Môi trường

Việt Nam xếp thứ 14 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao trên thế giới

Minh Hạnh 11/03/2024 - 17:07

Theo bảng xếp hạng về mức độ đa dạng sinh học trên thế giới năm 2024, Việt Nam đứng thứ 14 và là một trong 3 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá cao về mức độ đa dạng sinh học.

Trang World Population Review mới đây đã cập nhật danh sách 20 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Trong đó, Việt Nam xếp thứ 14 với chỉ số đa dạng sinh học 221,77. Theo danh sách công bố, Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá cao về mức độ đa dạng sinh học, xếp sau Indonesia (vị trí thứ 2) và trên Malaysia (vị trí 15).

So với thời điểm cuối năm 2022, Việt Nam đã tăng thêm 2 hạng trong danh sách các quốc gia giàu đa dạng sinh học, từ vị trí 16 (tháng 12/2022). Sự thay đổi này cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Trong đó, theo thống kê của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2023, Việt Nam có ít nhất 21/25 quần thể sinh vật của thế giới; 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia; 59 khu dự trữ thiên nhiên; 23 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; và 62 khu bảo vệ cảnh quan.

Tính đến nay, Việt Nam có 9 khu Ramsar; 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận; 12 vườn di sản ASEAN - đứng đầu khu vực; 1 vùng chim nước di cư quan trọng quốc tế tuyến đường bay Australia - Đông Á (EAAFP); hơn 101 khu vực đa dạng sinh học quan trọng.

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu, 07 vùng chim đặc hữu

khu-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-.jpg
Việt Nam là quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, về hệ động thực vật, đến nay, Việt Nam có khoảng 62.600 loài sinh vật đã được xác định, trong đó khoảng 3.500 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, 1.932 loài động vật có xương sống trên cạn và có trên 11.000 loài sinh vật biển . Hàng năm, nhiều loài mới tiếp tục được phát hiện và ghi nhận có tồn tại Việt Nam.

Diện tích rừng cũng ngày càng tăng lên, nếu như năm 1995 (ngay sau khi Việt Nam gia nhập Công ước Đa dạng sinh học), độ che phủ rừng chỉ đạt 28,2% thì đến nay, độ che phủ đã lên tới 42,02%.

Nhận xét về mức độ đa dạng sinh học của Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới với nhiều hệ sinh thái khác nhau, bao gồm núi, rừng nhiệt đới, núi đá vôi/khoáng, hệ sinh thái biển và ven biển; với hơn 100 loài chim và hơn 10% các loài thực vật của Việt Nam có tính đặc hữu.

Về công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, kế hoạch. Trong đó, Việt Nam đã có một hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên được thiết lập, theo quy hoạch và chiến lược là 9% diện tích khu bảo tồn trên cạn, 3 - 5% diện tích vùng ven biển.

Ngoài việc thúc đẩy mở rộng diện tích các khu bảo tồn, Việt Nam cũng hướng tới áp dụng các biện pháp bảo tồn hiệu quả ngoài khu vực bảo vệ, bảo tồn (OECM) bằng cách lồng ghép các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong các sinh cảnh sản xuất, những sinh cảnh ngoài khu vực bảo tồn.

Việt Nam cũng đang tích cực thực hiện các kế hoạch để bảo tồn sự đa dạng sinh học và dịch vụ sinh thái hiện có.

Nổi bật nhất là đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã thông qua Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thực hiện các mục tiêu bao gồm mở rộng hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên và phục hồi các hệ sinh thái; phát huy giá trị của dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Đồng thời, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý để hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, xác định các đối tượng cần phải ưu tiên bảo vệ, bảo tồn từ nay tới 2030; Vấn đề về bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ; Kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại; Xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc đa dạng sinh học…

Tiếp đó vào tháng 12/2022, Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF) được thống nhất thông qua. Khung GBF đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng nhằm khôi phục hệ sinh thái cả trên cạn và dưới nước, hướng đến mục tiêu đảo ngược quá trình mất ĐDSH đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu trong vài thập kỷ qua. Việc triển khai GBF là cơ hội để Việt Nam tiếp tục nỗ lực hơn nữa nhằm giúp khôi phục những hệ sinh thái đang mất đi và bảo tồn những hệ sinh thái hiện tại của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam xếp thứ 14 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao trên thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO