Vĩnh Lộc (Thanh Hóa): Siết chặt bảo vệ tài nguyên để phát triển bền vững

Bài và ảnh: Tuyết Trang| 05/04/2022 11:02

(TN&MT) - Hiện nay trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc có 31 mỏ khai thác khoáng sản các loại, gồm mỏ cát, mỏ đất, mỏ đá… với trữ lượng hàng triệu mét khối. Để đảm bảo việc khai thác đi vào nền nếp, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, huyện đã đề ra nhiều giải pháp cho việc khai thác tài nguyên như: hướng dẫn chủ mỏ cam kết khai thác đúng giấy phép, trữ lượng, đúng mốc giới, trọng tải… Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các huyện lân cận để quản lý tài nguyên.

Theo báo cáo của Phòng TN&MT huyện Vĩnh Lộc, hiện trên địa bàn huyện có tổng số 31 mỏ khai thác khoáng sản. Trong đó có 16 mỏ đá với tổng diện tích 68,68ha, trữ lượng được duyệt là 9.355.544m3; 5 mỏ cát tổng diện tích 20,43ha, trữ lượng được duyệt 859.168m3, gồm: Mỏ số 18 tại xã Vĩnh Hòa, mỏ số 30 xã Vĩnh Yên, mỏ cát số 32 xã Vĩnh Quang, mỏ cát số 20 xã Vĩnh Khang, huyện Vĩnh Lộc và xã Yên Thái, huyện Yên Định, mỏ cát số 54 xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc và xã Định Hải, huyện Yên Định. 6 mỏ san lấp với tổng diện tích đất là 25,3ha, trữ lượng khai thác là 726.333m3; 4 mỏ đất sét làm gạch Tuynel được UBND tỉnh cấp phép khai thác trên địa bàn huyện với tổng diện tích đất 19,05ha, trữ lượng khai thác 1.038.652m3. Các mỏ hoạt động khai thác đã tạo thêm việc làm cho trên 1.600 lao động địa phương, đảm bảo nhu cầu vật liệu đá xây dựng trên địa bàn và góp phần vào phát triển kinh tế của huyện.

anh.jpg

Kiểm tra tàu thuyền hút cát tại sông Mã

Nhìn chung các đơn vị được cấp phép khai thác, tận thu khoáng sản sau khi nhận bàn giao mỏ đã đưa vào khai thác, có ý thức chấp hành công tác bảo vệ môi trường khu vực khai thác, chấp hành các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, có trách nhiệm ủng hộ vật liệu cho các xã để xây dựng, cải tạo đường giao thông và các công trình công cộng, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Các doanh nghiệp khai thác đá hoạt động khai thác trữ lượng theo giấy phép được cấp, đồng thời đang đưa dần công nghệ cắt dây thay thế phương án nổ mìn, sản phẩm đá xây dựng các loại đáp ứng được nhu cầu xây lắp các công trình và nhu cầu của nhân dân. Mỏ cát, cơ bản chấp hành theo yêu cầu của giấy phép khai thác, đáp ứng cát xây dựng cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn, nhưng tình trạng mất mốc giới khu vực mỏ chưa khôi phục, chưa lắp biển báo, biển chỉ dẫn để nhân dân kiểm tra, giám sát....

Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp đôi lúc chưa nghiêm trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng chưa đủ các hạng mục công trình như trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, tình trạng xe chở quá tải chưa được ngăn chặn triệt để, công tác bảo vệ, khôi phục mốc giới mỏ, biển báo mất, hỏng chưa bổ sung kịp thời, chưa chấp hành nghiêm túc thời gian khai thác, thời gian khai thác tại mỏ chưa công khai, khai thác còn vi phạm, chưa tuân thủ theo thiết kế mỏ đã được phê duyệt, còn vi phạm an toàn lao động, giám đốc điều hành mỏ không có mặt thường xuyên tại mỏ...

Để đưa công tác khai thác tài nguyên khoáng sản vào nền nếp, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng TN&MT, UBND các xã thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra định kỳ về mốc giới khai thác, an toàn lao động… Đặc biệt, huyện Vĩnh Lộc đã phối hợp với các huyện lân cận: Thiệu Hóa và Cẩm Thủy xây dựng Quy chế phối hợp số 01/QCPH-UBND ngày 27/7/2021 trong công tác quản lý cát sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh.

“Huyện sẽ thành lập các chốt trực, tổ chức trực 24/24 tại các điểm nóng thường xuyên khai thác khoáng sản trái phép. Triển khai thực hiện Quyết định số 5040/QĐ-UBND ngày 14/12/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề án giám sát khai thuế đối với các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện… Phối hợp chặt chẽ với huyện Yên Định, huyện Cẩm Thủy thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp trong công tác quản lý cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh giữa các huyện.”

Ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc,Thanh Hóa

Ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết: Theo quy định của Luật Khoáng sản, quản lý khoáng sản trách nhiệm trực tiếp là của chính quyền cơ sở, nhưng chính quyền cơ sở lại thiếu phương tiện, thiếu người điều khiển, thiếu công cụ hỗ trợ. Phương tiện tàu thuyền, ca nô để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu, còn bất cập có khi phải thuê thuyền bên ngoài bị động ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, xử lý. Các mỏ khai thác cát thả phao mốc trên sông, các mốc phao dể bị dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu. Các phương tiện vi phạm (thuyền bơm hút cát) là tài sản và là nơi sinh hoạt hàng ngày của gia đình người vi phạm, nếu tạm giữ phương tiện sẽ không có bến bãi neo đậu đủ điều kiện trông coi, bảo quản khi vi phạm hành chính. Do đó, rất khó khăn trong việc xác minh, làm rõ và đảm bảo việc xử phạt. Giám sát khối lượng khai thác tại mỏ, khối lượng xuất bán tại bãi gặp nhiều khó khăn. Trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra xác định tọa độ mốc mỏ khai thác, độ sâu khai thác, đo độ bụi trong không khí, đo tiếng ồn trong quá trình khai thác không có nên khó khăn cho công tác quản lý.

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản trong thời gian tới, UBND huyện yêu cầu nêu cao trách nhiệm công chức từ huyện đến xã về quản lý Nhà nước, tài nguyên khoáng sản; trách nhiệm quản lý Nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu của chính quyền cơ sở trong quản lý tài nguyên khoáng sản. Tham mưu tổ chức thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Quy định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý tài nguyên khoáng sản để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Tập trung yêu cầu các chủ mỏ công khai thời gian khai thác, sản lượng khai thác, số phương tiện, biển báo, mốc mỏ để nhân dân tham gia giám sát…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Lộc (Thanh Hóa): Siết chặt bảo vệ tài nguyên để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO