công trình sai phạm thì chủ đầu tư có trách nhiệm: thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực phù hợp để lập phương án, giải pháp tháo dỡ công trình và cũng phải thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực phù hợp để thực hiện thẩm tra phương án, giải pháp tháo dỡ; sau đó báo cáo UBND quận Ba Đình và Phòng Quản lý đô thị của quận để xem xét, cho ý kiến  trước khi chủ đầu tư tổ chức phê duyệt phương, giải pháp phá dỡ.

Trong trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ phần công trình vi phạm, thì sẽ bị cưỡng chế. Theo đó, UBND quận Ba Đình sẽ chỉ định đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực phù hợp (được công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng: http://xaydung.gov.vn) để lập phương án, giải pháp tháo dỡ phần công trình vi phạm.

Vụ 8B Lê Trực: Chủ đầu tư không tự phá dỡ phần vi phạm thì sẽ bị cưỡng chế
Vụ 8B Lê Trực, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ phần vi phạm thì sẽ bị cưỡng chế. Trong ảnh: Công trình 8B Lê Trực nằm phía sau Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

UBND quận Ba Đình cũng sẽ thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực phù hợp để thực hiện thẩm tra phương án, giải pháp tháo dỡ này; sau đó UBND quận  sẽ tổ chức phê duyệt. Chủ đầu tư phải tự chịu mọi chi phí lập, thẩm tra phương án, giải pháp tháo dỡ.

Các nội dung yêu cầu, lập phương án, giải pháp; thẩm tra, phê duyệt phương án phá dỡ: Phải thể hiện phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép XD được cấp; Nội dung, phương án, giải pháp tháo dỡ phải bảo đảm an toàn về kỹ thuật, chịu lực của kết cấu công trình trong và sau khi phá dỡ cũng như bảo đảm về an toàn sử dụng,  mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường, phòng chống cháy nổ… theo quy định.

Ngoài ra, phương án, giải pháp tháo dỡ phải thể hiện được các biện pháp, trình tự, quy trình phá dỡ, các trang thiết bị, máy móc phục vụ tháo dỡ, biện pháp che chắn để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cho công trình và các công trình liền kề, phương tiện, thiết bị, con người tham gia giao thông quanh khu vực trong suốt thời gian tháo dỡ…

Công văn cũng nêu rõ: Sở Xây dựng Hà Nội hướng dẫn các nội dung trên để UBND quận Ba Đình được biết và hướng dẫn  chủ đầu tư thực hiện. Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng yêu cầu chủ đầu tư dự án 8B phố Lê Trực phải nộp phương án phá dỡ theo cam kết trước 17h ngày 15/11 tại UBND phường Điện Biên.

Như Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin, sáng 3/11, báo cáo trước Quốc hội về những sai phạm tại dự án 8B Lê Trực, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phân tích: Công trình xây dựng 8B Lê Trực được UBND TP Hà Nội cho phép và Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép phía trước cao 44m, phía sau cao 33m. Nhưng trong quá trình xây dựng Công ty may Lê Trực đã xây dựng cao tới 69m, vượt quá cao so với giấy phép mà Sở Xây dựng Hà Nội cho phép (cao hơn 25m - PV).

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, từ vụ việc sai phạm ở 8B Lê Trực, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo địa phương tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng đặc biệt là quản lý đô thị, đặc biệt ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bộ Xây dựng với tư cách cơ quan quản lý thống nhất sẽ phối  hợp với các địa phương rà soát, xử lý nghiêm những trường hợp xây dựng trái phép, vi phạm pháp luật gây bức xúc dư luận nhân dân, để góp phần công tác quản lý xây dựng được tốt hơn” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Hải Ngọc – Châu Tuấn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ 8B Lê Trực: Chủ đầu tư không tự phá dỡ phần vi phạm thì sẽ bị cưỡng chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO