Vô tư lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Thục Vy| 14/10/2019 11:54

(TN&MT) - Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bán hàng, mở quán ăn, kinh doanh… gây bức xúc cho người dân TP.HCM suốt nhiều năm qua. Một số quận, huyện đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự vỉa hè, song việc này như “bắt cóc bỏ dĩa”.

pn
Tuyến đường ở quận Phú Nhuận bị lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Vào đầu buổi sáng hoặc giờ tan tầm buổi chiều, các tuyến đường Đặng Văn Sâm, Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận), Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp) thường xuyên bị ùn ứ do lượng phương tiện ô tô và xe máy đổ về rất lớn. Cũng trên các tuyến đường này, những xe đẩy bán nước giải khát, đồ ăn vặt tập trung trải dài ở lòng đường, khiến giao thông thêm phần hỗn loạn.

Buổi tối, các con đường Hoàng Minh Giám, Đặng Văn Sâm như một khu chợ tự phát tập trung tất cả các xe đẩy, hàng gánh bán thức uống, đồ ăn rất lộn xộn. Những người buôn bán tự ý đặt ghế nhựa trên vỉa hè để khách ăn uống, xem vỉa hè công cộng như khoảnh sân riêng của mình, khung cảnh vô cùng bát nháo. Còn khi đêm xuống, hai bên đại lộ Phạm Văn Đồng thuộc địa bàn quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh, nhiều quán nhậu sắp bàn ghế đầy rẫy lấn chiếm vỉa hè, ấy vậy mà không thấy bóng dáng lực lượng chức năng.

Tại khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), khi chiều xuống, các hộ kinh doanh quần áo tại đây bày hàng tràn hẳn xuống lòng đường. Hàng hóa được bày xuống lòng đường, nên buộc khách khi muốn mua hàng cũng phải đứng dưới lòng đường để chọn lựa, ngã giá. Trong khi đó, lưu lượng xe đi qua khu vực này là rất lớn nên tình trạng này sẽ gây nhiều nguy hiểm cho cả người mua lẫn người bán. Không chỉ vậy, những người bán hàng tại đây cũng tranh thủ… ngủ ngay trên yên xe máy.

Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố còn biểu hiện ở những góc khác. Tại các quận 1, 3, 5…, các  hộ gia đình có mặt tiền kinh doanh, buôn bán lấn chiếm trọn vỉa hè trước nhà làm nơi để xe máy, hàng hóa, biển hiệu. Có dịp đi dọc tuyến đường Trần Nhân Tôn (quận 10), người đi đường sẽ thấy toàn bộ vỉa hè bị chiếm dụng để đặt bàn ghế, hàng hóa. Người đi bộ, học sinh đi học phải tràn ra lòng đường, với nỗi lo thường trực bị xe đụng.

Ông Phan Tấn Quỳnh, người dân ngụ ở đường Trần Nhân Tôn (quận 10) than vãn: “Cả con đường này đầy hàng quán, xe máy trên vỉa hè, người đi bộ không có lối đi nên phải lội xuống lề đường. Nhiều lúc mình đi bộ cảm thấy vô cùng bất an, bởi xe cộ tông phải bất cứ lúc nào. Tôi rất  mong chính quyền địa phương ra tay chấn chỉnh mạnh hơn, gay gắt hơn”.

Đã nhiều năm qua, các ngành chức năng cùng chính quyền các địa phương của TP.HCM tổ chức tuyên truyền rộng rãi, vô số băng rôn, khẩu hiệu được treo, dán trên đường, nhưng nhiều người vẫn cố ý vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Cứ như vậy, sau mỗi đợt ra quân rầm rộ chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè thì chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng này lại đâu vào đó.

Nguyên nhân dễ thấy nhất là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, thường tái phạm khi không có lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát. Mặt khác, công tác tuyên truyền của cơ quan chức năng chưa sâu sát và thường xuyên, chưa tạo được sự đồng thuận của người dân; công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm thiếu kiên quyết, không liên tục…

Để giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Khi đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mới có lời giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vô tư lấn chiếm vỉa hè, lòng đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO