“Găm” sổ đỏ của dân gần 7 năm mới giao?
Sau khi thực hiện thu hồi gần 100 nghìn m2 đất nông nghiệp để triển khai dự án tôn tạo, mở rộng Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Lý Học thực hiện công tác dồn điền đổi thửa và hoàn tất thủ tục cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (sổ đỏ) cho các hộ dân trên địa bàn xã, trong đó có 95 hộ ở thôn 5. Đến cuối năm 2009, ông Nguyễn Trọng Nhưỡng, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo (hiện là Chủ tịch huyện) đã ký cấp sổ đỏ cho các hộ dân xã Lý Học.
95 hộ dân thôn 5 vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo những sai phạm trong quản lý đất đai ở xã Lý Học. |
Đáng nhẽ, sau khi Phó Chủ tịch UBND huyện ký các quyết định cấp sổ đỏ, các phòng ban liên quan và UBND xã Lý Học phải thực hiện ngay việc giao sổ cho dân. Nhưng không hiểu sao, mãi gần 7 năm sau ngày ông Nhưỡng ký các quyết định thì UBND xã Lý Học mới thông báo cho dân đến nhận sổ. Đáng bàn hơn, sổ đỏ được giao trả cho dân khi thời hạn sử dụng của sổ đã hết hiệu lực.
Giấy mời của UBND xã Lý Học mời các hộ dân đến nhà Trưởng thôn 5 để nhận sổ đổ đã hết hạn sử dụng. |
Đơn cử, ngày 24/8/2009, ông Nguyễn Trọng Nhưỡng ký quyết định cấp sổ đỏ số hiệu H02003 cho hộ ông Đinh Thanh Tự ở thôn 5, xã Lý Học. Trong sổ đỏ ghi rõ, ông Tự được sử dụng 3.365m2 để sản xuất nông nghiệp, thời hạn sử dụng đến ngày 30/6/2014. Nhưng mãi đến sáng ngày 15/8/2016 (thiếu 9 ngày nữa là đúng tròn 7 năm-Pv), ông Tự mới nhận được giấy mời của UBND xã Lý Học đến nhà ông Nguyễn Văn Học (Trưởng thôn 5) để nhận sổ đỏ (!?).
Tương tự, hộ ông Vũ Văn Thìn (thôn 5) được ông Nguyễn Trọng Nhưỡng ký cấp sổ đỏ số hiệu H 01900 ngày 11/11/2009, với diện tích 3.456m2, thời hạn sử dụng đến 30/6/2014. Nhưng cũng như ông Tự, sáng ngày 15/8/2016, ông Thìn mới được UBND xã Lý Học mời đến nhà Trưởng thôn để nhận sổ.
Lời của ông Tự không đơn giản là câu hỏi mà chính là nỗi đau đáu của 95 hộ dân thôn 5. Sau khi một diện tích lớn đất sản xuất bị thu hồi để thực hiện dự án tôn tạo, mở rộng Khu di tích, đời sống của 95 hộ dân bấp bênh do thiếu đất sản xuất. Với diện tích đất sản xuất ít ỏi còn lại, nếu được cấp sổ đỏ sớm thì họ sẽ có thêm điều kiện vay vốn ngân hàng, có tiền thì việc chuyển đổi nghề sẽ dễ dàng hơn. Cầm trong tay xấp giấy mời nhận sổ đỏ của 95 hộ dân thôn 5, ông Tự ngao ngán nói: “Tất cả các hộ dân trong thôn đều được mời đến nhận sổ ngày 15/8/2016, tại nhà Trưởng thôn. Nhưng sổ đã hết thời hạn sử dụng rồi thì còn nhận làm gì. Xã “găm” sổ của dân để làm gì chứ?”.
“Bớt xén” đất ở dân bỏ tiền mua
Việc UBND xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo “găm” Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của dân đã “hô biến” quyền lợi của 95 hộ dân trong suốt 7 năm qua. Và chắc hẳn, những năm tới, người dân cũng chẳng thể có quyền lợi gì vì sổ đỏ hiện đã hết hạn sử dụng… từ ngày 30/6/2014 (?!).
Người dân huyện Vĩnh Bảo phản ánh những bức xúc với phóng viên Báo TN&MT |
Không những vậy, quá trình tác nghiệp, chúng tôi còn phát hiện, UBND xã Lý Học còn hợp thức hóa hồ sơ để “ăn bớt” diện tích đất bán cho dân làm đất ở. Cụ thể, từ năm 1998 đến 2002, UBND xã Lỹ Học đã bán cho 27 suất đất trên địa bàn cho dân để làm đất thổ cư. Nhưng diện tích đất và số tiền thu từ bán đất được UBND xã Lý Học quản lý rất mập mờ.
