Vĩnh Phúc: Kết luận sai phạm tại Trường tiểu học Tề Lỗ

11/01/2018 19:00

Trong suốt thời gian dài, bà Bùi Thị Sâm, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tề Lỗ đã tự tung tự tác, mất dân chủ trong quản lý tài chính, dẫn đến nhiều sai phạm khiến đông đảo các bậc phụ huynh bức xúc, viết đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc.

(TN&MT) - Sau quá trình vào cuộc xác minh, ngày 08/1/2018, ông Phạm Thế Dũng, Trưởng phòng Phòng GD- ĐT huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đã ký văn bản số 13/-KL-Ktr kết luận nội dung xác minh đơn tố cáo đối với bà Bùi Thị Sâm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tề Lỗ. Bản kết luận với hàng loạt sai phạm được gửi Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Yên Lạc và đang chờ huyện có hình thức xử lý kỷ luật những sai phạm theo quy định.
 
IMG 2443
Kết luận của Phòng GD-ĐT huyện Yên Lạc về nội dung đơn tố cáo của phụ huynh đối với bà Bùi Thị Sâm, Bí thư Chi bộ, hiệu trưởng Trường Tiểu học Tề Lỗ dày 7 trang với 8 nội dung sai phạm.
IMG 2444

Báo Tài nguyên và Môi trường đã có loạt bài phản ánh nhiều dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý của Trường Tiểu học Tề Lỗ.

Phòng GD-ĐT huyện Yên Lạc đã thành lập tổ xác minh nội dung đơn thư tố cáo của phụ huynh, kết quả đã phát hiện nhiều sai phạm tại Trường Tiểu học Tề Lỗ, tổng số tiền thu trái quy định, thu chưa đủ hồ sơ chứng từ lên đến tiền tỷ: Thu nhiều khoản sai quy định hướng dẫn 1368/HD- UBND của ủy ban Nhân dân huyện Yên Lạc về thu tiền vệ sinh, tiền chăm sóc khuôn viên; tiền quỹ khuyến học; tiền thu đầu vào lớp 1. Trường đã thu tiền trái quy định các khoản tiền thu giấy kiểm tra, thu tiền đầu vào lớp 1.

IMG 1432
Những sai phạm của bà Bùi Thị Sâm, hiệu trưởng Trường Tiểu học Tề Lỗ đã được chỉ với những khoản kinh phí sai phạm rất lớn gây bức xúc trong nhân dân, rất cần khẩn trương xử lý để ổn định chất lượng dạy và học.


Nhiều năm qua, trường đã không thực hiện đúng Luật Ngân sách: Chi nhiều khoản không đủ, không đảm bảo hồ sơ, chứng từ theo quy định; nhiều chứng từ không hợp lệ ở các khoản chi. Chỉ tính riêng 2 khoản chi là Quỹ Khuyến học và chi từ kinh phí thu đầu vào lớp 1 của 2 năm học vừa qua, số tiền sai phạm đã trên 80 triệu đồng.

Tổng thu tiền xã hội hóa để làm sân trường gần 400 triệu đồng. Việc thu tiền xã hội hóa làm sân chưa đủ hồ sơ theo quy định, hồ sơ thu ủng hộ của phụ huynh học sinh và không có biên lai, phiếu thu tiền ủng hộ của phụ huynh học sinh và của từng tập thể và cá nhân, chưa đảm bảo theo quy định tài chính hiện hành.

Về việc thu chi tiền giấy kiểm tra từ năm học 2014 đến nay, tổng số tiền trên 57 triệu đồng và được kết luận là trái quy định của Bộ GD-ĐT; sai về nguyên tắc tài chính, có biểu hiện không trung thực trong hồ sơ chi tiền.

Thời gian qua, Nhà trường phối hợp với hội cha mẹ học sinh vận động thu tiền vệ sinh, chăm sóc khuân viên là không đúng văn bản hướng dẫn 1368/HD-UBND ngày 01/12/2012 của UBND huyện Yên Lạc và thông tư 55/2011/TT-GBDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Về thu tiền quỹ lớp, quỹ hội cha mẹ học sinh được kết luận: Việc chi, nhà trường tham mưu không đúng theo thông tư 55/2011/TT-GBDĐT ngày 22/11/2011 của bộ GD&ĐT về việc ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Việc thu - chi không đúng nguyên tắc, không đúng quy định về chi tiêu tài chính, chi sai mục đích.

