Tham dự cuộc họp, về phía điểm cầu Hà Nội có ông Shin Sangyeon, Tham tán Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà họp với Bộ trưởng Han Jeoung-ae theo hình thức trực tuyến |
Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng cùng nhau trao đổi về các chương trình hợp tác về môi trường (ODA xanh trong chính sách kinh tế mới, …); thảo luận về Chính sách trung hòa phát thải các-bon của Hàn Quốc và hợp tác về hệ thống giao dịch phát thải và những nội dung hợp tác về môi trường, biến đổi khí hậu.
Trao đổi các chương trình hợp tác về môi trường (ODA xanh trong chính sách kinh tế mới, …), Bộ trưởng Han Jeoung-ae cho biết, xu hướng ODA trong chính sách kinh tế xanh mới của Hàn Quốc là: phục vụ cải thiện môi trường địa phương, hạn chế tối đa các tác động đến môi trường do những vấn đề mà các nước đang phát triển đang phải đối mặt như: thiếu nước sạch, xử lý thoát nước do gia tăng dân số và đô thị hóa, hạ tầng quản lý chất thải nghèo nàn và chất lượng không khí kém. Chương trình sẽ tập trung vào các nhiệm vụ về quản lý nước bền vững, tuần hoàn tài nguyên, ứng phó với BĐKH… và Hàn Quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam.
Trao đổi với Bộ trưởng Han Jeoung-ae, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận Hàn Quốc đã hỗ trợ nhiều nguồn vốn ODA cho Việt Nam, đặc biệt là ODA không hoàn lại cho các lĩnh vực tài nguyên và môi trường thông qua KEITI, KOICA, KECO. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, các nội dung quản lý chất thải, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh cũng được chế định, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn thúc đẩy hợp tác và nhận được hỗ trợ của Hàn Quốc cho các hoạt động, dự án thuộc các lĩnh vực này.
Đối với chương trình Chính sách trung hòa phát thải các-bon của Hàn Quốc và hợp tác về hệ thống giao dịch phát thải, Bộ trưởng Han Jeoung-ae cho biết, Cùng với Chính sách kinh tế xanh mới, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy chuyển đổi sang hạ tầng xanh, năng lượng phát thải thấp và phân tán, thúc đẩy sáng kiến về công nghiệp xanh và tạo ra nhiều việc làm; hỗ trợ phát triển thương mại hóa công nghệ sử dụng và lưu trữ các-bon quy mô lớn; tăng quy mô kinh tế tuần hoàn.
Quang cảnh buổi làm việc tại điểm cầu Hà Nội |
Đặc biệt, trong tháng 5/2021, Hàn Quốc tổ chức Hội nghị P4G tập trung vào quan hệ đối tác công - tư. Tại đây thỏa thuận khung hợp tác về BĐKH giữa EU và Hàn Quốc, trong đó, trọng tâm là hỗ trợ của EU cho Hệ thống buôn bán phát thải của Hàn Quốc, vận hành dự án 3 năm về hành động khí hậu chung và các cuộc họp nhóm công tác chung về năng lượng, môi trường và BĐKH.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chúc mừng Hàn Quốc đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G). Đồng thời, Việt Nam đánh giá cao việc Hàn Quốc thông qua Đạo luật về Trung hòa các-bon ngày 31/8/2021 vừa qua với mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 và Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 14 luật hóa nội dung này.
Bộ trưởng cho biết, Việt Nam mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc tính toán đỉnh phát thải và các giải pháp để đạt mục tiêu trung hòa các-bon. Đồng thời, Việt Nam cũng đã thể chế hóa nội dung phát triển thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính vào Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2021 nhằm xác định các nội dung và lộ trình phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam để có thể triển khai thí điểm thị trường các-bon dự kiến từ năm 2025, vận hành chính thức năm 2028. Do đó, Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc trong lĩnh vực này và trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam mong muốn được cùng Bộ Môi trường Hàn Quốc tăng cường hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển và chuyển giao công nghệ ứng phó với BĐKH.
Cuộc họp được tổ chức trực tuyến giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Hàn Quốc |
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo và trình Quốc hội Việt Nam thông qua Luật BVMT sửa đổi, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ quý báu từ các chuyên gia chuyên ngành và nguồn tài liệu phong phú do Bộ Môi trường Hàn Quốc cung cấp. Cuối năm 2020, Luật BVMT sửa đổi đã được Quốc hội Việt Nam thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Từ giờ đến thời điểm đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn phải chuẩn bị ban hành rất nhiều các văn bản dưới Luật để hướng dẫn thực thi và triển khai các quy định của Luật này vào thực tiễn cuộc sống.
Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Môi trường Hàn Quốc về những nội dung rà soát, đề xuất sửa đổi, ban hành và thực thi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường nhằm khắc phục ngay những vướng mắc bất cập và tiếp cận các quy chuẩn môi trường tiên tiến trong khu vực; phái cử chuyên gia Hàn Quốc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, kinh tế môi trường (có kinh nghiệm về kinh tế tuần hoàn, vốn tự nhiên), thích ứng với BĐKH sang Việt Nam hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn và sẵn sàng phối hợp với các đối tác Hàn Quốc khác thường xuyên tổ chức các hội thảo tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam; tổ chức các cuộc họp để doanh nghiệp hai nước hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và tìm cơ hội hợp tác đầu tư.
Ghi nhận những ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Han Jeoung-ae cho biết, sẽ tăng cường thúc đẩy các cơ quan, doanh nghiệp của Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường để mối quan hệ hợp tác của hai quốc gia nói chung và trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói riêng sẽ phát triển hơn nữa và đạt được những thành tựu chung.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Han Jeoung-ae đã mời Bộ trưởng Trần Hồng Hà tham dự Diễn đàn châu Á - Thái Bình dương lần thứ 4 vào tháng 10 tới đây theo hình thức trực tuyến.