Báo cáo lãnh đạo Tập đoàn, Chánh Kinh tế Vietsovpetro Trần Công Tín cho biết, năm 2023, kế hoạch sản lượng khai thác dầu và condensate trên toàn mỏ Vietsovpetro được Hội đồng Vietsovpetro lần thứ 55 phê duyệt là 2,895 triệu tấn, trong đó Lô 09-1 là 2,750 triệu tấn và Lô 09-3/12 (phần của VSP 55%) là 145 nghìn tấn. Ngoài ra, Hội đồng giao cho Vietsovpetro thêm 02 nhiệm vụ bổ sung của Lô 09-1 nên sản lượng kế hoạch lô 09-1 năm 2023 bao gồm nhiệm vụ bổ sung là 2,9 triệu tấn. Kế hoạch sản lượng khai thác khí thiên nhiên tại khu vực Đông Bắc Rồng là 54,2 triệu m³.
Năm 2023, Vietsovpetro cũng dự kiến đưa 3 công trình RC-8, BK-22, BK-4A vào khai thác. Về công tác dịch vụ ngoài và mở rộng lĩnh vực cung cấp dịch vụ, bên cạnh cung cấp dịch vụ cho các đối tác truyền thống trong lĩnh vực dầu khí, Vietsovpetro sẽ nghiên cứu, tìm kiếm và mở rộng cung cấp dịch vụ ở lĩnh vực khác mà Vietsovpetro có thế mạnh và lĩnh vực Năng lượng tái tạo (Điện gió ngoài khơi), có tính đến chuyển dịch năng lượng trọng lĩnh vực dịch vụ.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, Vietsovpetro đã đề ra các giải pháp về địa chất kỹ thuật, gia tăng trữ lượng để triển khai đồng bộ, nhằm hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác dầu và condensate đã được Hội đồng Vietsovpetro lần thứ 55 phê duyệt. Bên cạnh đó, Vietsovpetro cũng đưa ra các nhóm giải pháp tối ưu công tác khoan khai thác, đưa vào khai thác đúng tiến độ các công trình xây dựng cơ bản trọng điểm RC-8, BK-22, BK-4A; nhóm giải pháp hoàn thiện năng lực nội bộ, duy trì lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; mở rộng hợp tác, liên kết, tận dụng các yếu tố ngoại lực để phát triển mở rộng dịch vụ ngoài.
Vietsovpetro cũng kiến nghị Tập đoàn xem xét hỗ trợ để các cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt các đề xuất của Vietsovpetro tại các Lô 09-3/12, 09-2/09, từ đó có cơ sở triển khai các công tác tìm kiếm thăm dò năm 2023 và các công tác tiếp theo. Về lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Vietsovpetro kiến nghị Tập đoàn hỗ trợ tư vấn các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng trụ điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu khai thác dầu khí Lô 09-1; đồng thời thúc đẩy xem xét, cho ý kiến và thống nhất thuê nhà thầu tư vấn thực hiện lập Luận chứng kinh tế kỹ thuật để Vietsovpetro có thể triển khai công tác đấu thầu.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Vietsovpetro đã có những báo cáo, trao đổi, thảo luận tập trung vào các giải pháp phát huy hiệu quả các nguồn lực, tối ưu hóa chi phí, công tác quản trị tài chính, tận dụng dòng tiền, công tác quản trị danh mục đầu tư, công tác mở rộng vùng hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển chuỗi giá trị cung ứng trong khối E&P… Đoàn công tác của lãnh đạo Tập đoàn cũng đã có ý kiến trao đổi cụ thể về kế hoạch, nhiệm vụ, đưa ra những ý kiến, các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà Vietsovpetro đã nêu, cũng như thông tin làm rõ, trả lời các kiến nghị của Vietsovpetro.
Kết luận buổi làm việc, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh bối cảnh trong năm 2023 là rất khó khăn với những áp lực lớn về tăng trưởng kinh tế, Vietsovpetro nói riêng và các đơn vị thành viên của Petrovietnam nói chung phải quán triệt mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 phải cao hơn, hoặc ít nhất bằng với năm ngoái; không những tăng trưởng mà cần có sự tính toán dài hơi để phát triển bền vững, thể hiện sự “khát vọng”, gắn với “trí tuệ”, “chuyên nghiệp” và “nghĩa tình” là những giá trị cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn.
Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng đề nghị Vietsovpetro sớm hoàn thành xây dựng kế hoạch 5 năm, làm cơ sở đàm phán trong các kỳ họp hội đồng; có sự phân chia hợp lý các công việc cần giải quyết trong năm và trong từng giai đoạn để có sự điều phối linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, Vietsovpetro cần căn cứ vào kết quả triển khai các nghị định về Luật Dầu khí mới, có sự điều chỉnh, kiện toàn các văn bản nội bộ, quy chế quản trị; yêu cầu các Ban chuyên môn của Tập đoàn phối hợp với Vietsovpetro cập nhật danh mục đầu tư làm cơ sở tính toán cho việc sử dụng nguồn quỹ phát triển sản xuất trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, cần tăng cường chuỗi giá trị liên kết giữa các đơn vị thành viên Petrovietnam từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn; thúc đẩy chuyển đổi số trong hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp, mã hóa dữ liệu các danh mục vật tư thiết bị, xây dựng dữ liệu lớn, nhất là đối với khối thăm dò - khai thác; đồng thời phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần thiết xây dựng quỹ đào tạo cho chiến lược phát triển lâu dài của đơn vị cũng như hỗ trợ cho các đơn vị khác. Từ đó, tiếp tục chinh phục các mục tiêu đã đề ra với quyết tâm cao nhất. Tập đoàn sẽ luôn là điểm tựa, hỗ trợ cho sự phát triển của các đơn vị.