Sáng 25/10/2022, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức hội thảo “Đón đầu xu hướng bất động sản chăm sóc sức khỏe” nhằm góp phần nâng cao nhận thức xã hội về một xu hướng đầu tư mới; nhận diện cơ hội, thách thức và đề xuất được các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển, du lịch chăm sóc sức khỏe để sớm đưa Việt Nam vào bản đồ du lịch chăm sóc sức khỏe của thế giới.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, các chuyên gia kinh tế cùng đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư cho biết: “Đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đã tác động mạnh đến lối sống, nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng, kéo theo sự thay đổi xu hướng bất động sản và du lịch, trong đó dòng sản phẩm bất động sản chăm sóc sức khỏe đang được chú ý nhiều hơn, dòng vốn đầu tư có xu hướng chảy vào lĩnh vực này mạnh hơn. Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài, nhiều thắng cảnh và di tích văn hóa, lịch sử, cùng với nền y học cổ truyền đặc sắc, nhiều hệ thống suối khoáng nóng … nên rất thích hợp với nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe của khách du lịch”.
TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, loại hình bất động sản này của Việt Nam vẫn chưa được khẳng định trên bản đồ du lịch chăm sóc sức khoẻ của thế giới. Các sản phẩm nhìn chung còn ít, chưa đa dạng, chưa tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm phổ biến nhất là spa và tắm nước khoáng nước nóng với nhiều cơ sở hoạt động phục vụ khách du lịch, các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe khác hiện nay còn rất ít. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này được các chuyên gia chỉ ra như: đây là lĩnh vực mới ở Việt Nam; chưa có chính sách phát triển tổng thể; nút thắt về nguồn vốn; khó khăn về nhân lực; nhiều hạn chế trong tiếp thị sản phẩm …
Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam cho biết: “Du lịch chăm sóc sức khoẻ gồm nhiều các hoạt động từ cảnh quan thiên nhiên môi trường, dưỡng lão, chữa bệnh – phục hồi sức khoẻ, thẩm mỹ, văn hoá tín ngưỡng, ẩm thực và giao lưu cộng đồng địa phương. Những con số và báo cáo của những tổ chức du lịch uy tín cho thấy lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khoẻ rất hấp dẫn và sẽ tiếp tục phát triển, nó đóng góp đáng kể không chỉ cho kinh tế quốc gia mà còn cho đời sống xã hội phát triển chất lượng tốt hơn”.
Theo ông Nguyễn Hoàng, mặc dù tiềm năng là vậy nhưng thị trường bất động sản chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ quy mô và tính chất của du lịch chăm sóc sức khoẻ ở Việt Nam còn khá rời rạc, manh mún, chủ yếu dựa trên sự tự phát của riêng mỗi doanh nghiệp, cùng với rất nhiều những khó khăn thách thức và yếu kém. Bên cạnh đó là vấn đề quảng bá, tiếp thị chung cho du lịch Việt Nam ra quốc tế còn rất hạn chế nghèo nàn; những thách thức trong bảo vệ thiên nhiên, môi trường; doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn, hàng bán trì trệ dẫn đến nhiều dự án dở dang hoặc hoạt động không hiệu quả làm ảnh hưởng không chỉ hiệu quả kinh tế mà còn là cơ sở vật chất – hạ tầng của ngành du lịch nghỉ dưỡng. “Chính những khó khăn thách thức cơ bản và quan trọng này như là những rào cản cho sự phát triển của du lịch chăm sóc sức khoẻ.” – vị chuyên gia này cho biết.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) thì phân tích: “Việt Nam là nơi hội tụ của hầu hết các loại nước khoáng chính được biết trên thế giới, nước khoáng của Việt Nam được mở rộng chữa trị với nhiều loại bệnh khác nhau. Ngoài ra, Việt Nam có hệ thống cây dược liệu vô cùng phong phú với khoảng 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng làm thuốc. Hiện Bộ Y tế đã cấp số đăng ký cho trên 2.000 chế phẩm thuốc y học cổ truyền do trên 450 cơ sở y dược cổ truyền sản xuất. Việt Nam có nền y học dân tộc cổ truyền nổi tiếng với đông đảo đội ngũ thầy thuốc y dược học cổ truyền, 5 Viện nghiên cứu có khoa nghiên cứu về y dược học cổ truyển, 46 bệnh viện y học cổ truyền cấp tỉnh, 80% các bệnh viện lớn có khoa hoặc tổ y học cổ truyền.
Ngoài ra, Việt Nam có hệ thống di tích lịch sử phong phú; có nhiều chùa, tịnh xá, với hệ thống thiền viện rất đặc sắc với cảnh quan hấp dẫn có thể khai thác để phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch gắn với thiền, yoga nói riêng. Tất cả những vấn đề nêu trên đã khẳng định, tiềm năng về phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe thông qua các tài nguyên và y dược học cổ truyền ở Việt Nam là rất lớn. Để phát triển loại hình du lịch này đòi hỏi phải có sự tổ chức phối hợp khoa học và chặt chẽ giữa các bên liên quan để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh cần có cơ sở pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản chăm sóc sức khoẻ. Bởi hiện nay các cơ sở pháp lý của ta còn thiếu để phát triển các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ. Các chính sách di cư và nhập cư, visa của chúng ta còn hạn chế. “Hiện nay hình thức du lịch nghỉ dưỡng đang rất phát triển và phát triển cũng rất nhanh, đặc biệt là các loại hình như condotel, sở hữu kỳ nghỉ ... Thế nhưng các loại hình này lại chưa có cơ sở pháp lý để người mua theo hình thức này yên tâm. Luật Đất đai hiện chỉ công nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, sở hữu dưới dạng kỳ nghỉ, condotel chủ yếu dưới dạng hợp đồng dân sự. Tôi mong rằng qua hội thảo này, các bộ, ban, ngành sẽ nhận được các góp ý bổ ích để phối hợp, làm cơ sở xây dựng luật pháp, cơ sở pháp lý phát triển hình thức du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản chăm sóc sức khoẻ” – ông Thọ cho biết thêm.