Năm 1998, hộ ông Lê Văn Thân mua của UBND xã Lý Học 240 m2 đất ở thửa số 530, tờ bản đồ số 8, khu vực Cổng Đông với số tiền phải trả là 6.720.000 đồng. Đến năm 2003, khi UBND xã trình UBND huyện Vĩnh Bảo khu vực xin giao làm đất ở (Tờ trình số 06, ngày 20/3/2003 của UBND xã Lý Học), diện tích đất ở của ông Thân chỉ còn 200m2; tiền mua đất cũng chỉ còn 4.700.000 đồng (còn 2.020.000 đồng không biết đi về đâu?-Pv).
Hay ông Nguyễn Viết Trì mua 288m2 ở thửa số 611, tờ bản đồ số 6, khu vực Mạ, với số tiền 7.200.000 đồng. Nhưng khi xã trình huyện thì diện tích đất của ông Trì mất đi 88m2, số tiền cũng giảm xuống thành 4.700.000 nghìn đồng.
Sổ đỏ đã hết hạn sử dụng 2 năm mới giao cho người dân thôn 5. |
Đối chiếu danh sách “Tổng hợp tình hình giao đất ở của xã Lý Học năm 1998” và văn bản “Phương án thu tiền sử dụng đất và đền bù đất khu vực xin giao đất ở năm 2003” của UBND xã Lý Học, chúng tôi nhận thấy, 27 hộ mua đất đều bị trừ diện tích khi xã trình huyện giao đất. Số tiền xã trình lên huyện đều thấp hơn số tiền thực tế mà 27 hộ bỏ ra để mua đất.
Ngoài ra, theo phản ánh của 27 hộ dân, từ khi mua đất đến nay, dù đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước nhưng họ vẫn chưa được cấp sổ đỏ cho diện tích đất ở mà họ đã bỏ tiền ra mua.
Chính quyền trốn tránh công luận?
Để làm rõ những khuất tất trong việc thu hồi đất thực hiện dự án tôn tạo, mở rộng Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như những bất thường trong quản lý, sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Lý Học, từ 22/8/2016 đến nay, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Bảo để có thông tin đa chiều. Nhưng mọi cố gắng đều chỉ nhận được sự im lặng từ phía UBND huyện Vĩnh Bảo.
Danh sách “Tổng hợp tình hình giao đất ở của xã Lỹ Học năm 1998” và văn bản “Phương án thu tiền sử dụng đất và đền bù đất khu vực xin giao đất ở năm 2003” của UBND xã Lý Học. |
Ngày 20/10/2016, chúng tôi tiếp tục đến UBND huyện Vĩnh Bảo. Cửa phòng Chánh Văn Phòng UBND huyện, ông Vũ Xuân Quang, đóng kín (cũng như ngày 22/8/2016). Liên hệ qua điện thoại, ông Quang bắt máy nhưng không nói gì rồi tắt. Gọi lại, chuông vẫn đổ nhưng ông không nghe máy.
Cực chẳng đã, chúng tôi phải sử dụng tin nhắn, nêu ngắn gọn nội dung tha thiết được huyện tạo điều kiện làm rõ thông tin. Nhưng nhận được chỉ là sự im lặng từ phía ông Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Bảo.
Liên hệ với bà Đỗ Thị Hương, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Vĩnh Bảo, chúng tôi được biết, bà đang xuống cơ sở cùng đoàn cưỡng chế thu hồi đất. Bà thông tin, buổi trưa xong việc sẽ chủ động liên hệ. Nhưng mãi đến cuối buổi chiều, trên đường về Hà Nội, chúng tôi mới nhận được cuộc gọi của bà Hương, với lời nhắn “Xin thông cảm, bận quá!”.
Những khuất tất trong quản lý đất đai ở xã Lý Học liệu rằng UBND huyện Vĩnh Bảo có biết? Và vì sao, lãnh đạo UBND huyện lại có cách “hành xử” lạ lùng như vậy? Đây là câu hỏi mà UBND huyện Vĩnh Bảo, đề nghị TP. Hải Phòng cần sớm có hồi âm.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục theo dõi về vụ việc quản lý đất đai trên địa bàn Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng để thông tin đến bạn đọc trên các số báo tiếp theo.
Bài và ảnh: Sỹ Hào