Về việc tiền quỹ khuyến học, triển khai thu không đúng theo trình tự hướng dẫn theo văn bản hướng dẫn 1368/HD-UBND ngày 01/12/2012 của UBND huyện Yên Lạc. Một số nội dung chi sai mục đích quỹ khuyến học với số tiền là gần 43 triệu đồng.

Về việc thu tiền đầu vào lớp 1: Thu không đúng theo hướng dẫn tại văn bản 1368/HD-UBND ngày 01/12/2012 của UBND huyện Yên Lạc. Việc chi tiền năm học từ 2014 đến 2016 không đúng mục đích thỏa thuận với hội cha mẹ học sinh là mua quạt điện, tủ đựng đồ dùng mà chi vào việc tăng cường cơ sở vật chất (CSVC) chung của trường, gây thắc mắc cho hội cha mẹ học sinh. Năm học 2016-2017, các biên bản bàn giao CSVC cho nhà trường không rõ ràng. Nhà trường không làm đúng quy trình, thủ tục tiếp nhận và không định giá, nhận vào sổ quản lý tài sản nhà trường theo quy định.

Từ năm 2014 đến nay, Hiệu trưởng nhà trường có biểu hiện buông lỏng việc quản lý thu, chi ăn bán trú của học sinh, không hoạch toán kế toán và mở sổ sách thu, chi là sai theo quy định tài chính hiện hành. Hồ sơ quản lý không đảm bảo nguyên tắc, không rõ ràng rành mạch, không đủ các chứng từ thu, chi. Việc thanh toán cho người bán hàng thực phẩm, gạo, rau, gia vị không có số lượng chỉ ghi tổng tiền một ngày, nhiều ngày mua thịt không ghi cụ thể loại thịt, chỉ giao tiền theo số liệu sổ theo dõi chi hàng ngày, không có biên bản, biên nhận giao tiền, giao hàng.

Nhà trường công khai dân chủ thu, chi tiền ăn bán trú tại của nhà bếp không thuận tiện cho phụ huynh giám sát, thiếu kiểm tra, giám sát thu, chi và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều tuần không được phụ huynh học sinh kiểm tra, giám sát xác nhận.

Việc xây dựng thực đơn hàng ngày cho học sinh, nhà trường áp dụng máy móc như: Tính gia vị 700 đồng/HS, rau 700 đồng/HS, tính 10% hóa đơn giá trị gia tăng khi mua thịt lợn làm ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của trẻ.

Tuy nhiên, phụ huynh chưa hài lòng với việc cơ quan chức năng không cho khảo sát để chỉ ra những thất thoát từ sự bớt xén khẩu phần ăn qua chi phí gia vị, chất đốt, giá thực phẩm. Mỗi bữa ăn của các học sinh tiểu học mà định mức gia vị 350 – 400 nghìn đồng/bữa ăn; tiền gas nấu ăn trên 500 nghìn đồng/bữa ăn là rất vô lý và số tiền thất thoát cả năm học rất nhiều. 

Về việc thu tiền tăng cường cơ sở vật chất bán trú: Khi mua bổ sung đồ dùng bán trú, sửa chữa điện nhà trường không có biên bản kiểm tra hiện trạng, kiểm kê CSVC đồ dùng bán trú để xác định thiếu, đủ để mua bổ sung.

Việc cử ban đại diện cha mẹ học sinh và hội trưởng, tham mưu hoạt động của hội cha mẹ học sinh là không đúng theo quy định tại Thông tư 55/2011/TT-GBDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Qua khảo sát, có nhiều ý kiến giáo viên chủ nhiệm đánh giá hiệu trưởng không dân chủ công khai các khoản thu, chi trong các năm học; hiệu trưởng có thái độ hống hách với cha mẹ học sinh.

Như vậy, những tố cáo của phụ huynh đối bà Bùi Thị Sâm đã được phòng GD-ĐT khẳng định là rất nhiều sai phạm.

Qua xác minh cho thấy, những sai phạm về quản lý tài chính mang tính hệ thống trong cả quá trình, bất chấp sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; thêm vào đó, sự hống hách khi phụ huynh góp ý xây dựng đã làm hoen ố hình ảnh người cán bộ, đảng viên, nhất là trong môi trường giáo dục. Sự cửa quyền, thiếu tôn trọng dân biểu hiện sự tha hóa đạo đức, gây mất lòng tin trong nhân dân.

Sai phạm đã rõ và rất nghiêm trọng. Vụ việc này sẽ được Huyện ủy, UBND huyện Yên Lạc xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.

                                                                         

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc: Kết luận sai phạm tại Trường tiểu học Tề Lỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO