Xây dựng năng lực chuẩn bị đàm phán
Theo đó, Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đáp ứng các mục tiêu được nêu trong Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn là cơ quan có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch hành động bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.
Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phải bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong mỗi giai đoạn; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, yếu kém và đề ra biện pháp thực hiện, bảo đảm đạt được các mục tiêu của Kế hoạch.
Để quá trình tham gia đàm phán đạt được hiệu quả cao nhất, Kế hoạch đề ra giải pháp cần phải xây dựng và thực hiện Chương trình đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ về luật pháp quốc tế, kỹ năng đàm phán, các quy trình, thủ tục khi tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Đồng thời nghiên cứu, phân tích, đánh giá những thuận lợi, thách thức khi Việt Nam tham gia vào đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.
Trong quá trình tham gia đàm phán, Việt Nam cũng cần có đội ngũ phân tích, xây dựng các kịch bản đàm phán và phương án của Việt Nam khi tham gia vào tiến trình đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.
Nhằm nâng cao năng lực đàm phán, Kế hoạch cũng nêu rõ cần tiền hành thu thập thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu. Đồng thời rà soát, tổng hợp, đánh giá các thỏa thuận quốc tế có liên quan đến rác thải nhựa mà Việt Nam đã tham gia; Rà soát, nghiên cứu, đánh giá các quy định pháp luật trong nước có liên quan đến quản lý nhựa, trọng tâm là rác thải nhựa đại dương; Thu thập thông tin từ hoạt động động điều tra cơ bản và điều tra, khảo sát về rác thải nhựa từ các nhiệm vụ, dự án theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Điều tra, đánh giá và xây dựng Báo cáo quốc gia về rác thải nhựa đại dương; Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22 tháng 7 năm 2021 phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu từ các dự án, nhiệm vụ khác của các bộ, ngành, địa dương và các tổ chức quốc tế, tổ chức và cá nhân trong nước; đánh giá, phân tích và xây dựng Báo cáo quốc gia về rác thải nhựa đại dương;
Thực hiện quá trình tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin, dữ liệu tại các diễn đàn quốc tế; tổng hợp các chương trình, dự án, các sáng kiến cấp khu vực, toàn cầu liên quan đến rác thải nhựa đại dương và đề xuất về định hướng đàm phán cho Việt Nam.
Nguồn lực cho công tác chuẩn bị đàm phán cũng vô cùng quan trọng, do đó, Kế hoạch đề xuất cần thiết phải Xây dựng phương án huy động sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và tổ chức, cá nhân trong nước để thực hiện việc chuẩn bị, tham gia đàm phán Thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Cùng với đó là xây dựng phương án tài chính để đảm bảo đầy đủ nguồn lực tài chính cho các hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.
Thiết lập cơ chế điều phối
Kế hoạch triển khai Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xây dựng cũng đề xuất phải thành lập Tổ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương; xây dựng và thông qua Quy chế làm việc của Tổ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương
Đồng thời, xây dựng mạng lưới các bên liên quan ở trong nước (các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan) và cơ chế phối hợp giữa các bên có liên quan để thuận lợi cho việc trao đổi, cung cấp thông tin,… trong quá trình đàm phán Thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.
Để đạt được kết quả như mong muốn, Kế hoạch cũng đề xuất phải có kế hoạch huy động được hỗ trợ trong nước và quốc tế với các nhiệm vụ như: Xây dựng các kế hoạch cử cán bộ liên quan đến đàm phán tham gia các khoá bồi dưỡng về kỹ năng đàm phán và luật pháp quốc tế do các tổ chức quốc tế hỗ trợ hoặc tổ chức; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu rác thải nhựa trong nước; kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu rác thải nhựa đại dương với các quốc gia khu vực và trên thế giới; Xây dựng và tổ chức mạng lưới đối tác giữa khu vực chính phủ, tư nhân, các tổ chức liên quan đến nhựa và rác thải nhựa để hỗ trợ hiệu quả cho công tác chuẩn bị đàm phán.
Dự thảo Kế hoạch triển khai cũng đề xuất phải lồng ghép tuyên truyền, phổ biến về sự cần thiết, thuận lợi, khó khăn định hướng của nội dung Thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương trong các chương trình tuyên truyền, phố biến trong các nhiệm vụ, dự án theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Điều tra, đánh giá và xây dựng Báo cáo quốc gia về rác thải nhựa đại dương; Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22 tháng 7 năm 2021 phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam và từ các dự án, nhiệm vụ khác liên quan đến rác thải nhựa.
Bên cạnh đó sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác song phương, đa phương để tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia khác, tổ chức quốc tế với những quan điểm, nội dung của Việt Nam dự kiến tham gia vào Thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Xây dựng kế hoạch đăng cai tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế về ô nhiễm nhựa đại dương, trong đó khẳng định trách nhiệm, nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết ô nhiễm nhựa toàn cầu.